(BKTO) - Bán tài sản bảo đảm, tăng trích lập dự phòng, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42)… là những biện pháp mà ngành ngân hàng đã và đang ráo riết triển khai để xử lý nợ xấu.




Ngành ngân hàng đã và đang ráo riết triển khai các biện pháp để xử lý nợ xấu. Ảnh: P.Tuân
Tăng trích lập dự phòng, đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp

Nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định, mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% của ngành ngân hàng vào cuối năm 2020 là khó khả thi. Bởi lẽ, hoạt động của DN gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp; sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu; Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hết hiệu lực vào cuối năm nay cũng khiến dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (khoảng 23% tổng dư nợ) không còn được giữ nguyên nhóm nợ, dẫn đến tăng quy mô nợ xấu. Hơn nữa, thực tế, nửa đầu năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng đã có xu hướng tăng lên.

Ứng phó với tình trạng nợ xấu gia tăng, hàng loạt ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro. Điển hình là ngay từ quý I/2020, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tăng trích lập dự phòng lên 16%, ở mức mức 6.041 tỷ đồng để tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - TCTD Việt Nam); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng lên 43%, ở mức hơn 2.152 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) tăng 117%, lên gần 2.093 tỷ đồng.
5 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 1.500 - 1.700 tỷ đồng; Quỹ Dự phòng rủi ro của Sacombank đến thời điểm này lên đến 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Theo dự báo của các chuyên gia, nhiều ngân hàng sẽ phải tiếp tục nâng trích lập dự phòng để chuẩn bị ứng phó với việc nợ xấu có thể tăng mạnh từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, gần đây, nhiều ngân hàng như: BIDV, Vietcombank, Sacombank… còn đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp, từ dự án chung cư, căn hộ cao cấp, đất nền, nhà phố đến ô tô, máy móc thiết bị, nhà xưởng để thu hồi, xử lý nợ. Các thông tin liên quan đến thanh lý tài sản thế chấp, lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc thông báo thu giữ tài sản thế chấp của khách hàng liên tục được ngân hàng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng, làn sóng thanh lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ là tất yếu trong bối cảnh khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ do tác động của dịch Covid-19. Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới khi mà nguy cơ nợ xấu đang gia tăng.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu

Không chỉ các ngân hàng, VAMC cũng ráo riết chào bán hàng loạt bất động sản, tài sản trên đất, máy móc, thiết bị, giấy tờ có giá trị, phương tiện vận tải, quyền phát sinh tài sản… nhằm xử lý, thu hồi nợ sau khi đã mua lại của các TCTD.

Năm 2020, theo kế hoạch, VAMC phát hành tối đa 15.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), mua 5.000 tỷ đồng nợ xấu theo giá trị thị trường, xử lý 50.000 tỷ đồng dư nợ gốc. Để có thể hoàn thành kế hoạch đề ra, VAMC sẽ tiếp tục mua nợ xấu bằng TPĐB của các TCTD yếu kém có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3% với phạm vi và số lượng theo quyết định của NHNN; xúc tiến việc thành lập Sàn giao dịch nợ nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/tài sản; xúc tiến thành lập Câu lạc bộ AMC, tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm; chia sẻ thông tin, kết nối nhà đầu tư và tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung.

Đồng thời, việc tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng theo Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017-2020, hướng tới năm 2022 cũng sẽ được VAMC trình NHNN và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đặc biệt, VAMC sẽ thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất TCTD liên quan đến hoạt động ủy quyền để phát hiện kịp thời các sai sót, vi phạm, hạn chế rủi ro trong hoạt động xử lý nợ; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với khách hàng vay và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã mua.

Cùng với việc đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp, gia tăng trích lập dự phòng và phấn đấu thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu đã đề ra, mới đây, tại cuộc họp về việc triển khai Nghị quyết 42, các TCTD và VAMC cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các khâu: thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án; áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế, phí khi xử lý tài sản bảo đảm; xác định giá trị khoản nợ; mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường và phát triển thị trường mua, bán nợ; công tác triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ từ các Bộ, ngành và địa phương...

Trên cơ sở kiến nghị của các TCTD và VAMC, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh yêu cầu, các đơn vị chức năng tổng hợp những ý kiến hợp lý để trình lãnh đạo NHNN báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND có liên quan xử lý hoặc đề xuất Quốc hội có phương hướng xử lý. Đồng thời, các TCTD cũng phải rà soát lại nội dung báo cáo cũng như các đề xuất, kiến nghị nhằm phối hợp, đồng hành với NHNN để khắc phục khó khăn, vướng mắc, tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong thời gian tới.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu