Doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai và biến đổi khí hậu

(BKTO) - Cuộc điều tra DN có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã cho kết quả, có tới 54% DN cho biết họ đã bị gián đoạn sản xuất kinh doanh do tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, tỷ lệ DN bị suy giảm năng suất lao động và suy giảm doanh thu do thời tiết khắc nghiệt đều ở mức 51%.




Tác động của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu đối với DN

Doanh nghiệp hứng chịu không ít tác động

Qua phản hồi của 10.356 DN (hơn 8.700 DN tư nhân trong nước và gần 1.600 DN FDI) đang hoạt động ở 63 tỉnh, thành phố, 46% DN đã bị gián đoạn kênh vận chuyển; 44% DN bị tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Không ít DN bị tác động tương đối nhiều/rất nhiều trên khía cạnh mạng lưới phân phối bị đình trệ (38%), giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ (37%), thiệt hại cơ sở vật chất (34%) và thiếu hụt nhân lực (33%). Tương tự, có 33% DN chịu tác động tương đối nhiều/rất nhiều của việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu sản xuất.

Phản ánh đúng thực trạng, kết quả khảo sát nêu rõ, các DN vùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng còn lại. Phân tích về những tác động cụ thể của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên DN theo lĩnh vực sản xuất kinh doanh cho thấy, các DN trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phải chịu tác động lớn nhất.

Khảo sát về tác động cộng gộp của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lên các hoạt động cụ thể của DN chỉ ra rằng, những DN mới đi vào hoạt động là nhóm chịu tác động nhiều hơn. Theo đó, những DN hoạt động dưới 3 năm là nhóm bị tác động nhiều nhất, kế đến là các DN đã hoạt động từ 3 - 5 năm. Khi số năm hoạt động tăng thì mức độ tác động có giảm đi, song kết quả điều tra nêu rõ, kể cả với nhóm có số năm hoạt động từ 20 năm trở lên, mức độ tác động vẫn là tương đối lớn.

Trong số 7.643 DN cung cấp thông tin về tổng số ngày bị gián đoạn hoạt động do các hiện tượng rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu trong năm 2019, trung bình số ngày DN bị gián đoạn hoạt động lên tới 16 ngày, một số DN bị gián đoạn tới trên 100 ngày (chiếm 1,5% DN trả lời), cá biệt có một vài DN bị gián đoạn hoạt động tới gần nửa năm. Đồng thời, trong số 6.225 DN cung cấp thông tin về tổng giá trị tổn thất trong năm 2019 do các hiện tượng của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, thông thường các DN bị thiệt hại khoảng 20 triệu đồng; tuy nhiên, có gần 100 DN bị thiệt hại trên 1 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,6% số DN cung cấp thông tin.

Trong thách thức có cơ hội cho doanh nghiệp

Điểm tích cực được ghi nhận là nhiều DN đã nhận thức được tính cần thiết của việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua nhiều giải pháp. Đáng chú ý, 44,5% DN cho biết họ đang sử dụng một loại sản phẩm bảo hiểm nhất định để phòng ngừa rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Loại sản phẩm phổ biến mà các DN đang sử dụng là bảo hiểm cơ sở vật chất, máy móc và hàng hóa. Có tới 86% DN đánh giá sản phẩm bảo hiểm họ đã mua là hữu ích.

Bên cạnh đó, các DN không chỉ nhận thấy biến đổi khí hậu tạo ra những thách thức mà còn đem lại cơ hội cho DN thúc đẩy tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, góp phần phát triển thương hiệu của DN. Theo tính toán từ kết quả điều tra, trung bình các DN sẵn sàng chi trả tới 7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường; chi trả 7,44% chi phí hoạt động để cải thiện mức độ tuân thủ các quy định.

Báo cáo “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Quỹ châu Á tại Việt Nam và sự hỗ trợ của Quỹ UPS (Mỹ) thực hiện, công bố không chỉ đưa ra kết quả khảo sát mà còn khuyến nghị các hàm ý chính sách cho các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng các giải pháp khuyến khích DN gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường. Theo đó, Báo cáo nêu rõ, yếu tố chất lượng lao động tại địa phương, chất lượng môi trường kinh doanh và mức độ tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư sản xuất xanh của DN. Báo cáo khuyến khích sử dụng thêm các công cụ như xếp hạng DN về mức độ bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng DN vào nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu và DN là chủ thể quan trọng của nỗ lực thích nghi với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Chúng ta đang ở trong thời điểm mà cách hành xử với môi trường sẽ có ý nghĩa quyết định đến tương lai của chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Do đó, chúng ta kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các cơ quan Chính phủ cũng cần nâng cao chất lượng thực thi các quy định pháp luật để những chính sách liên quan đến ứng phó rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống.

Về phía các DN, cần thiết phải có sự liên kết, hợp tác và có tiếng nói về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Các DN cần bỏ tư duy “chưa đến lúc” đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cần thực hiện ngay những hành động bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất.
PHÚC KHANG
Cùng chuyên mục
Doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi thiên tai và biến đổi khí hậu