Ngân hàng bán lẻ BIDV: Khẳng định vị thế trong nước, vươn tầm khu vực

(BKTO) - Với nhiều giải pháp năng động, sáng tạo, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thu được những “trái ngọt” trong lĩnh vực bán lẻ.



                
   

Năm 2021, thu nhập thuần bán lẻ của BIDV đã đóng góp 48,5% thu nhập thuần toàn hệ thống. Ảnh:Internet

   

Vững vàng vị thế ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam

BIDV triển khai hoạt động bán lẻ từ đầu những năm 1990, sau khi dần chuyển thành một ngân hàng thương mại hoạt động theo cơ chế thị trường với mục tiêu ban đầu: Huy động vốn dân cư nhằm đáp ứng yêu cầu tự lo vốn phục vụ đầu tư phát triển.

Nhiều năm liền, BIDV đã luôn sáng tạo và đi đầu trong việc áp dụng các hình thức huy động vốn từ dân cư, nhanh chóng đưa hoạt động này trở thành một nguồn cung cấp vốn quan trọng, ổn định của Ngân hàng.

Từ năm 1994 đến 2007, BIDV đã quan tâm và đưa vào thử nghiệm một số sản phẩm mới như: thẻ ATM, chi trả lương qua tài khoản, chuyển tiền kiều hối; ra mắt nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao (thanh toán hóa đơn, BSMS, Direct Banking…); kết nối với nhiều hệ thống thanh toán, tổ chức thẻ quốc tế và các ngân hàng khác.

Tuy vậy, kết quả hoạt động ngân hàng bán lẻ giai đoạn này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng khi tỷ trọng đóng góp vào kết quả kinh doanh chung của hệ thống còn thấp.

Từ cuối năm 2008, khi tái cơ cấu chuyển đổi mô hình hoạt động, BIDV đã tách bạch ngân hàng bán lẻ thành một lĩnh vực hoạt động xuyên suốt toàn hệ thống; đồng thời đẩy mạnh phát triển bán lẻ như một hoạt động cốt lõi, quan trọng, bên cạnh các hoạt động kinh doanh truyền thống tập trung cho khách hàng DN và tổ chức.

Với sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, hoạt động bán lẻ của BIDV ngày càng phát triển, đạt được những kết quả nổi bật cả về “lượng” và “chất”.

Từ năm 2013, BIDV luôn giữ vững vị trí số 1 trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam về quy mô huy động vốn dân cư, quy mô tín dụng bán lẻ với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2020 xấp xỉ 30%/năm và 50%/năm.

Năm 2021, thu nhập thuần bán lẻ đã đóng góp 48,5% thu nhập thuần toàn hệ thống, lợi nhuận bán lẻ trước thuế đóng góp khoảng 67% lợi nhuận trước thuế toàn ngành.

BIDV cũng là ngân hàng kết nối với nhiều công ty fintech nhất trong hệ thống các ngân hàng (30/41) với hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ đa dạng (hơn 2.000 dịch vụ) phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng cá nhân.

Đặc biệt, nền khách hàng cá nhân chuyển dịch theo hướng tăng trưởng mạnh mẽ khách hàng số, nâng cao chất lượng và gia tăng hiệu quả. Tổng nền khách hàng cá nhân đạt trên 13 triệu (chiếm 13,6% dân số).

Hơn 7 triệu người sử dụng dịch vụ Ngân hàng số BIDV SmartBanking. Số lượng giao dịch qua kênh số tăng và tỷ trọng giao dịch trên kênh số liên tục tăng trưởng qua nhiều năm…

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã tiên phong triển khai các gói giải pháp giảm phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phòng chống và đẩy lùi dịch Covid-19…
         
Với những dấu ấn trong hoạt động bán lẻ, BIDV đã vinh dự được các tổ chức trong nước và thế giới trao tặng nhiều giải thưởng uy tín như: Giải thưởng Ngân hàng Bán lẻ Tốt nhất Việt Nam (2015-2019, 2021) do Tạp chí The Asian Banker bình chọn; Ngân hàng bán lẻ tiêu biểu 5 năm liền (2016-2020), Ngân hàng chuyển đổi số xuất sắc (2020) do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trao tặng…

Hướng tới ngân hàng bán lẻ tầm cỡ khu vực ASEAN

Kết quả đạt được những năm qua là tiền đề để BIDV tiếp tục đặt ra mục tiêu bán lẻ cao hơn trong thời gian tới.

Nghị quyết số 919/NQ-BIDV ngày 08/10/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đưa BIDV trở thành ngân hàng bán lẻ số 1 Việt Nam, có tầm cỡ trong khu vực ASEAN. Hoạt động bán lẻ gắn liền với chiến lược chuyển đổi số của Ngân hàng dựa trên 3 trụ cột:

Thứ nhất, ngân hàng bán lẻ đa năng lấy khách hàng làm trung tâm, phục vụ tất cả những phân khúc khách hàng thông qua mô hình bán hàng và dịch vụ khác biệt để chuyển đổi các chỉ số tài chính thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả.

Thứ hai, ngân hàng bán lẻ dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo để gắn kết khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả kinh doanh.

Thứ ba, ngân hàng bán lẻ công nghệ, áp dụng công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, số hóa ngân hàng, chuyển đổi dữ liệu và linh hoạt kỹ thuật số.
                
   

BIDV 6 lần được nhận Giải thưởng Ngân hàng Bán lẻ tốt nhất Việt Nam. Ảnh: Internet

   

Để thực thi Chiến lược này, BIDV sẽ chú trọng phân khúc khách hàng và định vị giá trị nâng cao gắn với phát triển nền khách hàng cá nhân có chất lượng; tăng tốc sản phẩm có giá trị cao, khác biệt, tập trung sản phẩm phí để gia tăng hiệu quả.

BIDV cũng sẽ cấu trúc lại mô hình kinh doanh từ trụ sở chính đến chi nhánh, xây dựng năng lực bán lẻ vượt trội; xây dựng hạ tầng quản trị rủi ro và phát triển năng lực quản lý rủi ro đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao, hiệu quả; đầu tư công nghệ, dữ liệu và phân tích, hướng tới ngân hàng công nghệ hiện đại.

Trước mắt, năm 2022, BIDV đã xác định một số trọng tâm nhằm tiếp tục thích ứng và vươn lên vị trí tiên phong về hoạt động bán lẻ như: Thúc đẩy chiến dịch lương, tiểu thương giai đoạn 2; Chiến dịch 65 ngày và đêm kỷ niệm 65 năm thành lập BIDV; Chiến dịch “Trải nghiệm vượt trội”; triển khai Dự án chuẩn hóa quy trình tín dụng bán lẻ, Dự án tư vấn chuyển đổi toàn diện hoạt động ngân hàng bán lẻ…

Với tầm nhìn chiến lược và giải pháp rõ ràng, hoạt động bán lẻ của BIDV được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, giữ vững vị thế ngân hàng bán lẻ số 1 Việt Nam và hướng tới là ngân hàng bán lẻ có tầm cỡ tại khu vực ASEAN./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Ngân hàng bán lẻ BIDV: Khẳng định vị thế trong nước, vươn tầm khu vực