Nhiều điểm tựa cho nền tảng lãi suất thấp

(BKTO) - Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, với những diễn biến trên thị trường các tháng vừa qua thì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định trong các tháng của đầu năm 2021.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Lãi suất cho vay tiếp tục giảm thêm

Để hỗ trợ người dân, DN đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay. Đơn cử giữa tháng 12/2020, Vietcombank đã đồng loạt giảm thêm 1% lãi suất cho vay trong 3 tháng cho tất cả DN đang có dư nợ và khách hàng vay mới. Đối với những dự án hiệu quả, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể chỉ ở mức 6%/năm. Theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất lần thứ 5 của nhà băng này sẽ góp phần tác động đến khoảng 150.000 DN, giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng.

Một đại diện của BIDV ở Đồng Nai cho biết, từ tháng 11/2020 ngân hàng này mở rộng quy mô gói vay “Kết nối – Vươn xa” từ mức 70.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng. Để hỗ trợ DN vay vốn kinh doanh dịp Tết Nguyên đán, BIDV cũng đã giảm thêm 0,5% lãi suất các kỳ hạn đối với gói vay ưu đãi lãi suất. Theo đó, hàng trăm DN ở Đồng Nai đã có thể vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất 5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 5,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 -12 tháng.

Lãnh đạo một số chi nhánh Agribank tại Bình Dương cho biết, đối với các DN lớn và công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện ngân hàng có các gói vay ưu đãi lãi suất đều đang được giải ngân rất khả quan. Chẳng hạn, đối với gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng và 150 triệu USD, chi nhánh Agribank Bình Dương và Agribank Sóng Thần đã tiếp cận được hàng trăm DN lớn trên địa bàn.

Theo Agribank Sóng Thần, ngân hàng đã chủ động làm việc với DN để chuyển một phần dư nợ ngắn hạn trong hạn mức của DN FDI để hỗ trợ DN hưởng các mức lãi suất ưu đãi. Vì thế việc hỗ trợ DN diễn ra khá hiệu quả. Các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp – xây dựng đáp ứng đủ các điều kiện như: có tổng doanh thu 200 tỷ đồng/năm hoặc có nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên 200 người… đều đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ 3,7%/năm (đối với khoản vay ngắn hạn) và và tối thiểu 7%/năm (đối với khoản vay trung, dài hạn). Các khoản vay ưu đãi này đều được kéo dài đến quý I/2021 hoặc hết năm 2021.

Lãi vay sẽ ổn định trong năm mới

Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, với những diễn biến trên thị trường các tháng vừa qua thì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định trong các tháng của đầu năm 2021.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Nghiên cứu phát triển SSI cho rằng, với đà tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm khá tích cực, một số ý kiến lo ngại rằng áp lực huy động vốn thời gian tới sẽ tăng lên, kéo theo sự biến động của mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, tác động này sẽ không đủ lớn và mặt bằng lãi suất sẽ vẫn giữ ở mức thấp trong các quý đầu năm 2021, tạo thành một trạng thái khá ổn định và kéo dài.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia tại Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, trong năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức thấp, mặc dù không còn nhiều dư địa để giảm các mức lãi suất điều hành nhưng NHNN cũng sẽ không nâng lãi suất lên, do các chương trình tín dụng hỗ trợ DN, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 vẫn được duy trì.

VNDirect dự báo, nhiều khả năng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm khoảng 0,20-0,5% trong năm 2021 và NHNN có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở (OMO), nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM có tiềm lực tài chính và hiệu quả kinh doanh tốt hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với hệ thống ngân hàng.

Tương tự, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng, với bối cảnh mặt bằng lãi suất đang thấp nhất trong lịch sử như hiện tại, xu hướng đi ngang trong ngắn hạn sẽ là xu hướng chủ đạo của lãi suất các kỳ hạn huy động và cho vay.

Theo VCBS, tính đến hiện nay thì chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. Theo đó, rủi ro từ nợ xấu ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống NHTM chưa xuất hiện. Các chỉ số an toàn hoạt động của các NHTM cho đến cuối năm 2020 cơ bản là không chịu áp lực. Việc nhiều ngân hàng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thông qua trái phiếu DN trong năm 2020 cũng đã giúp giảm áp lực lên tỷ lệ dư nợ/vốn huy động (LDR) khi tử số chỉ tính tới các khoản cho vay khách hàng.

Ngoài ra, việc NHNN cho phép các TCTD không trả cổ tức tiền mặt (theo Chỉ thị 02/2020) đồng thời lùi thời gian áp dụng các mức trần sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn cũng sẽ giúp hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM tăng lên. Từ đó, áp lực huy động vốn sẽ không lớn và ít có động lực để tăng lãi suất trong các tháng đầu năm 2021.

Theo Thoibaonganhang
Cùng chuyên mục
Nhiều điểm tựa cho nền tảng lãi suất thấp