Hóa đơn điện tử - lợi nhiều mặt nhưng triển khai còn vướng mắc

(BKTO) - Theo tính toán, chi phí cho mỗi hóa đơn giấy khoảng 20.000 đồng, nhưng chi phí cho một hóa đơn điện tử chỉ từ 300 - 700 đồng. Việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế cho hóa đơn tự in, hóa đơn giấy giúp DN tiết kiệm tới 90% chi phí, đồng thời mang lại nhiều lợi ích như: tiết kiệm thời gian, phí vận chuyển, bảo quản, lưu trữ… Tuy nhiên, không phải DN nào cũng biết và sẵn sàng sử dụng.



Thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý

Tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhấn mạnh, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm tới 70% thời gian thực hiện các bước trong quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn. Đây là những con số có ý nghĩa lịch sử với DN.

Khi chuyển đổi sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, DN không phải chờ đợi chuyển phát nhanh, lo lắng tình trạng thất lạc hóa đơn, lại tiết kiệm chi phí giấy in, mực in, chuyển phát hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn, thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật, giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn. Việc sử dụng hóa đơn điện tử còn giúp DN giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Cùng với đó, DN không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế do phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng hóa đơn điện tử sử dụng.

Ngoài những lợi ích trên, theo ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), đối với các cơ quan quản lý thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên, qua đó góp phần tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đồng thời, sử dụng hóa đơn điện tử còn góp phần bảo vệ môi trường.

Còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn

Tuy nhiên, kết quả tổng hợp ý kiến từ các DN của VCCI cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khiến nhiều DN chưa mặn mà lựa chọn hóa đơn điện tử. Thứ nhất, đối với nhiều DN, chi phí áp dụng hóa đơn điện tử vẫn cao hơn nhiều so với chi phí DN tự in hóa đơn. Thứ hai, trên thực tế triển khai, các DN phải chủ động tìm kiếm nhà cung cấp hóa đơn điện tử đủ năng lực, đủ uy tín để tư vấn, hỗ trợ các thủ tục liên quan đến phát hành hóa đơn. Thứ ba, việc áp dụng hóa đơn điện tử đòi hỏi DN phải có một hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tốt, nhưng không phải DN nào cũng đáp ứng được. Thứ tư, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn điện tử chậm được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.

Tại Diễn đàn, các ý kiến từ phía DN, hiệp hội DN cho rằng, vấn đề còn vướng hiện nay chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Chẳng hạn, hiện vẫn chưa có quy định và đánh giá các đơn vị triển khai; quy định về ngày ký, ngày lập hóa đơn chưa rõ ràng; chưa có hướng dẫn cho các loại hóa đơn đặc biệt và các thông tư hướng dẫn cũng chậm được ban hành. Cùng với đó là sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý DN, gồm các cơ quan: thuế, kho bạc, bảo hiểm, quản lý thị trường.

Thừa nhận Nghị định số 51/2010/NĐ-CP (Nghị định 51) và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP (Nghị định 04) về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sau nhiều năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) - cho biết, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung ứng dịnh vụ. Theo đó, các DN và cơ quan thuế có thời hạn 24 tháng (kể từ ngày 01/11/2018 - 01/11/2020) chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để áp dụng hoá đơn điện tử và trong 24 tháng đó, Nghị định 51 và Nghị định 04 của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành.

Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Khơ Din - Tổng Thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử - nêu rõ, các cơ quan liên quan cần phối hợp đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN sử dụng hóa đơn điện tử; sớm ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về hóa đơn điện tử, trong đó quy định rõ việc lựa chọn đơn vị cung cấp, các vấn đề liên quan đến ngày ký, ngày lập hóa đơn… Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng theo từng giai đoạn cụ thể, tránh việc dồn thời điểm triển khai đồng loạt vào năm 2020.

Nhiều đại biểu cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước, một mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử để DN, người dân, đơn vị liên quan tiếp nhận thông tin đầy đủ, tường tận nhất; mặt khác cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo kết nối để tiếp nhận thông tin về hóa đơn điện tử từ DN, xây dựng cơ sở dữ liệu cho cơ quan thuế...
         
Tính đến tháng 7/2019, số DN đã đăng ký phát hành hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là 279 DN, gồm 128 DN tại Hà Nội, 118 DN tại TP. HCM, 33 DN tại Đà Nẵng. Trong đó, số DN đã xuất hóa đơn điện tử có mã là 255 (Hà Nội có 107 DN, TP. HCM 117 DN và Đà Nẵng 31 DN). Tổng số hoá đơn được xác thực là trên 8 triệu hoá đơn/255 DN và Tổng cục Thuế đã xác nhận số tiền khoảng 8.033,38 tỷ đồng. Đến ngày 22/7/2019, có 118.620 người nộp thuế đang hoạt động có thông báo phát hành hoá đơn điện tử. Đến ngày 30/6/2019, có 2,3 tỷ hoá đơn điện tử của người nộp thuế đang hoạt động đã được sử dụng.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 31 ra ngày 01-8-2019
Cùng chuyên mục
Hóa đơn điện tử - lợi nhiều mặt nhưng triển khai còn vướng mắc