Nỗ lực bình ổn thị trường tài chính tiền tệ

(BKTO) - Bắt đầu từ tháng 7/2018, song song với giảm giá bán ra USD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho tỷ giá tham chiếu gần như đi ngang, tạo tín hiệu rõ rệt với thị trường về chủ trương không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Cùng thời gian này, tỷ giá ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đi ngang và chỉ có tỷ giá tự do còn ở mức cao. Dự báo, trong thời gian tới, nếu áp lực tiếp tục gia tăng, NHNN có thể sẽ bán ra dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường.



Thanh khoản ngân hàng trở lại trạng thái dư thừa

Số liệu của Bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã dồi dào rõ rệt trong tháng 6/2018 khiến NHNN phát hành một lượng tín phiếu rất lớn để hút tiền ra khỏi hệ thống. Tổng khối lượng tiền hút ròng trong 3 tuần cuối tháng 6/2018 lên tới 120 nghìn tỷ, đẩy lượng tín phiếu lưu hành tăng mạnh lên 150 nghìn tỷ, đây là mức cao nhất kể từ đầu năm. Sự chủ động của NHNN trong điều tiết thị trường được thấy rõ khi NHNN nâng lãi suất tín phiếu kỳ hạn 28 ngày từ mức 0,9% lên 1,25%, đồng thời NHNN cũng phát hành trở lại tín phiếu kỳ hạn 91 ngày sau 3 năm tạm ngưng.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, tăng trưởng tín dụng chậm là một nhân tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Theo ước tính của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng chỉ tăng khoảng 6,5% trong 6 tháng đầu năm, đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm gần đây. Trong khi đó, tăng trưởng huy động đạt dương 8%, một phần nhờ lượng nội tệ được NHNN bơm ra khi mua vào 12 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối.

Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng đã giảm đáng kể từ 1,6% xuống 0,6% ở kỳ hạn qua đêm vào cuối tháng 6/2018. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược trong đầu tháng 7, khi lãi suất qua đêm tăng lên 1,1% vào giữa tháng. NHNN cũng bơm ròng trở lại 58 nghìn tỷ, làm khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống mức 92,5 nghìn tỷ.

Lãi suất huy động trên thị trường giảm khá sâu trong tháng 6, giao dịch ở mức 4,2% ở kỳ hạn 1 tháng, 5% ở kỳ hạn 3 tháng và 6,2% ở kỳ hạn 12 tháng. Sau khi chạm đáy vào cuối tháng 6, lãi suất đã tăng nhẹ trở lại vào đầu tháng 7. Trên thị trường trái phiếu, xu hướng tăng lãi suất ngày càng thể hiện rõ rệt. Tính tới trung tuần tháng 7, lãi suất trúng thầu trái phiếu đã tăng ở các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài từ năm 2016. Tương tự, lãi suất trái phiếu thứ cấp cũng tăng mạnh, nhất là các kỳ hạn ngắn 1 - 2 năm và đặc biệt là các kỳ hạn dài trên 7 năm, khiến đường cong lợi suất trái phiếu dốc hơn, điều này cho thấy kỳ vọng tăng lãi suất trong dài hạn ngày càng rõ nét.

Tỷ giá chấm dứt thời kỳ đi ngang

Tháng 6 và đầu tháng 7 đánh dấu chuỗi biến động mạnh của thị trường ngoại hối khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh, bật lên khỏi nền giá duy trì trong hơn 1 năm qua. Tỷ giá tiếp tục tăng thêm 100 đồng trong 2 tuần đầu tháng 7, tương đương mức tăng 1,1% chỉ trong vòng 1 tháng và giao dịch ở mức 23.010 đồng mua vào và 23.080 đồng bán ra trên thị trường ngân hàng. Tỷ giá tự do cũng chịu áp lực và tăng mạnh thêm 360 đồng lên mức 23.180/23.230 đồng mua vào/bán ra, đồng thời chênh lệch giá mua bán tăng từ 20 đồng lên 50 đồng.

Sức ép lên tỷ giá trong tháng 6 chủ yếu đến từ yếu tố bên ngoài kết hợp với tâm lý bên trong. Hàng loạt các đồng tiền trên thế giới đã mất giá nhanh trong tháng 6 do Mỹ chính thức áp thuế cao với hàng hóa Trung Quốc, làm dấy lên nguy cơ chiến tranh thương mại leo thang. Việc các đồng tiền mất giá tạo ra tâm lý đồng VND cũng sẽ phải mất giá khiến tỷ giá tăng.

Tuy nhiên, nếu phân tích từ khía cạnh cung cầu ngoại tệ, thực tế cho thấy tình trạng mất cân đối cung cầu chưa lớn để đẩy tỷ giá tăng mạnh. Xuất siêu đã trở lại trong tháng 6 với giá trị 800 triệu USD, nâng tổng giá trị xuất siêu từ đầu năm lên 3,74 tỷ USD, hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Cán cân tổng thể đạt thặng dư xấp xỉ 9,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng mạnh so với 2,5 tỷ USD cùng kỳ năm 2017.

Ngoài yếu tố tâm lý kể trên, tỷ giá tăng cũng xuất phát từ biến động trong giao dịch liên ngân hàng. Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng từ 1,7% lên sát 2% ở kỳ hạn qua đêm, trong khi lãi suất VND giảm mạnh nới rộng chênh lệch lãi suất USD - VND từ 0,2% lên 1,2%. Động thái hút thanh khoản VND bằng tín phiếu của NHNN trong thời gian qua phần nào cũng giúp thu hẹp nguồn cung nội tệ, từ đó hỗ trợ tỷ giá.

Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, xấp xỉ 65 tỷ USD, tương đương 15 tuần nhập khẩu, NHNN đã chủ động phát tín hiệu sẽ can thiệp hỗ trợ thị trường để hỗ trợ tỷ giá. Thực tế, NHNN đã giảm mạnh tỷ giá bán ra USD từ 23.294 đồng xuống 23.050 đồng vào ngày 03/7.

Bình luận về việc cần giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng, cần có một cái nhìn dài hơi và tổng thể hơn. Bởi, thứ nhất, các đồng tiền trong khu vực dù mất giá nhanh hơn VND trong 1 tháng qua nhưng lại lên giá khá nhiều so với VND trong khoảng thời gian 1 năm. Điều này có nghĩa xuất khẩu Việt Nam đã được hưởng lợi trong một thời gian dài. Thứ hai, lượng vay nợ ngoại tệ của Việt Nam là rất lớn nên lợi ích từ xuất khẩu cần phải cân đối với bất lợi của áp lực trả nợ nước ngoài.

Từ tháng 7, song song với giảm giá bán ra USD, NHNN cũng cho tỷ giá tham chiếu gần như đi ngang, tạo tín hiệu không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá. Trong thời gian tới, nếu áp lực tiếp tục gia tăng, NHNN có thể sẽ bán ra dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Cam kết ổn định tỷ giá của NHNN với nguồn lực dự trữ ngoại hối dồi dào và cung cầu ngoại tệ cân bằng là các yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá.

PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018
Cùng chuyên mục
  • Sôi động thị trường M&A tại Việt Nam
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2018 đánh dấu 10 năm chặng đường mua bán, sáp nhập (M&A) DN tại Việt Nam. Theo thống kê, đã có 4.353 thương vụ, với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2017 đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD (bằng 155% cùng kỳ năm 2017).
  • Đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý các quỹ ngoài ngân sách
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Công tác quản lý các quỹ tài chính ngoài NSNN (gọi chung là Quỹ) thời gian qua được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, thậm chí làm phân tán nguồn lực NSNN. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của quỹ là yêu cầu cấp thiết được đặt ra lúc này.
  • Hoàn thiện cơ chế, chú trọng giám sát, kiểm toán… để phòng nợ xấu phát sinh
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Qua kiểm toán Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 và các ngân hàng những năm gần đây, KTNN nhận thấy, mặc dù công tác xử lý nợ xấu đã có những chuyển biến tích cực nhưng về bản chất, nợ xấu vẫn đang tồn tại ở các TCTD yếu kém; tiềm ẩn trong các khoản nợ xấu nội bảng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam, các khoản nợ cơ cấu lại, trái phiếu DN và các khoản phải thu bên ngoài. Do đó, hiện nay, phòng ngừa nợ xấu phát sinh tại các TCTD vẫn là một yêu cầu cấp thiết, đỏi hỏi hệ thống ngân hàng phải thực hiện nhiều biện pháp cụ thể.
  • Phấn đấu thu ngân sách nhà nước vượt 3% so với dự toán
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Sáng 18/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trưc tuyến sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2018. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến dự Hội nghị.
  • Giải quyết tranh chấp thương mại qua trọng tài Tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Tranh chấp thương mại (TCTM), đặc biệt là các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc giải quyết các TCTM thông qua trọng tài với nhiều hình thức đảm bảo tính hiệu quả cao sẽ mang lại niềm tin cho DN cũng như góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước hấp dẫn.
Nỗ lực bình ổn thị trường tài chính tiền tệ