Startup Việt và ước mơ IPO: Khó khăn còn nhiều phía trước

(BKTO) - Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) là mục tiêu DN hướng tới với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. Đây được coi là cột mốc quan trọng, tạo cơ hội cho DN thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính - chứng khoán cho rằng, con đường IPO hiện vẫn là thách thức đối với các DN nhỏ và vừa (SMEs) và càng thách thức hơn với các DN khởi nghiệp (startup).




Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 được xem là startup đầu tiên của Việt Nam thực hiện IPO. Ảnh tư liệu

Gian nan con đường IPO của các startup

Cách đây 3 năm, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 được xem là startup đầu tiên của Việt Nam thực hiện IPO và từ đó đến nay không startup nào thực hiện IPO. Để đạt được điều đó, Chủ tịch HĐQT Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cho hay, con đường IPO không hề đơn giản. Thực tế, Yeah1 phải chuẩn bị đến 12 năm để thực hiện mục tiêu IPO. Đó là sự chuẩn bị dài hơi, có chiến lược cụ thể. 5 năm trước khi IPO, Yeah1 phải thuê công ty kiểm toán chuẩn bị hồ sơ pháp lý tài chính. Nhà sáng lập cũng phải học, đọc rất nhiều sách về chuyện lên sàn…

Thậm chí, ông chủ Yeah1 cho rằng, IPO là khởi đầu cho một cuộc chơi mới cực kỳ thách thức. “Nhiều khi muốn đăng Facebook, like status hay kết bạn với một ai đó cũng không được. Khi buồn quá, muốn viết một câu cảm thán nhưng sợ ngày mai cổ phiếu giảm! Chưa kể, nhiều khi muốn chấm dứt hợp đồng đối tác cũng không được” - ông Tống chia sẻ. Tuy nhiên, ông Tống khẳng định, IPO là cuộc chơi rất thú vị. Khi chúng ta là thương nhân, IPO sẽ mang đến 2 điều: Thứ nhất, cơ hội bán cổ phiếu trên sàn. Thứ hai, chúng ta có động lực để vận hành công ty.

Về bước ngoặt khiến lãnh đạo Yeah1 chọn con đường IPO, ông Tống cho biết, có những chặng đường, nếu không có cuộc cách mạng mới thì có những yếu tố sẽ kéo lùi DN. IPO tạo ra đột phá và người đứng đầu phải tạo ra dấu ấn để phát triển DN. Nếu trì hoãn, cơ hội sẽ biến mất. Theo ông Tống, có 2 yếu tố rất quan trọng để trở thành công ty đại chúng. Một là, công ty phải xuất sắc và tự tin trong lĩnh vực của mình. Hai là, khi lên sàn, công ty phải bán sản phẩm mới, đó là cổ phần. Như vậy, DN phải làm song song 2 việc là bán dịch vụ và bán cổ phần. Để bán được cổ phần tốt, công ty cũng phải giỏi trong lĩnh vực đó.

Ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUniC - nhận định, mục tiêu IPO với các startup Việt khó lắm vì DN đều đang lỗ. “Các DN đều đang chạy chợ từng bữa thì làm sao đáp ứng. Ba năm nữa vẫn chưa thể có gương mặt startup nào của Việt Nam IPO được” - ông Chánh quả quyết.

Hành trang cần thiết để IPO

Theo quy định hiện hành, DN muốn phát hành cổ phiếu phải đáp ứng hàng loạt điều kiện về vốn chủ sở hữu, có lãi các năm liên tiếp gần nhất, không lỗ lũy kế... Với DN lên sàn, tiêu chuẩn còn khó hơn. Nguyên nhân là vì Nhà nước đang bảo vệ người dân, đảm bảo nhà đầu tư không mua phải “đồ rởm” trong bối cảnh kiến thức tài chính còn hạn chế, chưa hiểu hết về rủi ro, triển vọng khi đầu tư. Đây cũng là điểm chung của nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á khác và là lý do khiến tỷ lệ IPO của các DN nói chung còn rất thấp.

Trưởng Phòng Phân tích Merlin Capital Lê Hoài Ân cho hay, tại Việt Nam, tỷ lệ huy động vốn qua sàn chứng khoán rất thấp. Cả năm 2019, có 1.674 công ty trên sàn huy động được 93.000 tỷ đồng nhưng 80% số này đổ vào 10 công ty lớn. Vì vậy, cần xác định mục tiêu IPO, lên sàn là huy động vốn hay là gì. Thêm vào đó, cơ hội thu hút nhà đầu tư đại chúng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ngành nghề của DN. Những ngành sản xuất như: nhựa, bao bì… rất khó lên sàn, nếu có thì cũng khó huy động vốn. Ông Ân khuyến nghị, muốn IPO, công ty phải có mô hình kinh doanh phù hợp, tức là hoạt động ở những ngành mà nhà đầu tư dễ quan tâm.

Chủ tịch Yeah1 chia sẻ, muốn IPO thành công, DN phải xác định rõ ai là người mua cổ phiếu của mình và tạo được sự tin tưởng, kỳ vọng về DN với người mua. Các startup, SMEs có thể chọn con đường tắt, ngắn hơn là tìm kiếm các quỹ đầu tư, nhà đầu tư để sáp nhập, tiến tới IPO. Tuy nhiên, muốn làm được như vậy, DN phải đảm bảo hoạt động thật tốt.

Tổng Giám đốc Công ty tài chính Tâm Anh Nguyễn Hồng Mai lưu ý, nếu đã mơ giấc mơ IPO thì DN phải biết rằng, những yêu cầu về vốn, tỷ suất lợi nhuận chưa phải là thách thức lớn nhất. Vấn đề cần quan tâm hơn là DN có sẵn sàng để mọi con mắt nhìn vào, sẵn sàng minh bạch công ty và lường hết những nguy cơ khi minh bạch. “Lúc này, sẽ có rất nhiều bên nhìn ngó, sẽ có những thông tin chính thức và cả những thông tin đồn thổi, truyền miệng gây ảnh hưởng, thậm chí có thể làm DN điêu đứng” - bà Mai cảnh báo, đồng thời lưu ý thêm, khi IPO, nhân sự chủ chốt, công nghệ, điểm yếu tài chính tạm thời có thể bị lộ và đây là cơ hội để đối thủ khai thác. Ngoài ra, DN phải xác định được khả năng tăng giá của cổ phiếu, đó là điều kiện để nhà đầu tư chú ý bởi họ muốn cổ phiếu phải có khả năng tăng đột phá mới rót vốn hơn là trông chờ vào việc chia cổ tức.

Đồng quan điểm, ông Lâm Minh Chánh khẳng định, chỉ khi chuẩn bị chắc chắn để có tiềm lực tốt, lợi nhuận tốt, sẵn sàng đối mặt với những căng thẳng, áp lực, các DN mới nên thực hiện IPO. Còn không, DN nên hoạt động như hiện tại hoặc lựa chọn con đường kêu gọi vốn ở các quỹ đầu tư hay kết hợp với các DN lớn cùng phát triển.

HỒNG ANH
Cùng chuyên mục
  • Để ngân hàng sớm về đích Basel II
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Đạt chuẩn Basel II là đích đến của nhiều ngân hàng trong cả hiện tại và tương lai nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động, đáp ứng các tiêu chuẩn cũng như thông lệ quốc tế. Tuy vậy, để có thể về đích Basel II, các ngân hàng vẫn cần phải vượt qua không ít thách thức.
  • Quản trị dữ liệu - vấn đề sống còn của các ngân hàng
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngân hàng là một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn và cũng là ngành tiên phong thực hiện chuyển đổi số. Bởi vậy, quản trị dữ liệu (QTDL) thông minh trở thành vấn đề sống còn của các nhà băng hiện nay.
  • Thị trường chứng khoán Việt Nam:  Dư địa tăng trưởng còn rất lớn
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2020, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhiều biến động do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng vẫn có sự vươn lên mạnh mẽ. Giới chuyên gia tin tưởng, TTCK sẽ đón nhiều triển vọng tích cực, đặc biệt VN-Index có thể sẽ quay lại mốc từ 990 - 1.000 điểm vào cuối năm nay.
  • Thị trường M&A đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Quy mô và tốc độ của Covid-19 đã tạo ra những làn sóng chấn động nền kinh tế toàn cầu cũng như thị trường mua bán và sáp nhập (M&A). Đó là nguyên nhân khiến nửa đầu năm 2020, số lượng các thương vụ M&A giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, đã và đang có những dấu hiệu cho thấy thị trường này sẽ phục hồi mạnh mẽ.
  • Cải cách kiểm tra chuyên ngành: Tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế
    3 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Việc cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu những năm gần đây đã chuyển biến song vẫn chưa đạt mục tiêu. Nhiều quy định, thủ tục vẫn đang làm khó DN. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đề án này nếu được thông qua sẽ giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho cả DN và nền kinh tế.
Startup Việt và ước mơ IPO: Khó khăn còn nhiều phía trước