Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm - VN Index thoát hiểm

(BKTO)- Những thông tin tiêu cực từ nền kinh tế lớn nhất thế giới và Mỹ đã khiến cho nhiều thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ. Ở thị trường Việt Nam, dù có những lúc trồi sụt nhưng kết thúc phiên VN Index đã may mắn "thoát hiểm" và duy trì được sắc xanh.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Nhiều thị trường châu Á giảm điểm do số liệu tiêu cực từ Mỹ

Nhiều thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch 16/4, do các số liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Một loạt dự báo kinh tế ảm đạm đã được đưa ra trong tuần này, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo khả năng suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất trong thế kỷ qua, và số liệu kém lạc qua từ Mỹ đã khiến giới đầu tư hoang mang hơn nữa.

Các số liệu mới nhất từ Mỹ đã cho thấy mức độ thiệt hại mà các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây ra. Số liệu được công bố ngày 15/4 cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ giảm mạnh trong tháng Ba, trong khi sản lượng công nghiệp trong tháng trước ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ năm 1946.

Chuyên gia Ann Miletti - công ty quản lý tài sản Wells Fargo Asset Management cho rằng: các số liệu kinh tế nói trên thật “thảm họa," và giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi liệu các DN còn trụ được bao lâu với tình hình phong tỏa như hiện nay.

Sự sụt giảm trước đó trên Phố Wall đã “dội gáo nước lạnh” lên các nhà giao dịch ở châu Á. Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo giảm 1,3% xuống 19.290,20 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng ở Hong Kong để mất 0,6% xuống 24.006,45 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại thị trường Sydney và Đài Bắc với các mức giảm lần lượt 0,9% và 0,7%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải lại tăng 0,3% lên 2.819,94 điểm, trong khi thị trường Singapore ghi thêm 0,7%, còn thị trường Seoul đi ngang trong phiên này.

VN Index "thoát hiểm"

Tuy nhiên, trái ngược với thị trường châu Á, thị trường Việt Nam lại có phiên giao dịch ngày 16/4 diễn ra khá tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế trên toàn thị trường. Mặc dù hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 4 nhưng các chỉ số cũng không có nhiều biến động.

Sau phiên sáng 16/4 VN-Index gần như không đổi, thị trường đã tự tin hơn trong phiên chiều, khi vươn lên 780 điểm ngay sau khi giao dịch trở lại. Tuy nhiên, đây là vùng kháng cự khá mạnh nên sau đó áp lực bán quay trở lại nhanh chóng và đẩy VN-Index thoái lui xuống dưới sắc đỏ. Mặc dù vậy, trong phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F2004, đợt khớp lệnh ATC đã tiếp tục cho thấy biến động mạnh, với lực mua áp đảo trong những phút cuối này tại một số bluechip đã kéo chỉ số tăng điểm trở lại khi đóng cửa và chinh phục thành công mốc 780 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 185 mã tăng và 172 mã giảm, VN-Index tăng 3,48 điểm (+0,45%), lên 780,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 250,9 triệu đơn vị, giá trị 4.025,7 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,9 triệu đơn vị, giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên sáng có tới 21 mã giảm, nhưng đóng cửa chỉ còn 8 mã, trong đó tất cả đều chỉ còn giảm nhẹ. POW là mã giảm mạnh nhất nhưng cũng chỉ -1,2% xuống 9.850 đồng; còn lại BVH -0,7%; VIC -0,1%; VHM -0,4%; MSN -0,2%; PNJ -0,3%; REE -0,6%; CTG -0,3%.

Thanh khoản ROS vươn lên dẫn đầu nhóm với hơn 14,4 triệu đơn vị khớp lệnh. STB có 7,63 triệu đơn vị; HPG có 6,66 triệu đơn vị; POW có 6,1 triệu đơn vị; MBB có 4,5 triệu đơn vị. Nhóm SBT, SSI, VRE, CTG, VPB có từ 2,2 triệu đến 3,77 triệu đơn vị. Nhóm cổ phiếu thị trường có thêm nhiều mã đóng cửa tại sắc tím như ITA, PVT, HCD, LMH, TTB, BFC, TLH, FTM, VRC. Trong đó, ITA khớp lệnh chỉ đứng sau ROS với hơn 10 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ só HNX-Index cũng đảo chiều sau giờ nghỉ trưa, và mặc dù chủ yếu là giằng co khá mạnh, nhưng nhịp nảy cuối phiên cũng đã đưa chỉ số nhích hẳn lên khi đóng cửa. Các mã lớn đa số tăng giảm biên độ hẹp, trừ PVI, khi bất ngờ tăng mạnh +5,9% lên 32.500 đồng; và DGC +3,5% lên 23.400 đồng. Thanh khoản cao nhất sàn thuộc về mã nhỏ PVX, khi có 4,85 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đóng cửa chỉ ở tham chiếu 1.000 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa, sàn HNX có 45 mã tăng và 32 mã giảm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,38%), lên 108,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,4 triệu đơn vị, giá trị 393,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,5 triệu đơn vị, giá trị 56,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nỗ lực trở lại và rung lắc quanh tham chiếu sau giờ nghỉ trưa và may mắn cũng có được sắc xanh khi đóng cửa, mặc dù chỉ là xanh nhạt. Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trên bảng là LPB với hơn 4,38 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 4,3% lên 7.200 đồng; BSR vẫn chỉ có giá tham chiếu khi đóng cửa, khớp 3,55 triệu đơn vị; OIL +3,1% lên 6.600 đồng, khớp hơn 1,24 triệu đơn vị… Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,05%), lên 51,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 15 triệu đơn vị, giá trị 160,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,55 triệu đơn vị, giá trị 30,4 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, phiên đáo hạn hợp đồng VN30F02004 đã ghi nhận tăng 1,07% lên 725,2 điểm, với khối lượng khớp lệnh hơn 102.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 18.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, chỉ có khoảng 15 mã tăng cùng 25 mã giảm, với CROS2001 tiếp tục được mua bán sang tay khối lượng cao nhất với 0,92 triệu đơn vị, nhưng chỉ đứng tham chiếu tại 600 đồng/cq.

NAM SƠN(tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm - VN Index thoát hiểm