Sẽ huy động từ thuế, phí đạt tới 22% GDP trở lên mà chưa cần phải điều chỉnh tăng thuế suất

(BKTO) - Tại sao tăng trưởng kinh tế đạt nhưng thu ngân sách ở cả 3 khối DNNN, đầu tư nước ngoài và ngoài quốc doanh đều không đạt? Tại sao mức huy động thuế, phí trên GDP nhiều năm không đạt chỉ tiêu đại hội Đảng đề ra, thậm chí rất thấp như 2018 dự toán còn thấp hơn năm 2017. Tồn tại trên thuộc về công tác chỉ đạo thực hiện hay do chính sách tài khóa và trực tiếp là chính sách thu?




Đại biểu Trần Quang Chiểu

Đặt ra những câu hỏi trên trong phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và NSNN sáng 31/10, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tập trung phân tích những tồn tại đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách thu ngân sách.

Đại biểu Trần Quang Chiểu nhận xét, trong tổ chức thực hiện cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc một cách thường xuyên, quyết liệt, coi thu ngân sách là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy và hệ thống chính quyền các cấp. Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu đã sâu sát cơ sở, lắng nghe, cầu thị và hành động quyết liệt, phục vụ và phát triển.

Ngành tài chính có nhiều cải tiến trong cải cách hành chính như thực hiện kê khai, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử tiến tới sẽ là kiểm tra, thanh tra tại trụ sở cơ quan thuế, làm cho thời gian nộp thuế giảm còn 1/3 so với trước đây; làm mạnh và làm quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra chống nợ đọng thuế làm cho số nợ đọng thuế có khả năng thu giảm cả về số tuyệt đối và tương đối qua các năm. Ngành hải quan thực hiện hải quan 1 cửa quốc gia, thực hiện kiểm tra sau thông quan là chính nên số giờ thông quan hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào thời gian kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, ngành. “Có thể nói ngành tài chính là 1 trong những ngành đi đầu trong cải cách làm cho số thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt dự toán Quốc hội phê chuẩn”- đại biểu nói.

Theo đại biểu, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng trên thuộc về chính sách tài khóa mà trước hết là chính sách thu ngân sách. “Qua nghiên cứu giám sát và thực tế giám sát tôi thấy rằng, thời gian vừa qua chúng ta đã ban hành nhiều chính sách thu để thực hiện mục tiêu phát triển, song đến giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới một số chính sách không còn phù hợp nếu không muốn nói là kìm hãm phát triển”- đại biểu nhận định

Đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng, chính sách thu hiện nay có 2 tồn tại lớn, đó là làm mất đi nguyên tắc quan trọng nhất là tính trung lập của thuế và làm phân tán nguồn lực nhà nước, làm giảm thu NSNN. Điều này đã được đại biểu chứng minh trên 6 khía cạnh.

Một là, chính sách thu chưa bao quát hết nguồn thu, chưa mở rộng được cơ sở thuế.

Hai là, chính sách thu chưa đảm bảo bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài, giữa DN lớn với DN nhỏ và vừa; chưa quan tâm đến thành lập và phát triển DN trong nước, DN nhỏ và vừa.

Ba là, chính sách thu lấy dự án làm đối tượng ưu đãi nên đã tạo kẽ hở trong việc trốn thuế, nợ thuế, chuyển giá…
Bốn là, chính sách thu hiện nay mang trên mình quá nhiều chính sách xã hội, làm mất đi bản chất của thuế, làm giảm nguồn thu NSNN và bị lạm dụng để trục lợi, lãng phí nguồn lực quốc gia.

Năm là, chính sách thu hiện nay làm hình thành quá nhiều các quỹ ngoài ngân sách. Có quỹ được hình thành như một loại thuế đặc biệt và mức huy động còn cao hơn mức thuế doanh thu mà trước kia chúng ta thực hiện, đã làm phân tán nguồn lực quốc gia, làm mất đi bản chất của NSNN, làm giảm hiệu quả việc sử dụng nguồn lực quốc gia, thiếu đi sự kiểm tra, giám sát của Quốc hội và các cơ quan nhà nước.

Sáu là mức, thuế suất huy động hiện nay còn nhiều bất hợp lý so với khu vực và thế giới.

“Các tồn tại trên được thể hiện ở Thuế Giá trị gia tăng (VAT), Thuế Thu nhập DN, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập cá nhân, Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế Tài nguyên và các quỹ ngoài NSNN. Tôi cho rằng đây là dư địa rất lớn, nếu chúng ta khắc phục kịp thời thì chắc chắn sẽ huy động vào NSNN từ thuế, phí đạt từ 22-23% GDP trở lên mà chưa cần phải điều chỉnh thuế suất tăng lên”- đại biểu chỉ rõ.

Từ những phân tích trên, đại biều Trần Quang Chiểu đã đề xuất 8 giải pháp chính nhằm khắc phục các tồn tại trong chính sách thu. Theo đó, cần mở rộng diện đối tượng chịu thuế đối với Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Bảo vệ môi trường; Thuế Tài nguyên; Thuế VAT; Thuế Thu nhập DN và đặc biệt là các khoản thu từ đất đai.

Hai là, sửa đổi chế độ ưu đãi với hàng hóa chịu Thuế VAT theo hướng giảm các đối tượng không chịu thuế và các đối tượng chịu thuế suất 5%, tiến tới đưa về một mức thuế suất thay vì 3 mức như hiện nay. Giảm đối tượng được hoàn thuế VAT, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế VAT để khắc phục việc chậm hoàn thuế và tham ô tiền thuế.

Ba là, bỏ chế độ ưu đãi cho đối tượng là dự án, cụ thể là ưu đãi theo quy mô của dự án; thuế suất cần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về Thuế Thu nhập DN giữa các vùng miền; nghiên cứu có thể cho phép một số địa phương quy định một số khoản phụ thu đối với một số lĩnh vực, ngành, nghề có lợi thế so sánh.

Bốn là, sửa đổi giá tính thuế đối với một số sắc thuế để tránh thất thu cho NSNN như Thuế Tài nguyên.

Năm là, điều chỉnh thuế suất Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với một số hàng hóa, dịch vụ có lợi nhuận cao, Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng hoặc định hướng tiêu dùng. Áp dụng kết hợp thuế suất theo tỷ lệ phần trăm với thuế suất tuyệt đối cho một số mặt hàng để đảm bảo công bằng giữa các mặt hàng chịu thuế, đối với Thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Sáu là, mở rộng cơ sở thuế đối với Thuế Thu nhập cá nhân tiến tới khi người có thu nhập đều có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước và điều chỉnh mức thu phù hợp với nhóm thu nhập thấp nhưng phải tăng cao hơn đối với nhóm có thu nhập cao để thực hiện việc điều tiết xã hội, nhằm đảm bảo đúng bản chất của Thuế Thu nhập cá nhân.

Bảy là, rà soát, bãi bỏ việc thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách hình thành như một khoản thuế đặc biệt và thu ngay những quỹ này về NSNN để quản lý.

Tám là, nghiên cứu trình Quốc hội sớm ban hành Luật Thuế Tài sản.

ĐĂNG KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tạo thuận lợi để thị trường  cho thuê tài chính phát triển
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Công ty cho thuê tài chính và hoạt động cho thuê tài chính xuất hiện tại Việt Nam đã gần 20 năm. Tuy nhiên, đến nay, thị trường cho thuê tài chính vẫn chưa phát triển và chưa được nhiều DN, nhất là những DN nhỏ và vừa biết đến.
  • Phát động Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tài chính
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Mới đây, BộTài chính đã phát động cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc viết về ngành tàichính” nhằm nêu bật những kết quả, thành tích đạt được trong công tác tàichính, ngân sách, khẳng định vai trò của ngành Tài chính đối với sự nghiệp xâydựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thông qua giải, Bộ Tài chính hy vọng sẽ nhậnđược những giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần xây dựng nền tài chính quốcgia vững mạnh.
  • Từng bước cơ cấu lại  chi ngân sách nhà nước
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - 9 tháng năm 2017, thu ngân sách tăng lên và bội chi chỉ bằng 1,85% GDP, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016 và 2015. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, bức tranh thu - chi NSNN vẫn bộc lộ những bất cập. Đó là cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao; trong khi chi đầu tư phát triển giảm.
  • Khó giảm bội chi ngân sách nhà nước
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nếu tăng trưởng kinh tế dự báo cả năm 2017 không đạtmục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉtiêu về tài chính - ngân sách, nhất là việc giữ mức bội chi NSNN (3,5% GDP) vàmức nợ công (dưới 65% GDP), trong giới hạn Quốc hội đã quyết định. Đây là nhậnđịnh của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (TCNS) nêu trong báo cáo thẩmtra sơ bộ về tình hình thực hiện NSNN năm 2017, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hộitại phiên họp ngày 12/10 - cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kếhoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
  • Cải cách chính sách thuế để tăng tỷ lệ động viên vào ngân sách
    6 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Chính sách động viên NSNN được coi là công cụ đắc lực, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế; góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững. Trong điều kiện thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, cơ cấu chi chưa phù hợp, bội chi và nợ công tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải sớm xây dựng chính sách động viên NSNN phù hợp với thực tế của đất nước và thông lệ quốc tế.
Sẽ huy động từ thuế, phí đạt tới 22% GDP trở lên mà chưa cần phải điều chỉnh tăng thuế suất