Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%

(BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô trong năm 2022 và cả năm 2023.



                
   

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dòng vốn ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Ảnh: NHNN

   

Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2022 diễn ra ngày 23/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết:Từ nay đến cuối năm, kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất. Vì vậy, NHNN tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, có thể xem xét, điều chỉnh khi cần thiết.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, vừa qua, NHNN đã điều chỉnh room tín dụng cho một số ngân hàng. NHNN sẽ theo dõi, đánh giá, giám sát hoạt động tín dụng tại các ngân hàng một cách hợp lý, tạo tiền đề kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

Về điều hành tín dụng thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, dòng vốn ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các lĩnh vực ưu tiên khác; duy trì mức lãi suất cho vay; tiếp tục triển khai và đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 (Nghị định 31), NHNN đã tìm hiểu và có nhiều văn bản chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kịp thời báo cáo Chính phủ về những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để có hướng xử lý, đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ. “Những khó khăn, vướng mắc tại Nghị định 31 sẽ được quan tâm, điều chỉnh” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát rủi ro trong lĩnh vực tín dụng bất động sản, chứng khoán, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán kinh doanh trái phiếu của ngân hàng; đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách.

Liên quan đến room tín dụng, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN - cho biết thêm: Vừa qua, Thống đốc NHNN và các tổ chức tín dụng đã có cuộc họp trao đổi thẳng thắn cởi mở về room tín dụng. Lần đầu tiên, một cuộc họp diễn ra trong 7 giờ để cùng bàn bạc về hạn mức tín dụng. Kết quả, 100% các tổ chức tín dụng đều thống nhất rằng giải pháp điều hành room tín dụng là biện pháp khoa học để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Quang cho biết thêm: Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022 cũng đã định hướng điều hành tín dụng linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường. Hiện nay, áp lực lạm phát lớn nên NHNN vẫn kiên định điều hành room tín dụng 14% để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong năm 2022 và cả 2023.
         
Theo báo cáo của NHNN, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%