Kiểm tra chuyên đề quản lý nợ, giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu

(BKTO) - Tổng cục Thuế đang tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; xử lý nợ tại một số cục thuế, chi cục thuế. Hoạt động này nhằm quyết tâm giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến thời điểm 31/12/2020 xuống dưới 5% tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Để áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người cố tình chây ỳ, Tổng cục Thuế sẽ rà soát, xử lý các doanh nghiệp nợ thuế lớn, thông báo danh sách doanh nghiệp nợ thuế để yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế đôn đốc ngay các khoản nợ mới phát sinh; kiên quyết công khai thông tin người chây ỳ nợ thuế, nộp không đúng hạn trên báo, đài, trang web cơ quan thuế, loa phát thanh của phường, xã theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế giao chỉ tiêu cụ thể đến từng bộ phận, lãnh đạo cục thuế, lãnh đạo các phòng, các chi cục thuế, các đội thuế, thậm chí đến từng cán bộ làm công tác quản lý nợ thuế.

“Cơ quan thuế các cấp phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; phổ biến, giải thích các quy định của pháp luật về nợ thuế cho người nộp thuế để nâng cao tính tuân thủ, khuyến khích tự nguyện, tự giác của người nộp thuế”, ông Đoàn Xuân Toản nói. Phía ngành thuế sẽ tiếp tục tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người dân và DN trong khi thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, giải quyết kịp thời các khoản nợ xấu, xử lý tiền chậm nộp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan, tạo điều kiện cho người nộp thuế đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả, từ đó giảm nợ đọng thuế.

Tổng cục Thuế cũng sẽ sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế sửa đổi, Thông tư hướng dẫn Nghị quyết số 94/2019/QH14 về xử lý nợ thuế như: Khoanh nợ, xóa nợ, gia hạn nộp thuế, không tính tiền chậm nộp, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng, không khai, minh bạch…

Theo Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM Lê Duy Minh: Cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu nợ cho từng phòng liên quan và từng chi cục thuế trực thuộc ngay từ đầu năm; đồng thời thực hiện giám sát, đôn đốc triển khai công tác thu nợ đúng quy trình, quy định. Song song đó, đơn vị cũng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp như phát hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp; rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân loại nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm xác định đúng số nợ; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những người nộp thuế cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.

Đồng thời tiến hành rà soát, hoàn thiện đầy đủ hồ sơ phân loại nợ khó thu phát hành trước ngày 1/7 không còn khả năng nộp NSNN để thực hiện khoanh tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94/2019/QH14; phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành liên quan trong việc đôn đốc thu, cưỡng chế nợ thuế và các khoản thu liên quan đến đất theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật để thu hồi nợ thuế.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Đoàn Xuân Toản cho hay: Số tiền thuế nợ đọng đến thời điểm cuối năm 2019 vẫn còn lớn, chủ yếu là do các khoản nợ không có khả năng thu hồi và các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp chiếm tới 71,4% tổng số tiền nợ thuế. Số nợ thuế, phí và nợ tiền đất chỉ còn chiếm 28,6% tổng số tiền nợ thuế. Tỷ lệ tổng nợ trên tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý đã giảm 0,4% so với năm 2018 nhưng tổng nợ trên tổng thu vẫn còn cao so với mục tiêu đặt ra là dưới 5%.

Nợ thuế tăng là do sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, mất khả năng thanh toán; tài sản đã thế chấp tại ngân hàng dẫn đến không nộp ngay, nộp kịp thời tiền thuế phát sinh vào NSNN.

“Bên cạnh yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, một bộ phận DN mới khởi nghiệp cũng gặp khó khăn về tài chính, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nhu cầu thị trường dẫn đến phát sinh nợ thuế mới. Một số người tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh do nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Khi kinh tế gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, mất khả năng thanh toán và chấm dứt hoạt động kinh doanh, tự giải thể, phá sản, bỏ khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không làm thủ tục giải thể theo quy định, cơ quan thuế đã cưỡng chế đến biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng vẫn không thu hồi được nợ thuế”, ông Đoàn Xuân Toản nói.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
Kiểm tra chuyên đề quản lý nợ, giảm nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu