Thị trường chứng khoán quý IV kỳ vọng vượt mốc 1.000 điểm

(BKTO) - Tháng 9, trước xu thế có phần hạ nhiệt từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng với mức tăng trưởng ấn tượng của GDP, giới phân tích dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam quý IV sẽ vượt mốc 1.000 điểm.



Tháng 9, các chỉ số tăng điểm nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp

Tính đến ngày 30/9/2019, VN-Index chính thức tăng 12,5 điểm so với thời điểm cuối tháng 8 (+1,27%) và HNX-Index tăng 2,73 điểm (+2,67%). Tính từ đầu năm 2019, VN-Index tăng 104,02 điểm (+11,65%) và HNX-Index tăng 0,82 điểm (+0,79%). Vốn hóa trên cả 2 sàn đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, tăng 5,4% so với cuối quý III và tăng 16,2% kể từ đầu năm.

Trong tháng 9, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX là -378,9 tỷ đồng với 176 cổ phiếu bị bán ròng và 145 cổ phiếu được mua ròng; trên sàn HNX, khối lượng bán ròng là -28,4 tỷ đồng với 81 cổ phiếu bị bán và 94 cổ phiếu được mua. Trên sàn HSX, khối ngoại mua mạnh các mã VJC (914,1 tỷ đồng), AST (294,9 tỷ đồng), HPG (132,5 tỷ đồng), VNM (112,6 tỷ đồng), BID (83,6 tỷ đồng) và bán các mã VRE (-387,4 tỷ đồng), NVT (-217,2 tỷ đồng), VIC (-212,9 tỷ đồng). Trên sàn HNX, nhóm này tập trung mua PVI (87,7 tỷ đồng), SHB (26,8 tỷ đồng) và bán NET (- 59,3 tỷ đồng), PVS (-52,5 tỷ đồng).

Thanh khoản bình quân trên 2 sàn giảm -8,3% so với tháng 8, đạt mức 4.381 tỷ đồng/phiên và tương ứng với gần 188 triệu USD/phiên. Xét từ đầu năm đến nay, thanh khoản bình quân trên 2 sàn đạt mức 4.421 tỷ đồng/phiên, giảm -35% so với trung bình năm 2018. Dù vậy, nếu xét riêng thanh khoản trong quý III, thanh khoản bình quân trên 2 sàn đã tăng +8,5% so với quý II, đạt 4.463 tỷ đồng/phiên và tương đương 191,5 triệu USD/phiên.

Các yếu tố nội tại sẽ hỗ trợ thị trường trong quý IV

Ngược với dự báo thận trọng của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đã tăng mạnh 7,31%, đưa mức tăng trưởng 9 tháng lên cao nhất trong 9 năm qua - đạt 6,98% với đóng góp chính đến từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Với kết quả đạt được trong quý III, nhiều khả năng, tăng trưởng GDP cả năm 2019 sẽ vượt mục tiêu 6,6 - 6,8% của Chính phủ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm và những nguy cơ khó lường từ cuộc chiến thương mại, Việt Nam đang nổi lên là điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới. Đây là cơ sở vững chắc để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn ngoại trong những quý tới.

Bên cạnh mức tăng ấn tượng của GDP, Ngân hàng Nhà nước hiện còn dư địa giảm lãi suất cơ bản và lãi suất điều hành khi cần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng giảm lãi suất của ngân hàng T.Ư các nước. Việc giảm lãi suất điều hành trong tháng 9 vừa qua là bước đi thích hợp trong bối cảnh nhiều ngân hàng T.Ư các nước đã giảm lãi suất cũng như được hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Trong quý III, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều nước có dấu hiệu chậm lại và chiến tranh thương mại đã phần nào tác động đến chính sách của ngân hàng T.Ư các nước. Dự báo được xu hướng này, một số quốc gia đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Trong tháng 8, làn sóng cắt giảm lãi suất này tăng đột biến lên đến 14 nước, đây cũng là mức giảm nhiều nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất điều hành sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán khi cả DN niêm yết và nhà đầu tư đều có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chi phí thấp hơn.

Tháng 10, các DN niêm yết sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III, đây là thông tin hỗ trợ xu hướng thị trường ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế quý II toàn thị trường tăng trưởng tốt trong điều kiện quý I chỉ tăng 1%. Dự báo, kết quả kinh doanh quý III sẽ tiếp tục duy trì tốc độ hiện tại và là thông tin thu hút nhà đầu tư trong ngắn hạn. Tính đến hết tháng 8, 1.064 DN đã công bố kết quả kinh doanh quý II với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10%, đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên mức 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, khi dòng vốn vào thị trường còn khá hạn chế, sự phân hóa mạnh của thị trường nhiều khả năng sẽ lặp lại trong những tháng cuối năm.

Cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô nền tảng, thị trường còn có thể kỳ vọng vào các quỹ ETFs nội hoạt động dựa trên 2 bộ chỉ số mới là VN-Diamond Index và VN-Capped Financial Index được Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) xây dựng. Các cổ phiếu trong rổ của 2 bộ chỉ số này phần lớn đã hết tỷ lệ được phép mua của khối ngoại. Việc ra đời các quỹ ETFs này giải quyết một phần nhu cầu đầu tư của khối ngoại vào các cổ phiếu chất lượng nhưng đã hết hoặc còn lại room không đáng kể. Sự ra đời các quỹ ETFs nội này kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn ngoại, qua đó hỗ trợ thị trường trong quý IV.

Như vậy, trong quý IV, xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra rộng khắp trên quy mô toàn cầu sẽ giúp dòng tiền dồi dào hơn và có khả năng quay lại thị trường các nước mới nổi. Tuy nhiên, điểm nhấn giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hấp dẫn lại đến từ kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và mặt bằng lãi suất đang thấp. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả kinh doanh quý III tiếp tục tăng trưởng sẽ hỗ trợ thị trường tích cực trong thời gian tới và là cơ sở để kỳ vọng VN-Index vượt qua ngưỡng tâm lý 1.000 điểm.

PHẠM DŨNG
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019
Cùng chuyên mục
  • Chủ động, chặt chẽ hơn trong quản lý nợ chính quyền địa phương
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Việc quản lý, sử dụng nợ chính quyền địa phương vẫn chưa sát sao, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện… Để khắc phục những hạn chế này, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nợ, các địa phương cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
  • Thị trường bán lẻ thay đổi đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Trong những năm gần đây, ngành bán lẻ Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2013-2018 là 10,97%. Tổng doanh thu bán lẻ cũng dự kiến sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6% từ năm 2018. Thị trường tuy giàu tiềm năng nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp.
  • Kho bạc nhà nước sắp xếp tinh gọn bộ máy
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 8/10, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết, từ ngày 1/10, hệ thống Kho bạc Nhà nước tiếp tục cắt giảm 128 phòng tại Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh; sáp nhập, cắt giảm 15 Kho bạc Nhà nước cấp huyện và xóa bỏ 48 cấp tổ đội tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
  • Thu ngân sách trung ương nhiều khả năng sẽ hoàn thành dự toán
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, thu ngân sách trung ương 9 tháng năm 2019 ước đạt 411.200 tỷ đồng, bằng 72,5% dự toán, tăng 18% so với cùng kỳ. Hiện giá dầu bình quân 9 tháng vẫn cao hơn giá dự toán, các doanh nghiệp trọng điểm nộp ngân sách ổn định, một số khoản thu tăng đột biến…
  • Hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý tài chính công cho Thành phố Đà Nẵng
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO)- Ngày 4/10, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Ngân hàng Thế giới (WB) và UBND Thành phố Đà Nẵng đã ra tuyên bố chung thống nhất hợp tác hỗ trợ thành phố Đà Nẵng đổi mới thể chế và tăng cường năng lực nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu suất, trách nhiệm giải trình và tính bền vững trong việc huy động và sử dụng nguồn lực tài chính.
Thị trường chứng khoán quý IV kỳ vọng vượt mốc 1.000 điểm