Hà Nội dự kiến huy động 92.680 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp

(BKTO) - Hà Nội sẽ huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020).



                
   

Huyện Sóc Sơn từng ngày đổi thay nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Nguồn: hanoi.gov.vn

   

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Theo Kế hoạch, đến năm 2025, Thành phố phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội tăng cường sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hằng năm 2,5-3%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Thành phố cũng sẽ triển khai có hiệu quả Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Thành phố phấn đấu đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) trở lên; triển khai Đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội; mỗi huyện, thị xã xây dựng được ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu công nhận trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; có ít nhất 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể; 100% số làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường. Thành phố phấn đấu trên 80% hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Đối với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, Hà Nội phấn đấu thu nhập bình quân của nông dân đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Thành phố, 100% hộ dân được cung cấp nước sạch...

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, Hà Nội sẽ tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để đầu tư cho Chương trình số 04 giai đoạn 2021-2025 với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020). Trong đó, nguồn vốn NSNN đầu tư là 83.700 tỷ đồng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách là 8.980 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn trên, ngân sách Thành phố sẽ bổ sung cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố hằng năm khoảng 400 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi theo quy định đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, người lao động thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân trên địa bàn Thành phố./.
THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Hà Nội dự kiến huy động 92.680 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp