Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả

(BKTO)- Mặc dù lãi suất cho vay đã hạ thấp, nhưng trên thực tế còn khá nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Khó tiếp cận nguồn vốn

Hiện nay, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng đã và đang phát huy hiệu quả giúp DN ổn định sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế còn khá nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Nhiều DN cho biết, khó có thể tiếp cận được nguồn vốn vay chính thống và chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, việc tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế. Các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường phải chịu chi phí vay đắt đỏ hơn so các DN vừa và lớn. Đáng lưu ý là DN sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn còn phiền hà, phức tạp.

Cũng theo TS. Mạc Quốc Anh -Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội:Tài sản đảm bảo của các DN còn đang bị định giá rẻ hơn trong bối cảnh dịch bệnh. Nếu như trước kia, DN vay vốn có thể được đối ứng 30-70 với ngân hàng, nghĩa là DN có tài sản đảm bảo đối ứng giá trị 30% khoản vay thì ngân hàng cho vay 70%, nhưng bây giờ khoản đối ứng đã lên 50-50, thậm chí xuống 70-30.

“Hiện các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay xuống mức rất thấp, chỉ 5-6%/năm, nhưng quan trọng là độ hấp thu của DN rất khó khăn. Tình trạng này xuất phát từ cả hai phía ngân hàng và DN. Các ngân hàng cũng là DN, cũng phải kinh doanh thu lợi nhuận, lấy kinh phí nuôi đội ngũ nhân viên, máy móc, chưa kể phải đảm bảo an toàn tài chính cho cả hệ thống. Nên trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì đại dịch, các ngân hàng tăng cường phòng tránh rủi ro cũng là điều khó tránh khỏi”, ông Mạc Quốc Anh cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế diễn biến bình thường, các DN không còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, với nhiều doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ thì điều kiện để được ngân hàng cho vay vẫn chưa thể đáp ứng được.

Cần nới điều kiện cho vay

Các DN luôn kỳ vọng lãi suất cho vay càng thấp càng tốt để hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, lãi suất cho vay còn chịu tác động điều chỉnh của các yếu tố khác nữa, như kỳ vọng lạm phát, lãi suất đầu vào, mức độ rủi ro của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, chi phí giao dịch. Cả bốn yếu tố này đều đang ở mức cao hơn so khu vực và thế giới, nên mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn nhỉnh hơn so khu vực.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, DN và NH luôn phải ngồi lại với nhau để có sự thấu hiểu, tạo điều kiện cho nhau, cùng nhau giảm rủi ro trong cung ứng vốn. Nếu trong bối cảnh kinh tế diễn biến bình thường, các DN đã không còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, với nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ thì điều kiện để được NH cho vay vẫn chưa thể đáp ứng được. Thứ nhất, về phương án kinh doanh, nhiều DN chưa thể đưa ra phương án kinh doanh khả thi, giảm thiểu rủi ro. Nhiều DN trước đây tập trung vào thị trường xuất khẩu, nhưng do dịch bệnh nên giao thương bị hạn chế, các DN phải chuyển sang tập trung chủ yếu vào thị trường nội địa, kinh doanh thu hẹp, đối tác bị hạn chế nên phương án kinh doanh của DN không đủ sức hấp dẫn cho NH giải ngân. Thứ hai, không ít DN không còn tài sản bảo đảm do đã mang ra vay nợ trong thời gian trước, nên gặp khó với các khoản vay mới.

Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2021 cải thiện hơn so năm trước ở mức từ 12 - 13%, do các hoạt động kinh tế - xã hội được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn, nhất là khả năng chống chịu những cú sốc của các NH ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng kinh doanh tốt hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng kiểm soát dịch bệnh của thế giới và Việt Nam, hiệu quả của các gói hỗ trợ, sự hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch gồm cả khâu sản xuất, phân phối vaccine và mức độ khôi phục kinh tế của các nước trên thế giới. Hiện, các cơ quan liên quan, hiệp hội ngành nghề vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối NH - DN. Tuy nhiên, các chương trình này cơ bản vẫn là cung cấp thông tin, giải pháp ở tầm vĩ mô. Còn để hiệu quả đến từng DN thì bản thân NH và DN phải ngồi lại với nhau, tháo gỡ khó khăn cho nhau, đưa ra hồ sơ chi tiết cụ thể, đưa ra điều kiện khoản vay, lãi suất… để giúp nhau cùng đáp ứng.

Về vấn đề này, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng: Trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế, NHNN sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Trong đó, lưu ý các dự án trọng điểm, hiệu quả, có sức lan tỏa. NHNN định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Ðồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động NH.

Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho hay, việc tái bùng phát của đại dịch của Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khốn đốn. Trong giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng. Bởi thông qua nguồn vốn đó có thể giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay hiệu quả