FED cắt giảm lãi suất - cơ hội thu hút vốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam

(BKTO) - Cuộc họp chính sách tháng 7/2019 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã kết thúc vào ngày 01/8 (theo giờ Việt Nam) với kết quả là lần đầu tiên FED cắt giảm lãi suất 0,25% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ mức 2,25 - 2,5% về mức 2 - 2,25%. Động thái này được đánh giá là sẽ mở ra cơ hội thu hút vốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.



Việc cắt giảm lãi suất đã được nhiều nhà đầu tư dự báo

Thông thường, trước áp lực kinh tế suy giảm, ngân hàng trung ương (NHTW) các nước trên thế giới sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng. Nếu kinh tế rơi vào khủng hoảng sâu và kéo dài, các động thái cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra nhanh và dồn dập trong một thời gian ngắn. Theo quan sát, trong quá khứ, FED thường chỉ cắt giảm mạnh lãi suất và liên tiếp khi nền kinh tế có các dấu hiệu: GDP của Mỹ tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng, bảng lương phi nông nghiệp dưới mức 100.000 việc làm/tháng hay các điều kiện tài chính ở trạng thái thắt chặt.

Xét trong bối cảnh hiện tại, việc tham chiếu theo những chỉ báo trên cho thấy, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn chưa rơi vào trạng thái quá “nguy hiểm”. GDP quý II của nước này tăng 2,2%, chậm lại so với mức 3,1% trong quý I, nhưng chưa đến mức chính thức bước vào pha suy giảm (được định nghĩa là GDP tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp). Ngoài ra, một số tín hiệu cảnh báo sớm về khả năng kinh tế Mỹ bước vào pha suy giảm là tỷ lệ thất nghiệp và chênh lệch lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm hiện cũng chưa hoàn toàn rõ ràng.

Bởi vậy, quyết định cắt giảm lãi suất của FED có tính chất như một hành động mang tính đi trước nhằm ngăn chặn những dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế trong tương lai, thay vì chịu áp lực phải cắt giảm lãi suất nhanh và mạnh ngay lập tức trong hiện tại để chống đỡ lại đà suy giảm. Thêm vào đó, lạm phát thấp (dưới mức mục tiêu 2% của FED) và đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giữa kỳ hạn 3 tháng và 10 năm (không phải giữa kỳ hạn 2 năm và 10 năm vốn thường được tham chiếu để dự báo khủng hoảng) đang ở trạng thái đảo ngược cũng là những nhân tố để FED cắt giảm lãi suất trong thời điểm hiện tại.

Trên thực tế, việc cắt giảm lãi suất lần này đã gần như hoàn toàn nằm trong kỳ vọng của giới đầu tư trước đó. Kể từ đầu tháng 7/2019 cho đến nay, quá trình theo dõi tỷ lệ kỳ vọng của nhà đầu tư đối với việc FED cắt giảm lãi suất cho thấy, tỷ lệ này liên tục duy trì ở mức cao (trên 80%). Bởi vậy, quyết định cắt giảm lãi suất của FED tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư gần như không nhiều. Thậm chí, những phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ còn giảm mạnh sau quyết định này.

Theo chia sẻ của Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, việc cắt giảm lãi suất lần này không phải là sự bắt đầu của một chuỗi dài cắt giảm lãi suất. Mặc dù ông Powell không nói việc cắt giảm lãi suất chỉ diễn ra 1 lần nhưng những thông điệp trên đã phần nào đi ngược với kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường là sẽ có thêm những lần cắt giảm lãi suất nữa từ FED. Đây được xem là nguyên nhân chính đẩy thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau quyết định của FED.

Cơ hội thu hút vốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Việc FED cắt giảm lãi suất và có quan điểm nới lỏng hơn trong chính sách tiền tệ sẽ giúp giá trị đồng USD trở nên ổn định, không tăng giá mạnh. Khi đồng USD không tăng giá sẽ có tác động tích cực đến giá trị đồng tiền của các nước thuộc thị trường mới nổi. Năm 2018, trong 3 lần FED tăng lãi suất, giá trị đồng USD đã tăng rất mạnh khiến cho giá trị các đồng bản tệ của các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi giảm mạnh, đặc biệt là những nước có vay nợ nước ngoài lớn. Điều này đã dẫn tới hiện tượng rút vốn ồ ạt ra khỏi thị trường mới nổi trong suốt 9 tháng đầu năm 2018, khiến thị trường chứng khoán tại các khu vực này giảm sâu.

Trong bối cảnh hiện nay, việc FED hạ lãi suất có thể tạo ra làn sóng giảm lãi suất tại NHTW các nước lớn. Động thái này giúp tạo ra sự ổn định của đồng bản tệ các nước so với đồng USD, từ đó hỗ trợ xuất khẩu và kích thích nền kinh tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư tại các quốc gia này có thể tiếp cận dòng tiền giá rẻ và sẽ có dòng tiền mua ròng vào thị trường chứng khoán các nước thuộc nhóm thị trường mới nổi cũng như thị trường cận biên.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, dù giao dịch của thị trường khá trầm lắng nhưng giá trị mua ròng của khối ngoại vẫn đạt trên 12.000 tỷ đồng. Bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, cùng với việc thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi chính là những nguyên nhân tạo ra sự hấp dẫn của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này còn có thể tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm, khi môi trường lãi suất được nhiều NHTW lớn điều hành theo hướng thấp hơn. Trong thời gian tới, dòng vốn ngoại có thể là điểm nhấn chính cho thị trường, tuy nhiên, điều này chưa đồng nghĩa với sự bứt phá mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán. Trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, như: tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc vẫn dai dẳng…, thì thị trường chứng khoán có lẽ vẫn cần thêm nhiều thời gian để tích lũy trước khi quay trở lại đà tăng.

PHẠM DŨNG
Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo Báo Kiểm toán số 32 ra ngày 08-8-2019
Cùng chuyên mục
FED cắt giảm lãi suất - cơ hội thu hút vốn cho thị trường chứng khoán Việt Nam