Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng theo tháng và giờ từ ngày 1/7

(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất từ ngày 01/7, lương tối thiểu vùng theo tháng tăng thêm 6% so với mức hiện hành và lương tối thiểu theo giờ gồm 4 mức, tương ứng với 4 vùng.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu, áp dụng với lao động làm việc theo hợp đồng trong DN đang được Bộ LĐ-TB&XH đưa ra lấy ý kiến 29 bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội.

Theo đề xuất tại Dự thảo, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6% so với mức hiện hành (tương ứng tăng từ 180 nghìn đồng - 260 nghìn đồng) từ ngày 01/7.

Nếu được thông qua, lương tối thiểu tháng vùng I là 4,68 triệu, vùng II 4,16 triệu, vùng III 3,64 triệu và vùng IV là 3,25 triệu đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, mức điều chỉnh này có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và DN, vừa cải thiện đời sống cho người lao động, vừa bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của DN. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Đáng lưu ý, lần đầu tiên mức lương tối thiểu giờ được đề xuất gồm 4 mức, tương ứng với 4 vùng như sau: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II 20.000 đồng/giờ, vùng III 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đây là quy định mới nhằm triển khai Bộ luật Lao động năm 2019. Các mức lương tối thiểu giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động.

Việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện ở nước ta, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong DN.

Cách xác định mức lương tối thiểu giờ được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị đối với Việt Nam.

Với người lao động làm việc linh hoạt cho các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê... việc dùng lương tối thiểu tháng làm căn cứ thỏa thuận trả lương theo ngày, giờ, tuần đang cứng nhắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động.

Do đó, quy định lương tối thiểu giờ sẽ giúp mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm lao động làm công việc linh hoạt, bán thời gian.

Loại hình khác như lương theo tuần, ngày, sản phẩm hoặc lương khoán sẽ do DN lựa chọn quy đổi sang mức lương tháng hoặc giờ, đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc giờ.

DN không cần thay đổi hình thức trả lương mà chỉ quy đổi ra mức lương tháng hoặc giờ để đối chiếu, kiểm chứng độ tuân thủ quy định của Chính phủ.

Trước đó, ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp và đi đến thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 01/7/2022.

Nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại DN (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.
THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng theo tháng và giờ từ ngày 1/7