Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Vẫn nhỏ giọt và thiếu quyết liệt

(BKTO) - Dù đã được Chính phủ nhắc nhở nhiều lần nhưng việc cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN vẫn chỉ triển khai nhỏ giọt. Đến nay, quá trình này mới đạt 28% kế hoạch. Không những thế, sau CPH, nhiều DN còn chậm niêm yết trên thị trường chứng khoán và chậm quyết toán…



Chậm cổ phần hóa, chậm lên sàn và chậm quyết toán

Đánh giá về tình hình CPH, thoái vốn của DNNN, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính - cho biết: Chất lượng công tác CPH đã được nâng lên, các phương án CPH, thoái vốn đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai, giá trị thu về cho NSNN sau thoái vốn đều vượt nhiều lần so với giá trị sổ sách. Kết quả công tác CPH, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của TTCK, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN, hầu hết các DNNN sau CPH đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện CPH, thoái vốn ở các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhỏ giọt, thiếu sự quyết liệt dù đã được Chính phủ nhắc nhở nhiều lần.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy: Đến hết quý II/2019, cả nước chỉ có 6 DN được phê duyệt phương án CPH. Lũy kế đến hết quý II/2019, có 35/127 DN CPH thuộc danh mục phải CPH theo kế hoạch của giai đoạn 2017-2020. Như vậy, từ nay đến hết năm 2020, còn 92/127 DN phải CPH, chiếm 72% kế hoạch.

Về thoái vốn, đến hết quý II, có 9 DN thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng, trong đó, riêng Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera với giá trị sổ sách 690 tỷ đồng, thu về 1.587 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến hết quý II/2019, có 88 đơn vị đã thoái vốn nhà nước với giá trị 4.549 tỷ đồng, thu về 8.765 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chuyển 30.000 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN vào NSNN, số còn phải chuyển về NSNN trong năm nay là 20.000 tỷ đồng. Tính từ năm 2016 đến quý II/2019, đã có 185.000 tỷ đồng được chuyển vào NSNN và số tiền còn phải chuyển tiếp theo là 65.000 tỷ đồng.

Không chỉ chậm trễ trong quá trình CPH, thoái vốn, ngay cả sau khi được CPH, số DN chậm niêm yết cũng còn khá nhiều. Đến nay, vẫn còn 780 DN đã CPH chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK). Sau đợt công khai 747 DN chậm niêm yết năm 2017, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt 20 DN với mức phạt 200 triệu đồng. Tình trạng DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK đã làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, làm chậm tiến trình đổi mới DN và hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các DN này.

Ngoài ra, không ít DN sau CPH vẫn còn chậm quyết toán. Chẳng hạn, Tổng công ty Thép Việt Nam đã CPH từ tháng 10/2011, nhưng đến nay sau 8 năm, việc quyết toán vẫn chưa được thực hiện, hay như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Dệt may Việt Nam, 3 DN trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự... Việc chậm quyết toán này dẫn đến nhiều hệ lụy về tài chính, làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đến sức hút của quá trình CPH cũng như công tác bàn giao, thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã liên tục rà soát, lấy ý kiến các đơn vị để hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng thời trực tiếp làm việc với các đơn vị nhằm tìm ra giải pháp và đề xuất Chính phủ tháo gỡ vướng mắc.

Tăng cường hàng loạt giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ

Để đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng: Các Bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và DN có vốn nhà nước về CPH; thoái vốn, cơ cấu lại DN theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thủ trưởng, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN có trách nhiệm đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DN.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các DN đã CPH thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK theo quy định; bàn giao các DN về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất, trình ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phê duyệt trước khi xác định giá trị DN.

Các DN đã CPH và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần cần sớm thực hiện quyết toán, xác định số phải nộp/tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định...

Đại diện Cục Tài chính DN cho biết thêm: Bộ Tài chính sắp trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại tài sản công để tạo cơ chế xử lý thông thoáng hơn cho DN, trong đó đề xuất Chính phủ phân cấp mạnh mẽ hơn việc xử lý đất đai khi thực hiện CPH. Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo Chính phủ các vướng mắc tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị dành cho các DN chậm niêm yết, yêu cầu các đơn vị chậm niêm yết giải trình rõ nguyên nhân chậm trễ. Trong tháng 8 này, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát để công bố danh sách DN chậm niêm yết gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Nếu cơ quan đại diện chủ sở hữu tại DN chỉ đạo sát sao thì việc đăng ký niêm yết sẽ đạt kết quả tốt hơn. DN không niêm yết trên sàn chứng khoán theo quy định sẽ bị xử phạt.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Cùng chuyên mục
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Vẫn nhỏ giọt và thiếu quyết liệt