Ngân hàng lạc quan về kết quả kinh doanh

(BKTO) - Khép lại 6 tháng đầu năm 2019 với kết quả kinh doanh khá ấn tượng, các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục bày tỏ tâm lý lạc quan về triển vọng kinh doanh trong quý III cũng như cả năm 2019.



Ngân hàng đua nhau báo lãi

Đến thời điểm này, nhiều nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019. Hầu hết các ngân hàng đều đạt kết quả kinh doanh khá tích cực với các chỉ số tài chính tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đạt mức lãi kỷ lục gần 11.300 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận hợp nhất đạt 11.280 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ. Vietcombank tiếp tục có giá trị vốn hóa lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết và vươn lên là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhấthệ thống ngân hàng.

Hay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm nay đạt gần 1.500 tỷ đồng, tương đương 55% kế hoạch năm, vượt tiến độ kế hoạch đề ra. Tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 439.000 tỷ đồng; cho vay đạt hơn 279.000 tỷ đồng; chất lượng tín dụng cũng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống 1,96% (trong 6 tháng đầu năm, Sacombank đã thu hồi được hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu).

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.820 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu đạt 3.662 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, thu nhập ngoài lãi tăng 68%, chiếm 20% tổng doanh thu. Tổng tài sản đạt gần 164.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm…

Nhiều ngân hàng khác cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm như: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đạt 517 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt 91.236 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lãi trước thuế 1.117 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ.

Bên cạnh nguồn thu chính từ lãi thuần, mảng dịch vụ đã có những đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Như tại Sacombank, dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ đã đem về nguồn thu gần 1.400 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ. Với VIB, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng tới 142% lên mức 764 tỷ đồng, chiếm 21%. Bên cạnh lĩnh vực cho vay, VIB còn được nhận định là ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển thẻ tín dụng tại Việt Nam nên doanh số phát hành thẻ và chi tiêu trên thẻ tại VIB luôn gấp đôi trung bình ngành. VIB cũng là ngân hàng luôn nằm trong top đầu về doanh số phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đến khách hàng… Trong cơ cấu lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), tỷ trọng đóng góp dịch vụ tăng trưởng rất mạnh, đạt 605 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.

Các chuyên gia đánh giá, việc phát triển tăng thu từ dịch vụ là một chiến lược tốt. Theo đó, các ngân hàng sẽ không phải chịu mức độ rủi ro cao từ hoạt động tín dụng; hoạt động này cũng phù hợp với chủ trương tái cơ cấu các TCTD.

88,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn

Với kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, số liệu điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2019 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố mới đây cho thấy, có tới 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong quý III (cao hơn tỷ lệ 80,6% của cuộc điều tra tháng 3/2019) và 88,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 “cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 20 - 27,4% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”.

Trong quý II/2019, mặc dù nhu cầu của khách hàng về việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ tại các TCTD thấp hơn dự kiến song theo kết quả điều tra, trong quý III, có 63,5% TCTD kỳ vọng tổng nhu cầu tăng, trong đó, 64,5% kỳ vọng tăng nhu cầu vay vốn; 55,2% kỳ vọng tăng nhu cầu gửi tiền và 53,7% kỳ vọng tăng nhu cầu thanh toán và thẻ. Đáng chú ý, 64 - 71% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (như: vay vốn, gửi tiền, thanh toán và thẻ) sẽ gia tăng trong quý III và cả năm 2019 so với năm 2018. Đặc biệt, có 98% TCTD nhận định thanh khoản của đơn vị mình tại thời điểm cuối quý II ở trạng thái “tốt” hoặc “bình thường” đối với cả VNĐ và ngoại tệ. Dự báo trong quý tới và cả năm 2019, đa số các TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện.

Tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD có tín hiệu tích cực với 27,4% TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình “giảm” trong quý II và 26,9% TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm” trong quý III.

Cũng theo kết quả điều tra của NHNN, đa số các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động vốn - cho vay tiếp tục duy trì ổn định trong quý III và cả năm 2019. Đáng chú ý, các TCTD kỳ vọng huy động vốn và tín dụng đều tăng trưởng cao, với huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 4,1% trong quý III và tăng 13,47% trong năm 2019 (cao hơn mức tăng thực tế của năm 2018 nhưng thấp hơn mức kỳ vọng 16,51% của cùng kỳ năm trước). Cơ cấu tiền gửi có sự dịch chuyển tích cực, các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên một năm được nhiều TCTD dự báo tăng nhất trong quý III và cả năm 2019. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 4,13% trong quý III và tăng 14,33% trong năm 2019.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 25-7-2019
Cùng chuyên mục
Ngân hàng lạc quan về kết quả kinh doanh