Kết quả kinh doanh ấn tượng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khả quan hơn con số 12%

(BKTO)- Bất chấp một năm đầy khó khăn do dịch bệnh COVID-19, theo kết quả kinh doanh mới được công bố, các ngân hàng vẫn duy trì được mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020. Điều này khiến nhiều ý kiến nhận định tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ khả quan hơn với con số 12% do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.




                
   

Nhiều chuyên gia ngân hàng đặt kỳ vọng cao vào mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 - Nguồn: sưu tầm.

   

Nhiều ngân hàng báo lãi lớn trong 2020

Kết thúc năm 2020, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh. VietinBank báo lãi riêng lẻ trước thuế đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43%. Dư nợ tín dụng hợp nhất năm 2020 tăng 7,7% so với 2019. Nguồn vốn huy động tăng 11%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục cải thiện 15,5% so với năm 2019.

Vietcombank công bố lợi nhuận đi ngang đạt 23.000 tỷ đồng trước thuế dù đã dành hơn 3.700 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng này tăng trưởng tín dụng 13,95% trong năm qua, tương đương 110.000 tỷ đồng. Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,6% - thấp kỷ lục, giảm so với mức 0,78% của 2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 380%.

Riêng BIDV báo giảm lợi nhuận hợp nhất 16%, còn 9.017 tỷ đồng trong năm 2020. Ngân hàng này cho biết đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giảm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo định hướng, chỉ đạo của NHNN.

Đầu năm 2020, Phó Thống đốcthường trực Đào Minh Tú từng đề cập lợi nhuận tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, ở khối ngân hàng thương mại tư nhân, nhiều đơn vị báo lãi vượt kế hoạch, tăng trưởng cao. Đơn cử, MSB báo lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra. Tổng thu nhập thuần tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng.

TPBank báo lãi trước thuế tăng 11% đạt hơn 4.200 tỷ đồng, vượt 32% chỉ tiêu được cổ đông giao. Chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%. Chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần CIR ở mức 39,69%. Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,14%.

ACB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế 11 tháng đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. ABBank đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 101% kế hoạch lợi nhuận 2020. Trước đó, VIB báo lãi 4.560 tỷ đồng trước thuế sau 10 tháng, hoàn thành kế hoạch năm, vượt lợi nhuận cả năm 2019.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% là hợp lý

Theo báo cáo của NHNN, quý I/2020 tín dụng tăng chậm, chỉ tăng 1,3% so với cuối năm 2019 thì sang quý 2 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý 3 khởi sắc tăng 6,08% và đến 21/12/2020 đã tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. NHNN dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021 vừa được diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng đến hết năm 2020 đạt tới 12,13%.

Như vậy, chỉ trong 10 ngày, con số về mức tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm khoảng 2% khiến các chuyên gia ngân hàng đặt kỳ vọng cao trong năm 2021.

Mới đây,Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 01-CT/NHNN ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Chỉ thị 01 đề ra 5 mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của ngành Ngân hàng trong năm 2021. Mục tiêu xương sống nhất là điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Năm 2021, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Nhìn nhận về chỉ tiêu của ngành Ngân hàng trong năm 2021, giới chuyên gia đều đồng thuận rằng những mục tiêu mà NHNN đề ra đều tương đối hợp lý và có cơ sở khả thi.

Theo TS. Châu Đình Linh, con số tăng trưởng tín dụng khoảng 12% đặt trong tương quan lạm phát bình quân khoảng 4% là hợp lý. “Năm 2020, tăng trưởng tín dụng là 12,13% so với cuối năm 2019. Cá nhân tôi cho rằng mức tăng của năm 2021 thậm chí có thể vượt hơn 12%, nhưng việc cơ quan điều hành đặt mục tiêu khoảng 12% là có sự thận trọng, song đây là sự thận trọng phù hợp với tình hình thực tế, để có sự chủ động trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế”, TS. Linh phân tích và nhìn nhận: Việc điều hành CSTT năm 2021 dù có ở kịch bản nào thì mẫu số chung vẫn là đề cao sự thận trọng, các chỉ tiêu hay mục tiêu đặt ra còn phải dựa trên quan hệ thương mại với các quốc gia khác.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, GDP năm 2021 có thể tăng 6,5-7%, để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng này thì tín dụng tăng từ 10-12% là hợp lý.

Thông tin thêm về vấn đề này,Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.

Tuy nhiên, năm 2021, đại dịch COVID-19 nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường, các chuyên gia kinh tế cho rằng muốn ổn định tăng trưởng thời gian tới ngành ngân hàng cần phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh đó, ngân hàng cần kéo dài triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu. Đặc biệt kéo giảm lãi suất, để có điều kiện giảm lãi suất cho vay từ đó doanh nghiệp mới có động lực vay vốn.

Hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. NHNN đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại - ông Tú cho biết.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Kết quả kinh doanh ấn tượng, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khả quan hơn con số 12%