Quy định quản lý rủi ro - sự thay đổi căn bản trong hoạt động hải quan

(BKTO) - Bộ Tài chính đang hoàn thiện Thông tư quy định về quản lý rủi ro (QLRR) trong hoạt động hải quan để ban hành trong tháng 9/2019. Điểm đáng chú ý là Thông tư này sẽ công khai việc đánh giá DN tuân thủ pháp luật, từ đó tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục thông quan hàng hóa.



Quản lý rủi ro đã giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa

Việc QLRR đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan. Phương thức truyền thống trước đây là kiểm tra các lô hàng, còn khi thực hiện QLRR, cơ quan hải quan chỉ tập trung kiểm tra, giám sát, kiểm soát những DN có rủi ro cao, còn các DN chấp hành tốt quy định, thuộc diện rủi ro thấp sẽ được tạo thuận lợi khi làm thủ tục hải quan. Việc QLRR còn khuyến khích các DN tự nguyện tuân thủ pháp luật để được hưởng ưu đãi về thủ tục hải quan. Đặc biệt, các DN có kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) lớn và tuân thủ pháp luật XNK thì sẽ được cơ quan hải quan xem xét lựa chọn tham gia chương trình DN ưu tiên để DN được thông quan hàng hóa nhanh, tiết kiệm chi phí, góp phần tăng năng lực cạnh tranh.

Với những ưu điểm trên, ngành hải quan đã mở rộng phạm vi và chuyên sâu về nội dung, kỹ thuật nghiệp vụ QLRR, đặc biệt là việc áp dụng hoạt động này trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK. Nhờ việc QLRR, tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa đã giảm đáng kể. Khi chưa thực hiện QLRR, hầu hết các lô hàng xuất khẩu đều thuộc diện kiểm tra, năm 2014, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 9,68%, đến nay, tỷ lệ này giảm còn 5,07%. Cùng với đó, việc QLRR đã góp phần đơn giản hoá thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN trong quá trình thông quan hàng hóa XNK; tạo nền tảng quan trọng cho sự đột phá trong quá trình cải cách, điện tử hóa, tự động hóa thủ tục hải quan nói riêng cũng như công tác quản lý của ngành hải quan nói chung.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả nói trên nhưng quá trình triển khai công tác QLRR còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: các điều khoản về QLRR còn quy định tại nhiều văn bản; một số hoạt động nghiệp vụ hải quan chưa áp dụng QLRR; chất lượng đánh giá và quản lý DN tuân thủ còn hạn chế dẫn đến việc áp dụng kết quả đánh giá tuân thủ trong quản lý hải quan còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được các yêu cầu tạo thuận lợi trong hoạt động XNK.

Sẽ công khai tiêu chívà kết quả đánh giáxếp hạng doanh nghiệp

Thực hiện yêu cầu của Chính phủ về “Công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ DN”, đồng thời khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Thông tư về áp dụng QLRR trong hoạt động hải quan, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 9/2019. Thông tư này được kỳ vọng sẽ đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất hệ thống quy định pháp lý về QLRR, phù hợp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho DN XNK và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong quản lý hoạt động XNK, xuất nhập cảnh.

Ông Bùi Thái Quang - Phó Cục trưởng Cục QLRR, Tổng cục Hải quan - cho biết: Trước đây, các tiêu chí đánh giá DN được cơ quan hải quan bảo mật, nhưng theo Dự thảo Thông tư này, cơ quan hải quan sẽ công khai tiêu chí và kết quả đánh giá xếp hạng DN. Mục đích của việc này là tạo sự bình đẳng cho các DN, khuyến khích DN chủ động và nâng cao trách nhiệm của họ trong việc tuân thủ pháp luật hải quan. DN tuân thủ tốt pháp luật sẽ được cơ quan hải quan tạo thuận lợi tối đa và tùy vào từng mức độ tuân thủ sẽ được hưởng lợi tương ứng. Nếu DN không tuân thủ thì phải chịu sự quản lý chặt chẽ.

Cụ thể, cơ chế xử lý vi phạm của cơ quan hải quan cũng sẽ tương ứng với mức độ tuân thủ của DN và mức độ rủi ro của hàng hóa. DN có mức độ tuân thủ cao, hàng hóa rủi ro thấp thì cơ quan hải quan chỉ theo dõi, giám sát hoạt động của DN và các lô hàng. Đây là trường hợp hàng hóa được phân vào luồng xanh và hàng hóa sẽ được thông quan ngay.

DN tuân thủ trung bình, hàng hóa rủi ro trung bình thì cơ quan hải quan kiểm tra sơ bộ hồ sơ XNK (phân luồng vàng), hoặc lưu giữ các thông tin giao dịch của DN trên hệ thống để đưa ra quyết định kiểm tra sau thông quan trong 60 ngày kể từ ngày thông quan hàng hóa hoặc trong thời hiệu 5 năm kể từ ngày thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Đối với DN tuân thủ thấp, hàng hóa XNK thuộc danh mục rủi ro cao, cơ quan hải quan sẽ phân vào luồng đỏ để kiểm tra hồ sơ và thực tế lô hàng. Trường hợp DN không tuân thủ và có dấu hiệu vi phạm ở mức độ rủi ro cao với tần suất vi phạm nhiều lần thì cơ quan hải quan tiến hành củng cố hồ sơ khởi tố vụ án và chuyển cơ quan điều tra thực hiện các bước tố tụng hình sự.

Ông Quang cho biết: Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan hải quan như: cung cấp thông tin, tư vấn, giải quyết vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan... để DN tự tuân thủ pháp luật. Cơ quan hải quan sẽ mở ra cơ chế thuận lợi để DN có thể tránh được sai sót theo các cấp độ: Một là, DN có thể khai bổ sung khi phân luồng nếu tự thấy tờ khai ban đầu chưa chính xác theo quy định. Hai là, trường hợp hàng hóa của DN đã phân vào luồng vàng (phải kiểm tra hồ sơ), cơ quan hải quan vẫn cho DN khai bổ sung trước khi cơ quan hải quan kiểm tra hồ sơ XNK hàng hóa. Ba là, trong trường hợp cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, DN vẫn có 60 ngày rà soát, trao đổi để bổ sung thông tin tờ khai. Đặc biệt, trong vòng 5 năm kể từ khi thông quan hàng hóa, DN vẫn có thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ XNK.

Theo ông Quang, DN cần chủ động thực hiện quy định để cơ quan hải quan xem xét, tạo thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện thủ tục XNK. Để làm được việc này, DN phải có kỹ năng quản lý và tổ chức đội ngũ làm thủ tục hải quan chuyên nghiệp.

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 33 ra ngày 15-8-2019
Cùng chuyên mục
Quy định quản lý rủi ro - sự thay đổi căn bản trong hoạt động hải quan