Giải quyết tranh chấp thương mại qua trọng tài Tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện

(BKTO) - Tranh chấp thương mại (TCTM), đặc biệt là các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc giải quyết các TCTM thông qua trọng tài với nhiều hình thức đảm bảo tính hiệu quả cao sẽ mang lại niềm tin cho DN cũng như góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước hấp dẫn.



Tranh chấp gia tăng

Năm 2017 và nửa đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện và thuận lợi hơn. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2017, xếp vị trí 68/190 nền kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh sự thu hút mạnh mẽ nguồn vốn, dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, môi trường đầu tư trong nước thời gian qua cũng gặp nhiều thách thức, khi các vụ việc TCTM có xu hướng gia tăng với các tranh chấp phổ biến liên quan đến vấn đề về thuế, ưu đãi quy định trong Giấy Chứng nhận đầu tư, hoạt động kinh doanh liên quan đến đầu tư...

Số việc TCTM được VIAC thụ lý năm 2017 tăng cao - Ảnh: VIAC

Dù chưa có thống kê chính thức về số vụ việc TCTM xảy ra mỗi năm, tuy nhiên, chỉ tính riêng số vụ tranh chấp được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thụ lý, thì con số này vào khoảng 150 vụ việc, với tổng trị giá lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Chưa kể, nhiều vụ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam được đưa ra trọng tài quốc tế. Điển hình là vụ việc nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong Dự án Bệnh viện quốc tế Thận và lọc thận tại TP. HCM và nhà đầu tư South Fork (Mỹ) kiện UBND tỉnh Bình Thuận... Đây là 2 vụ việc mà Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tiếp nhận đơn khởi kiện của nhà đầu tư và trải qua nhiều phiên xử, trước khi phán quyết Việt Nam giành phần thắng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, nhiều vụ kiện Việt Nam mặc dù đã được giải quyết, hoặc giành phần thắng, nhưng cũng để lại những bài học đắt giá trong quá trình tìm kiếm, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo GS,TS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và pháp lý ASEAN - tương lai Việt Nam sẽ phải làm việc với rất nhiều nhà đầu tư lớn và xung đột lợi ích là điều khó tránh khỏi, do đó, trong mỗi dự án sẽ phải tránh những sơ hở phát sinh. Vì thế, việc lựa chọn, đánh giá năng lực chủ đầu tư và thường xuyên theo dõi quá trình triển khai dự án là điều kiện tiên quyết để hạn chế tiêu cực.

Tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Trên thực tế, các vụ việc tranh chấp xảy ra, nhưng không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Theo Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch VIAC Vũ Ánh Dương, Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều các hiệp định song phương và đa phương nên việc theo dõi và áp dụng các quy trình, thủ tục giải quyết TCTM cũng khó khăn hơn. Nhiều hiệp định cho phép nhà đầu tư hoặc cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích liên quan được kiện Chính phủ trong các hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong khi trình độ giải quyết tranh chấp vẫn là hạn chế chung của các cơ quan quản lý.

Trước đó, tại Hội thảo phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế do Bộ Tư pháp tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các DN. Trong đó có việc minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn các phương thức cũng như hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.

Cũng theo Tổng Thư ký VIAC, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, thủ tục linh hoạt, thân thiện. Tại Việt Nam, những năm gần đây, phương thức này trở nên gần gũi hơn với DN, trở thành niềm tin và chỗ dựa công lý cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, đại diện VIAC cũng thừa nhận ảnh hưởng của trọng tài đến với cộng đồng, DN còn hạn chế. Một phần nguyên nhân là do quy định pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này còn mới mẻ, dẫn đến nhìn nhận của xã hội đối với trọng tài thương mại còn chưa đầy đủ.

Theo đó, đại diện VIAC và nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật về trọng tài, Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích phát triển trọng tài và có chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của phương thức này. Bên cạnh đó, tổ chức trọng tài cần tiếp tục hoàn thiện mình, có cơ chế giải quyết tranh chấp một cách linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam...

GS,TS. Lê Hồng Hạnh phân tích, tòa án và trọng tài là 2 phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến hiện nay. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, phương thức trọng tài có xu hướng được lựa chọn hơn, bởi đây là tổ chức độc lập, không phải là cơ quan trong bộ máy nhà nước. Do đó, theo GS,TS. Hạnh, cùng với tòa án, VIAC cần đảm bảo tốt hơn nữa vai trò hòa giải, giải quyết các vụ việc tranh chấp, góp phần minh bạch hóa hệ thống pháp luật về xử lý tranh chấp.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 27+28 ra ngày 10/7/2018
Cùng chuyên mục
  • Ngành hải quan sẽ nâng cấp hệ thống quản lý nộp thuế điện tử 24/7
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Sau 8 tháng triển khai, Đề án Nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu giao dịch, nộp tiền của DN. Tuy nhiên, số thuế thu được qua hệ thống này vẫn còn khiêm tốn so với tổng số thu thuế xuất, nhập khẩu của toàn ngành hải quan. Để Đề án này được triển khai rộng rãi và hiệu quả hơn, tới đây, ngành hải quan sẽ gia tăng tiện ích cho hệ thống để DN có thể nộp thuế mọi nơi, mọi lúc, trên mọi phương tiện.
  • Quản lý và đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội an toàn, hiệu quả
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Cùng với việc tăng cường thanh, kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH), việc nghiên cứu, mở rộng, đa dạng hoá các hình thức đầu tư Quỹ là yêu cầu đang được đặt ra nhằm tăng khả năng sinh lời Quỹ một cách an toàn, hiệu quả.
  • Tăng thuế giá trị gia tăng  sẽ kéo theo nhiều hệ lụy
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Bộ Tài chính hiện đang trong quá trình đề xuất Dự thảo Luật Sửa đổi về thuế giá trị gia tăng (VAT) mà theo đó thuế VAT sẽ tăng trên hầu hết các mặt hàng từ ngày 01/01/2019. Các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu “Đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” đang bày tỏ quan ngại về những hệ lụy của việc tăng thuế VAT gây ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, tác động lên mức sống của các hộ gia đình cũng như doanh thu của các nhà sản xuất, đặc biệt là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa ổn định và khu vực kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh.
  • Kiểm toán dự toán NSNN: Cần đặc biệt quan tâm đến khâu phân bổ ngân sách
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Vừa qua, ông Phạm Đình Cường - Chuyên gia Dự án USAID GIG, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) - đã có buổi làm việc với các kiểm toán viên của KTNN nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về kiểm toán dự toán NSNN. Phóng viên Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với ông về những nội dung quan trọng của buổi làm việc.
  • ADB hỗ trợ hơn 223 triệu USD phát triển các đô thị xanh tại 3 tỉnh
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Hôm nay (06/7), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và UBND các tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế đã ký kết các hiệp định dự án với tổng giá trị 223,87 triệu USD cho Dự án Phát triển các đô thị xanh.
Giải quyết tranh chấp thương mại qua trọng tài Tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện