Điều hành chính sách tiền tệ - bài toán cần có lời giải phù hợp

(BKTO) - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại khi số người nhiễm bệnh gia tăng mạnh ở một vài quốc gia. Dịch bệnh khiến nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đứng trước nguy cơ sụt giảm. Trong bối cảnh đó, bài toán về điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) đã được đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).



Thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ

CSTT là một trong những yếu tố quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, giúp duy trì sự ổn định và kích thích tăng trưởng kinh tế. Ở mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau, dựa trên nhiều yếu tố, ngân hàng T.Ư các nước có những định hướng điều hành cho phù hợp. Đối với Việt Nam, thời gian qua, công tác điều hành CSTT của NHNN đã góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vững chắc và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, năm 2020, mục tiêu này đang gặp nhiều thách thức.

Hiện tại, mặc dù Việt Nam kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường ở một số quốc gia vốn là những đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam. Điều này đang đặt ra áp lực đối với các hoạt động của nền kinh tế. Thực tế, một số ngành, lĩnh vực đã chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh như: giao thông vận tải, du lịch, xuất khẩu nông sản…

Riêng lĩnh vực ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam dự báo, dịch Covid-19 sẽ khiến cầu tín dụng giảm, đặc biệt là trong quý I và quý II/2020; nợ xấu tiềm ẩn tăng khi các DN, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, theo số liệu của NHNN, đến nay, 23 tổ chức tín dụng (TCTD) đã báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Đáng lưu ý, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước. Tuy nhiên, CPI tháng 02 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 lần lượt tăng 5,4% và 5,91% so với cùng kỳ năm trước, đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Lạm phát cơ bản tháng 02/2020 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, để đối phó với tác động của dịch bệnh và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, một số nước châu Á đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ như cắt giảm lãi suất, đưa ra các gói cứu trợ lớn.

Thận trọng, không nôn nóng để có bước đi phù hợp

Trước diễn biến khó lường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, Công ty Chứng khoán MB nhận định, ảnh hưởng từ dịch bệnh có thể là cơ sở để NHNN nới lỏng hơn CSTT. TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cũng cho rằng, nền kinh tế năm nay gặp nhiều thử thách hơn năm ngoái do tác động của dịch Covid-19 và các khủng hoảng khác trên thế giới. Vì thế, một chính sách nới lỏng là cần thiết, trong đó có việc giảm lãi suất, đưa ra các gói hỗ trợ một số đối tượng của nền kinh tế.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín - CEO Trường Doanh nhân Bizlight - phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi dịch bệnh, việc NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, khách hàng có ý nghĩa quan trọng. Mặt khác, nới lỏng CSTT có thể tác động đến lạm phát, nhưng nhu cầu của xã hội đang rất thấp, sức mua yếu; do đó, vấn đề lạm phát không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lại tỏ ra thận trọng với đề xuất nới lỏng CSTT. PGS,TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng Khoa Tài chính, ĐH Kinh tế TP. HCM - cho rằng, về lý thuyết, giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ là nhằm khuyến khích chi tiêu, tạo động lực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ tăng tổng cầu. Nhưng thực tế hiện nay, người dân giảm chi tiêu, hạn chế mua sắm và du lịch không phải vì hàng hóa đắt đỏ mà bởi dịch bệnh. Vì vậy, biện pháp này khó mang lại hiệu quả.

Thực tế cho thấy, nới lỏng tiền tệ quá mức dễ dẫn đến rủi ro, lạm phát và các mặt trái khác. Đơn cử, năm 2009, việc áp dụng chính sách này để kích cầu đã từng khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng, đồng tiền mất giá, lạm phát cao. Do đó, PGS,TS. Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị, trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng tăng lên hiện nay, Việt Nam không nên đặt thêm gánh nặng thúc đẩy tăng trưởng cho CSTT.

Mặt khác, theo các chuyên gia, hiện tại, kênh mua/bán ngoại tệ đã kém thuận lợi, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng cũng khó thực hiện do các ngân hàng vẫn đang gặp trở ngại về thanh khoản. Mặt bằng lãi suất trên thị trường cũng đang ở mức thấp, dư địa để nới lỏng tiền tệ không còn nhiều. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế còn có thể được hỗ trợ bởi các giải pháp tháo gỡ những rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công…

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng - nhấn mạnh: “Chúng ta không nôn nóng thắt chặt CSTT để xử lý vấn đề lạm phát nhưng cũng không chủ quan trước áp lực lạm phát. Quan điểm điều hành CSTT là thận trọng nhưng phải phù hợp, không làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, phải giữ nền tảng ổn định vĩ mô để đảm bảo tăng trưởng không chỉ cho năm nay mà còn tăng trưởng bền vững hơn”.

Như vậy, mục tiêu tối thượng của CSTT vẫn là đảm bảo ổn định vĩ mô. Đây là bài toán đòi hỏi nhà điều hành phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đưa ra lời giải phù hợp..
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Điều hành chính sách tiền tệ - bài toán cần có lời giải phù hợp