Thị trường chứng khoán: Chờ thanh khoản bùng nổ để hồi phục

(BKTO)- Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây ghi nhận thanh khoản cạn kiệt, cùng với đó là chỉ số VN-Index đi ngang.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Thanh khoản sụt giảm

Dù thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giảm nhẹ trong tuần qua (từ 29/6-3/7) nhưng thanh khoản cũng sụt giảm theo cho thấy nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng hơn.

Theo công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục suy giảm. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 29/6-3/7), VN-Index giảm 4,37 điểm (0,5%) xuống 847,61 điểm; HNX-Index giảm 1,899 điểm (1,7%) xuống 111,55 điểm.

Thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 10,1% xuống 23.954 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 17,3% xuống 1.456 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 25,9% xuống 2.102 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 29,7% xuống 218 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng giảm mạnh với VCB giảm 0,4%, CTG 1,1%, BID 2%, ACB 2,5%, TCB 2,7%, VPB 3,2%, SHB 8,6%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tiêu cực với PVD và PVS đều giảm 2,3%, GAS 2,6%, POW 5,2%, PVC 6,4%.

Cổ phiếu ngành hàng không đồng loạt giảm giá với VJC giảm 0,5%, HVN 1,5%, ACV và AST đều giảm 2%.

Ở chiều tích cực, cổ phiếu hàng tiêu dùng là trụ đỡ cho thị trường chung với các mã vốn hóa lớn tăng mạnh như MSN tăng 1,4%, trong khi SAB tăng tới 6,2%.

Bên cạnh đó, mã cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc họ Vingroup là VHM tăng 3%, tiếp tục tạo ra lực nâng lớn cho thị trường.

Theo nhóm phân tích của Công ty SHS, làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng tại một số quốc gia trên thế giới với số ca mắc mới tăng vọt là yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư tỏ ra tiêu cực trong tuần qua.

Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, một số tin tức tích cực như PMI (Chỉ số quản lý thu mua - đây là một chỉ số thường thấy phổ biến về xu hướng kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 6 và một số tổ chức quốc tế nâng dự báo về sự tăng trưởng của Việt Nam... đã giảm bớt nhận định tiêu cực.

Nhà đầu tư đang thận trọng hơn

Việc VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp với thanh khoản có sự suy giảm rõ nét và xuống dưới mức trung bình 20 tuần cho thấy, sự thận trọng nhất định của nhà đầu tư trước xu hướng không rõ ràng hiện tại. Khối ngoại cũng bán ròng trở lại với giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, rủi ro giảm điểm ngắn hạn của thị trường vẫn hiện hữu khi trước mắt là kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các DN niêm yết.

Ông Trần Xuân Bách - phụ trách phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận dự kiến của các DN không được như kỳ vọng, qua đó có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực lên diễn biến giá cổ phiếu, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC nêu quan điểm, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất tuần nhưng thanh khoản lại là vấn đề đáng quan ngại khi càng lúc càng giảm dần đều. Trong khoảng thời gian thị trường chưa có thông tin tích cực ủng hộ thì dòng tiền vẫn chưa mạnh dạn tham gia.Vì vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế giao dịch nhiều để có thể tránh rủi ro không đáng có trong vùng trũng thông tin.

Công ty SHS dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (6/7-10/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm và xa hơn là ngưỡng 805 điểm.

SHS khuyến nghị nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu nên quan sát thị trường trong tuần tới và có thể bán giảm tỷ trọng nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 840 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt có thể giải ngân trở lại nếu VN-Index có nhịp giảm về gần ngưỡng 805 điểm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là tín hiệu xấu. Các nhà đầu tư Việt Nam giờ đây đang chờ đợi tín hiệu thanh khoản của thị trường cũng như diễn biến từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới để có thể đưa ra quyết định giao dịch hợp lý.

Bước sang Quý III, việc kiếm lợi nhuận từ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đã không còn dễ dàng như thời gian trước. Hay nói một cách dân dã hơn là không còn dễ “thắng”.Theo dõi nhưng phiên gần đây, các ngành và cổ phiếu có diễn biến mạnh hơn thị trường bao gồm: bảo hiểm, xây dựng và vật liệu, truyền thông…

Ngược lại, các ngành và cổ phiếu yếu hơn thị trường chung lần lượt là ngân hàng, bất động sản, điện, nước, xăng dầu và khí đốt.Mặc dù có 11 trên 19 nhóm ngành tăng điểm nhưng thanh khoản của thị trường là hết sức cạn kiệt.

Điều này chứng tỏ nhà đầu tư đang hết sức thận trọng trong việc giải ngân. Sự hưng phấn trong việc bắt đáy cổ phiếu đã không xuất hiện giống như thời điểm tháng 3/2020.

Nhà đầu tư án binh bất động trên thị trường. Thế nhưng có một điểm tích cực ở đây là thời điểm này không còn xuất hiện hiện tượng bán tháo cổ phiếu nữa.

Thông thường, trong những giai đoạn như thế này, nhà đầu tư sẽ chờ đợi tín hiệu thanh khoản từ thị trường tăng và diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới để có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn.

Các chỉ số chứng khoán tại Mỹ như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq trong những phiên đầu tháng 7 ghi nhận sự biến động hết sức thất thường.

Đây là điều dễ hiểu bởi thị trường chứng khoán Mỹ đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ rất nhiều yếu tố như dịch bệnh, tình trạng thất nghiệp, số lượng nhà đầu tư cá nhân sử dụng tiền trợ cấp để đầu tư tăng vọt và đặc biệt là cuộc bầu cử Tổng thống mới.

Nhìn chung, việc giải ngân của nhà đầu tư Việt Nam hiện nay cần tiếp tục duy trì sự thận trọng và nên được thực hiện thành nhiều đợt. Giải ngân 20-30% số tiền tùy theo khả năng chịu đựng rủi ro của mình.

“VN-Index cần đóng cửa trên 850 điểm với thanh khoản 300 – 350 triệu cổ phiếu trở lên, đi kèm đó là xuất hiện dòng cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đó mới là tín hiệu tích cực”, một nhà đầu tư chia sẻ.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Thị trường chứng khoán: Chờ thanh khoản bùng nổ để hồi phục