Nền tài chính quốc gia sẽ ngày càng bền vững

(BKTO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



Thưa Bộ trưởng, năm 2018, thu NSNN đã vượt khoảng 7,8% so với dự toán. Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, số thu vượt dự toán chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô, trong khi thu từ 3 khu vực kinh tế quan trọng lại thấp. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Ngay từ đầu năm 2018, ngành tài chính đã triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu. Nhờ đó, năm qua đã hoàn thành nhiệm vụ kép, đó là thu NSNN vượt khoảng 7,8% và thu ngân sách T.Ư vượt 4,2% dự toán. Kết quả này cũng cho thấy cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa chiếm 81% tổng thu NSNN, cao hơn mức 68% bình quân giai đoạn 2011-2015, thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu.

         
   
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
   
Thực tế, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể: khu vực DNNN tăng 4%, khu vực FDI tăng 8,8%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Như vậy, thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước (GDP tăng khoảng 7,08% và lạm phát tăng khoảng 3,5%) góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của NSNN.

Mặc dù vậy, số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế vẫn thấp hơn so với dự toán. Nguyên nhân là do dự toán thu của các khu vực này được giao ở mức phấn đấu cao để có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công tác quản lý thu, chống thất thu... Thêm vào đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, ngành hàng còn khó khăn, lại gặp thiên tai, quá trình tái cấu trúc kinh tế, xử lý nợ xấu còn chậm, tạo áp lực lên thu ngân sách...

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý và phấn đấu thực hiện mục tiêu thu nội địa của giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 84 - 85% tổng thu NSNN.

♦ Năm 2019 là năm có ý nghĩa quyết định trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, xin Bộ trưởng cho biết mục tiêu cụ thể đề ra cho năm tới là gì?

- Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cùng với việc quán triệt các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, mục tiêu, nhiệm vụ về tài chính - NSNN năm 2019 được đề ra là: Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công; tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Với các mục tiêu trên đây, Quốc hội đã thông qua dự toán NSNN năm 2019; Thủ tướng Chính phủ đã giao dự toán cho các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính ban hành Quyết định, cụ thể hóa các nhiệm vụ thu, chi ngân sách và vay nợ công cho từng Bộ, ngành, địa phương theo quy định. Theo đó, năm 2019, từng Bộ, ngành, địa phương cần phấn đấu quyết liệt để đạt và vượt các nhiệm vụ thu; đồng thời quán triệt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật tài chính; cơ cấu lại chi NSNN trong từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế.

♦ Được biết, dự toán NSNN năm 2019 do Bộ Tài chính xây dựng chỉ nêu dự toán chi trả nợ lãi vay mà không đề cập đến việc chi trả nợ gốc. Trong khi đó, KTNN đã khuyến nghị khoản chi trả nợ gốc năm 2019 có thể gây áp lực lớn cho ngân sách. Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Giai đoạn 2013-2015, do thị trường vốn trong nước chưa phát triển, NSNN đã phải huy động một khối lượng lớn nguồn lực. Kỳ hạn vay nợ chủ yếu từ 3 - 5 năm, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh, chẳng hạn như: năm 2017 trả 144.000 tỷ đồng, năm 2018 tăng lên 146.770 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 là 181.970 tỷ đồng. Nếu tính cả chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương thì tổng số chi trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc cơ cấu lại NSNN, cơ cấu nợ công kể cả vay trong nước và ngoài nước cũng như cơ cấu nhà đầu tư đã theo hướng bền vững hơn. Cùng với đó, bội chi NSNN đã được kiểm soát chặt chẽ, nên mặc dù chi trả nợ gốc tăng nhanh nhưng tổng quy mô huy động của ngân sách T.Ư đã được kéo xuống thấp hơn so với quy mô huy động cao tại một số thời điểm. Nếu như năm 2014, tổng mức vay là 441.000 tỷ đồng, năm 2015 lên tới 446.600 tỷ đồng, thì đến năm 2018, mức vay giảm còn 341.700 tỷ đồng, dự toán năm 2019 là 391.500 tỷ đồng.
Đặc biệt, quy mô nợ công tính theo GDP sau nhiều năm tăng đã có xu hướng giảm, năm 2016 là 63,7%, năm 2017 giảm còn 61,4%, năm 2018 dự kiến khoảng 61%, dự toán năm 2019 là 61,3%. Trong khi đó, thị trường tài chính giai đoạn này đã có sự phát triển đáng kể nên việc huy động vốn cho NSNN sẽ không tạo ra áp lực đối với thị trường.

Bên cạnh đó, khi Luật NSNN 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, theo thông lệ quốc tế, khoản chi trả nợ gốc không đưa vào cân đối NSNN. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, kể cả nợ trong và ngoài nước vẫn được thực hiện đầy đủ, kịp thời mà không làm tăng tỷ lệ nợ Chính phủ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Theo kế hoạch, trong những năm tới, quy mô chi trả nợ gốc vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù vậy, với việc triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội về cơ cấu lại NSNN, kiểm soát bội chi ở mức 3,6% GDP năm 2019 và 3,4% GDP vào năm 2020 cũng như cơ cấu lại nợ công theo kế hoạch trung hạn, thì quy mô nợ công, bao gồm cả phần huy động để chi trả nợ gốc đến hạn sẽ có xu hướng giảm, nền tài chính quốc gia sẽ bền vững hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
LƯU HƯỜNG (thực hiện)
Cùng chuyên mục
Nền tài chính quốc gia sẽ ngày càng bền vững