Tăng trưởng tín dụng năm 2020: Mục tiêu nhiều thách thức

(BKTO) - 11 - 14% là mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong năm 2020. Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm cho thấy, mục tiêu này đang đứng trước nhiều thách thức.




Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng năm 2020 chỉ đạt khoảng 9 - 10%. Ảnh: TTXVN

Tín dụng tăng chậm do ảnh hưởng của Covid-19

Để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân, thời gian qua, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ. Tính đến cuối tháng 4, các gói hỗ trợ đã lên tới 650.000 tỷ đồng. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khác như: cắt giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... Mặc dù vậy, việc triển khai các gói hỗ trợ vẫn gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm chậm hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị tăng cường triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN - cho biết: Tín dụng đến hết tháng 1 chỉ tăng 0,1% so với đầu năm, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4 tăng 1,42% và tới trung tuần tháng 5 lại giảm xuống, chỉ tăng 1,2%. Như vậy, trong nửa đầu tháng 5, tín dụng đã giảm 0,22% so với tháng trước.

Báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm. Đơn cử, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn Công Thương giảm 2,3% so với đầu năm; Ngân hàng TMCP Quân đội giảm 1,3%; Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam giảm 1,25%; Ngân hàng TMCP Quốc dân giảm 0,27%... Tín dụng ở một số ngân hàng khác có tăng nhưng đều tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019.

Những con số trên cho thấy cầu tín dụng các tháng đầu năm bị suy giảm rõ rệt, khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu. Thực trạng này đã được nhiều chuyên gia dự báo trước đó. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - nhận định, dịch Covid-19 đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giao dịch ngoại thương; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và hộ gia đình… Điều này dẫn tới nhu cầu tín dụng giảm, tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng.

Đại diện NHNN cũng lý giải rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh là nguyên nhân chính gây ra sự sụt giảm về nhu cầu tín dụng. Đến thời điểm này, dù dịch bệnh ở Việt Nam đã cơ bản được kiểm soát nhưng nhu cầu vốn vẫn rất thấp. Một số DN có nhu cầu vốn nhưng lại chưa có phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả hoặc không có tài sản đảm bảo, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc giải ngân các gói hỗ trợ.

Khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 11 - 14%

Trước thực trạng trên, NHNN cam kết sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, kể cả trong giai đoạn phòng, chống dịch cũng như phục hồi sau dịch với mức lãi suất cho vay thấp. Đồng thời, năm 2020, NHNN dự kiến tín dụng tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 tỷ đồng đến 1,1 triệu tỷ đồng, tương ứng với mức tăng khoảng 11 - 14%. Theo các chuyên gia, việc đảm bảo hoàn thành mục tiêu này với điều kiện các ngân hàng tuyệt đối không hạ chuẩn tín dụng, không nới lỏng các điều kiện cho vay để tránh hệ lụy cho nền kinh tế quả là một thách thức không nhỏ.

Để có thể hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế cũng như đạt được mục tiêu trên, từ ngày 13/5/2020, NHNN đã giảm đồng loạt các mức lãi suất điều hành. Đây là đợt giảm lãi suất điều hành lần thứ hai của NHNN kể từ đầu năm nay. Động thái này được đánh giá là phù hợp nhằm giúp các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, từ đó, DN có thể vay với lãi suất thấp hơn để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau tác động của dịch Covid-19, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia quan ngại, việc hạ thêm lãi suất cho vay có thể sẽ không thực sự thúc đẩy nhu cầu tín dụng gia tăng từ phía DN. Trong bối cảnh rủi ro vẫn đang tiềm ẩn, sức cầu trong nước và thế giới còn yếu, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, DN và ngân hàng đều thận trọng trong vay vốn, giải ngân, tín dụng khó có thể bật tăng mạnh trở lại.

Cùng với giảm lãi suất, căn cứ vào nhu cầu vốn, NHNN cũng đang xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cao hơn so với kế hoạch đầu năm, tạo điều kiện để nhà băng cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng bày tỏ mong muốn NHNN sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay và dự phòng nhu cầu vốn tăng cao nửa cuối năm.

Dù NHNN có thể nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để các ngân hàng linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm các phân khúc khách hàng tiềm năng song theo TS. Cấn Văn Lực, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở mức 9 - 10%. Thực tế, hạn mức tín dụng được NHNN đưa ra khá thấp, nhưng nhiều ngân hàng có khả năng không sử dụng hết do cầu tín dụng rất yếu.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khả năng hấp thụ vốn của DN đang ở mức thấp, nhiều DN cũng không đủ điều kiện vay vốn mới. Bởi vậy, tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó đạt mức mục tiêu 11 - 14% mà NHNN đặt ra. Ước tính, chỉ tiêu này sẽ đạt khoảng 9 - 10% nếu các hoạt động đầu tư công được thực hiện tốt.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Tăng trưởng tín dụng năm 2020: Mục tiêu nhiều thách thức