Ngân hàng cần “bắt tay” cùng chuyển đổi số

(BKTO) - Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia hiện nay đã bước vào một giai đoạn mới kỳ vọng sẽ kích hoạt mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của ngân hàng.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Công nghệ thay đổi hình thái ngân hàng

Phát biểu tại Hội thảo vai trò dịch vụ ngân hàng bán lẻ trong việc thúc đẩy số hóa nền kinh tế thời hậu Covid-19 do Tập đoàn Dữ liệu IDG phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 26/11 tại TP.HCM, ông Vũ Viết Ngoạn - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, ngân hàng số đang bước vào giai đoạn phát triển cạnh tranh mạnh mẽ với những tích hợp đa chiều, đa tiện ích, tương tác với người tiêu dùng. Những công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) đã được các tổ chức mới tham gia thị trường đưa ra nhiều dịch vụ cho vay mới qua app, thanh toán, chuyển tiền thông qua công nghệ blockchain không cần đến quầy giao dịch…

“Công nghệ đã làm thay đổi hình thái ngân hàng là một định chế tài chính trung gian. Nếu như 5 năm trước các ngân hàng còn e ngại Fintech thì hôm nay các ngân hàng đã cùng hợp tác với Fintech để cập nhật và thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh hơn. Đặc biệt, dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội càng thúc đẩy các ngân hàng phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để tiếp cận khách hàng”, ông Vũ Viết Ngoạn nhận định.

Hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia hiện nay đã bước vào một giai đoạn mới kỳ vọng sẽ kích hoạt mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của ngân hàng. Tới đây, Mobile Money phát triển sẽ cùng ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính cho DN và người dân. VNPT, Grab… và các nền tảng công nghệ khác cũng đang đề xuất Chính phủ cho phép chuyển tiền nhanh và có tham vọng trở thành một digital bank. Tuy nhiên, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, đến nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận một ngân hàng nào chuyển đổi số thành công.

Ông Trần Đình Cường - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho rằng, để phát triển dịch vụ ngân hàng số, cần có 3 khâu: Thứ nhất thể chế chính sách. Thứ hai, về công nghệ các ngân hàng phải phát triển theo các chuẩn mực quốc tế. Thứ ba, các thủ tục số hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng tương tác với người dùng phải đảm bảo an ninh an toàn bảo mật thông tin tài chính.

Về mặt thể chế, ông Cường cho biết, thời gian qua NHNN đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD chuyển đổi số. Nhờ đó chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng được thực hiện rất sớm ở Việt Nam. Bên cạnh đó, những năm gần đây công nghệ phát triển đặc biệt hệ thống Internet liên tục mở rộng băng thông 4G, 5G đã tạo điều kiện cho các ngân hàng phát triển dịch vụ tài chính số cung cấp cho người tiêu dùng. Ở TP.HCM hiện nay các tiệm tạp hóa, siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online, dịch vụ công điện, nước, phí xử phạt hành chính… các TCTD sẵn sàng cung cấp các sản phẩm thẻ, ngân hàng điện tử, ví điện tử vào thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Một liên minh eKYC chia sẻ dữ liệu?

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, điều quan trọng nhất trong phát triển ngân hàng số là khả năng chia sẻ dữ liệu khách hàng giữa các TCTD với nhau. Nhưng thời gian qua tình trạng mạnh ai nấy làm đã gây lãng phí nguồn nhân lực. Lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận, hiện nay các ngân hàng đang đua nhau làm xác thực khách hàng điện tử (eKYC), nhưng do lo ngại rủi ro nên mỗi ngân hàng tự dữ kho dữ liệu khách hàng cá nhân cho riêng mình, không chia sẻ với ngân hàng khác.

“Chúng tôi đã từng kiến nghị NHNN cần có cơ chế chính sách chia sẻ thông tin eKYC giữa các ngân hàng với nhau. Tương tự một số ngân hàng hiện nay đã áp dụng cách làm sử dụng lại thông tin của ngân hàng bạn đã xác thực thu nhập của khách hàng để mở mới thẻ tín dụng ở ngân hàng mình cho khách hàng. Cách kiểm tra chéo thông tin khách hàng giữa các ngân hàng với nhau tiết giảm rất nhiều chi phí và lại tạo sự thuận tiện cho khách hàng mở thẻ tín dụng”, ông Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQTVietcombank nói.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank thì đề xuất xây dựng một liên minh eKYC, từ đó các ngân hàng có thể sử dụng dữ liệu khách hàng của nhau để tiết giảm chi phí và không lãng phí nguồn nhân lực.

Một yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại trong chuyển đổi số của các ngân hàng chính là con người, bởi mặc dù số hóa nghiệp vụ nhưng yếu tố con người vận hành công nghệ vẫn là quan trọng nhất mà công nghệ không thể thay thế con người. Ông Lân đã chỉ ra vấn đề thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho phát triển ngân hàng số. VietinBank, hiện đang tuyển dụng nhân lực phục vụ cho ngân hàng số, ngoài kiến thức công nghệ phải có tư duy nghiệp vụ tài chính ngân hàng.

Trong khi nguồn nhân lực cho ngân hàng số là quan trọng nhất thì thời gian qua nhân lực ngân hàng số nói riêng và ngân hàng nói chung cứ chạy lòng vòng. Trong đó, có vấn đề lương bổng thấp, đã không giữ lại được những nhân lực công nghệ tại ngân hàng. Đại diện Agribank cho biết, trong năm qua ngân hàng này đã bị mất 20 con người làm công nghệ, cũng chỉ vì lương khởi điểm chỉ từ 5-7 triệu đồng, trong khi các Tập đoàn Viettel, Vingroup sẵn sàng trả một khoản tiền rất lớn thu hút nhân lực công nghệ ngân hàng về làm một thời gian.

Thực tế, một số trường đại học khối tài chính hiện nay đã bắt đầu đào tạo Fintech, môi trường giáo dục thừa hàn lâm, nhưng lại thiếu thực tiễn và không sát ngân hàng. Điều này đòi hỏi các ngân hàng cùng tham gia với các trường đại học để đào tạo đặt hàng, liên kết giảng dạy và nói lên nhu cầu của thực tiễn từ đó mới có thể đáp ứng một nguồn lực người Việt làm ngân hàng số Việt. Hạn chế trường hợp của Vietcombank hiện nay người phụ trách ngân hàng số đang là một lao động người nước ngoài.

Ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, các nhà hoạch định chính sách và bản thân các ngân hàng phải xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng có ý nghĩa rất lớn trong chuyển đổi nền kinh tế. Bởi dự báo 15 năm tới hệ thống ngân hàng vẫn là hạ tầng mềm của nền kinh tế, chuyển đổi số, ngân hàng không thể tự làm mà phải hợp tác liên kết để thiết kế ra hệ sinh thái, dữ liệu, bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.

Theo Thoibaonganhang
Cùng chuyên mục
Ngân hàng cần “bắt tay” cùng chuyển đổi số