Quý III/2019: GDP tăng trưởng ấn tượng, nhiều chỉ tiêu vĩ mô có diễn biến tích cực

(BKTO) - Đi ngược với diễn biến tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước tiếp tục mở rộng đà tăng trưởng. Tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua. Trong đó, riêng quý III, GDP tăng 7,31%, cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (trừ quý III/2017). Cùng với mức tăng trưởng ấn tượng của GDP, nhiều chỉ tiêu vĩ mô khác cũng có diễn biến tích cực.



Kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều chỉ tiêu diễn biến tích cực

Về đầu tư công, vốn đầu tư từ NSNN trong tháng 10 tăng khá mạnh so với tháng 9 (+8%). Diễn biến này không bất ngờ khi quý IV thường là thời điểm vốn đầu tư công được giải ngân mạnh nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Sự cải thiện về tốc độ giải ngân trong tháng 10 giúp mức tăng lũy kế 10 tháng đầu năm của vốn đầu tư từ NSNN đạt 5,3% YoY, bằng 69,2% kế hoạch năm (cùng kỳ năm 2018 tăng 12% và đạt 70,3% kế hoạch)

Sau 10 tháng, vốn FDI thực hiện tăng 7,3% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký dù đang giảm so với cùng kỳ nhưng mức giảm trong tháng 10 (-15,2%) đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm trong quý II (-35%). Cùng với đó, số lượng dự án đăng ký mới trong 10 tháng đầu năm nay tăng 26%. Diễn biến này cho thấy, các dự án đăng ký mới trong năm nay có quy mô vốn trung bình thấp hơn năm ngoái.

Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong tháng 10 ở trạng thái dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng có nhiều thời điểm thấp hơn lãi suất tín phiếu và giảm sâu dưới ngưỡng 2%. Trong tuần cuối tháng 10, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng bật tăng nhẹ (có thể do nhu cầu đảm bảo các tỷ lệ về dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại tại thời điểm cuối tháng) nhưng về cơ bản, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp. Trong tháng 10, tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng thương mại đều giảm nhẹ so với cuối tháng 9 (-0,1%). Đây là diễn biến đáng lưu tâm bởi lẽ tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng liên tục trong 9 tháng đầu năm. Tính đến nay, chênh lệch giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch thực tế chỉ còn 57 đồng, giảm mạnh so với mức 385 đồng hồi đầu năm nay.

Có thể nhận thấy, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến tích cực, nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu Chính phủ đề ra, đây chính là môi trường thuận lợi để DN kinh doanh. Thị trường duy trì diễn biến tích cực trong 10 tháng qua cũng tạo nên kỳ vọng tích cực cho những tháng kế tiếp.

Các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong quý III

Tính đến ngày 31/10, hai sàn HSX và HNX đã có 556 DN công bố kết quả kinh doanh quý III/2019. Vốn hóa của các DN này chiếm khoảng 92% vốn hóa của hai sàn, qua đó cho thấy bức tranh lợi nhuận khá sát của các DN niêm yết. Theo thống kê, lợi nhuận quý III của các DN tăng trưởng 18,76%. So với mức tăng 23,24% cùng kỳ năm 2018, mức tăng trưởng lợi nhuận này có dấu hiệu chậm lại tuy nhiên vẫn ở mức tích cực. Trong đó, 253/556 DN có mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Một số nhóm ngành có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất bao gồm: bảo hiểm (49%), ngân hàng (43,17%) và thực phẩm và đồ uống (28%). Nhóm bất động sản cũng có mức tăng tương đối tốt, đạt 17%. 13/20 nhóm theo phân ngành ICB cấp 2 có sự tăng trưởng về lợi nhuận.

Xét về doanh thu, thống kê cho thấy, doanh thu của 530 DN (không bao gồm DN ngân hàng và bảo hiểm) trong quý III/2019 đã tăng 21,17%, từ 303.300 tỷ đồng lên 388.800 tỷ đồng. Mức tăng trưởng doanh thu này cao hơn tương đối so với tăng trưởng trong quý III/2018 (tăng 12,15%) khi xét cùng mẫu DN. Trong đó, 282/530 DN có tăng trưởng doanh thu, những nhóm ngành có tăng trưởng doanh thu mạnh nhất bao gồm: bất động sản (31,13%), bán lẻ (18,67%) và hàng cá nhân và gia dụng (18,67%).

Tính trong cả 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận của 553 DN đạt tăng trưởng 11,66% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng khá cao về lợi nhuận chính là cơ sở hỗ trợ thị trường kể từ đầu năm, là một trong những yếu tố chính tạo lực đẩy giúp VN-Index vượt 1.000 điểm trong phiên cuối tháng 10 vừa qua.

Sau quá nhiều thông tin bất ngờ trong hơn 12 tháng qua, giờ đây, nhiều nhà đầu tư trên thế giới đã dần quen với môi trường thông tin biến động. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn, xu hướng thị trường sẽ ổn định hơn trong những tháng còn lại của năm 2019. Với diễn biến thuận lợi của môi trường kinh tế vĩ mô trong nước, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì xu hướng đi lên với độ dốc thoải, mở ra cơ hội để VN-Index đóng cửa ở mức trên 1.000 điểm vào cuối năm 2019. Ngoài những cổ phiếu có thể nằm trong rổ chỉ số mới sẽ thu hút được dòng tiền, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành ngân hàng, cảng biển hay cổ phiếu chứng khoán đang có mức định giá khá hấp dẫn là những cơ hội đầu tư tốt.

PHẠM DŨNG
Cùng chuyên mục
Quý III/2019: GDP tăng trưởng ấn tượng, nhiều chỉ tiêu vĩ mô có diễn biến tích cực