Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để “cứu” doanh nghiệp

(BKTO) - Đầu tháng 4, hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay, nhất là các lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Động thái này một lần nữa cho thấy hiệu lực của những chỉ đạo kịp thời từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như Chính phủ.




Các ngân hàng thương mại đã và đang đồng loạt triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Ảnh: TTXVN

Giảm lãi suất cho vaytrên diện rộng

Quyết định trên được đưa ra ngay sau khi lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm so với mức lãi suất cho vay hiện hành đối với các DN, hộ gia đình bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Đến nay, hơn 20 ngân hàng thực hiện chỉ đạo này.

Để tạo điều kiện tiếp cận vốn cho DN và người dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết giảm lãi suất thêm 2%/năm cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ kéo dài chính sách giảm lãi suất 1 - 1,5% đối với dư nợ hiện hữu đến ngày 30/9/2020. Vietcombank sẽ dành gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất giảm sâu từ 2 - 2,5%/năm, trong đó, các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm đến 2,5%/năm so với mặt bằng lãi suất hiện tại.

Từ ngày 01/4/2020, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tiếp tục triển khai chương trình tín dụng có quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm đến 2%/năm so với các chương trình đã từng triển khai trước thời điểm có dịch. VietinBank đặc biệt ưu đãi DN cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân trong giai đoạn đại dịch Covid-19 và tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2 - 3%/năm so với thông thường. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đã công bố giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp.

Bên cạnh đó, nhiều NHTM khác cũng đã công bố giảm mạnh lãi suất cho vay. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong cả nước. Ngân hàng TMCP Kiên Long giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng là cá nhân và DN. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng tung gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2, giảm lãi suất đến 2%/năm cho DN gặp khó khăn mùa dịch…

Đây là đợt giảm lãi suất lớn thứ hai của các ngân hàng kể từ đầu năm. Trước đó, giữa tháng 3, NHNN đã quyết định giảm các mức lãi suất điều hành. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và nhiều ngân hàng còn giảm thêm lãi suất huy động dài hạn từ 0,1 - 0,3%/năm.

Động thái giảm mạnh lãi suất cho vay đã thể hiện trách nhiệm rất lớn của các ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn với DN. Đồng thời, đây cũng là cách để các ngân hàng kích cầu tín dụng trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tại Phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các hoạt động tháo gỡ khó khăn cho DN của ngành ngân hàng, trong đó có việc giảm mạnh lãi suất cho vay. Chính sách hỗ trợ này cũng được cộng đồng DN đánh giá cao qua khảo sát của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Kiến nghị hạ lãi suấtđiều hành thêm từ 0,1 - 0,2%

Trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm, nguồn vốn gặp nhiều khó khăn, chính sách hỗ trợ vay vốn với mức lãi suất ưu đãi là cần thiết nhằm giúp các DN duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, thời gian tới, các DN vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2020 đạt 4,9% nếu dịch bệnh kết thúc sớm, còn trường hợp dịch bệnh kéo dài đến cuối năm nay thì tăng trưởng chỉ đạt 1,5%. Ngân hàng Phát triển châu Á cũng dự báo năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ sụt giảm, chỉ đạt 4,8%.

Để vực dậy nền kinh tế sau đại dịch, tại Phiên họp trực tuyến Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu NHNN và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc cho vay lãi suất 0% để hỗ trợ DN. Mới đây, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cũng đã đề nghị NHNN hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, giúp các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất 0% và thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng vừa gửi đến Chính phủ và các Bộ, ngành bản khuyến nghị chính sách ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Nhóm nghiên cứu kiến nghị NHNN xem xét hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1 - 0,2% trong 1 - 2 tháng tới hoặc tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng chỉ áp dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các DN. NHNN nên ưu tiên tiếp tục thực hiện những cải cách mang tính cấu trúc nhằm hướng tới một hệ thống tiền tệ lành mạnh hơn trong tương lai, chứ không áp dụng dàn trải cho mọi tổ chức tín dụng. Những “hỗ trợ” về lãi suất, nếu có, chỉ nên giới hạn ở những DN trực tiếp chịu tác động của bệnh dịch theo hướng “giảm lãi” hay “chia sẻ khó khăn” từ ngành ngân hàng, chứ không phải tăng mở rộng tiền tệ hay tín dụng vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN nên bổ sung thêm các đối tượng được hưởng ưu tiên về lãi suất trần...
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để “cứu” doanh nghiệp