Để dữ liệu trở thành “tài sản chiến lược” của các ngân hàng

(BKTO) - Dữ liệu và quản trị dữ liệu đóng vai trò quan trọng đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế. Đặc biệt, với ngân hàng - một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu xu hướng chuyển đổi số - quản trị dữ liệu trở thành vấn đề sống còn. Tuy vậy, nhiều ngân hàng vẫn chưa định hình được rõ nét giá trị của “tài sản chiến lược” này.




Quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: V.Tuân

Ngân hàng Việt đang trong giai đoạn đầu của lộ trình quản trị dữ liệu

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, các ngân hàng trên thế giới đã nhận biết được tiềm năng, sức mạnh to lớn của dữ liệu và chủ động nắm bắt cơ hội tận dụng được nguồn năng lượng này. Nhiều ngân hàng đã thực hiện tốt việc thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu một cách thông minh trên cơ sở các công nghệ mới.

Tại Việt Nam, khảo sát của PwC với 33 đại diện lãnh đạo ngân hàng thương mại cho thấy, 88% đồng ý rằng quản trị dữ liệu là nền tảng cơ sở để các ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển ngân hàng số và khả năng phân tích nâng cao… Hiện nay, một số ngân hàng Việt Nam đã thành lập các bộ phận quản lý dữ liệu chuyên biệt, có giải pháp công nghệ để thực hiện quản lý dữ liệu hiệu quả như: Ngân hàng Thương mại (TMCP) cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam…

Còn theo khảo sát tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước, 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung và 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số. Khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro...

Các chuyên gia cho rằng, việc quản lý dữ liệu hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thông qua đó, các ngân hàng có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường, giúp công tác kiểm toán nội bộ và kiểm tra giám sát tuân thủ được hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của lộ trình triển khai quản trị dữ liệu toàn ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng hiểu giá trị của dữ liệu nhưng việc coi dữ liệu là “tài sản chiến lược” chưa được định hình rõ nét, dẫn đến chưa hình thành được văn hóa sử dụng dữ liệu trong hoạt động kinh doanh.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nguyên nhân một phần là do môi trường pháp lý thay đổi tương đối nhanh như: yêu cầu về bảo mật thông tin khách hàng; quy định về các dịch vụ mới như: eKYC (định danh khách hàng trực tuyến), P2P (cho vay ngang hàng); phát triển tiền kỹ thuật số… Bên cạnh đó, quy mô và chất lượng dữ liệu chưa đủ lớn và tốt, đội ngũ lãnh đạo am hiểu về dữ liệu và nghệ thuật kinh doanh còn hạn chế.

Mở khóa dữ liệu để cải thiệntrải nghiệm khách hàng

Để dữ liệu trở thành “tài sản chiến lược” của các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu lớn và thông minh; có các chính sách, quy định an toàn bảo mật thông tin, an ninh mạng; xây dựng bộ máy, chuyên gia, tăng chất lượng nhân sự công nghệ thông tin, bao gồm cả quản lý rủi ro công nghệ và an ninh mạng…

Chia sẻ tại Hội thảo Banking Tech Việt Nam 2020, ông Đỗ Danh Thanh - Giám đốc Bộ phận Tư vấn công nghệ của PwC Việt Nam - cho rằng, tương lai gần sẽ hình thành một tập khách hàng mới - khách hàng số. Khi đó, hệ thống ngân hàng buộc phải chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang khách hàng và tập trung nhiều vào vấn đề trải nghiệm để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Như vậy, quản trị dữ liệu thông minh cần được đề cập như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng Việt Nam.

Nghiên cứu của Deloitte chỉ rõ, để duy trì tính cạnh tranh, các ngân hàng cần ưu tiên quản lý dữ liệu và phát huy hết tiềm năng của nó. Nền tảng dữ liệu khách hàng cần ghi lại và theo dõi hành vi trực tuyến của khách hàng trên các thiết bị trong thời gian thực, thu thập thông tin chi tiết về đường dẫn dữ liệu của khách hàng và được bổ sung thông qua các hệ thống khác như: lịch sử cuộc gọi, mua sắm, thông tin nhân khẩu học. Qua đó, ngân hàng sẽ có cái nhìn toàn diện về khách hàng, tạo nền tảng cho trải nghiệm khách hàng đa kênh.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố con người - dữ liệu cảm xúc. Theo các chuyên gia của Deloitte, các ngân hàng phải xác định, nắm bắt và mở khóa tập dữ liệu này thông qua việc lắng nghe, tìm hiểu các cột mốc quan trọng như: kết hôn, bắt đầu kinh doanh hoặc mua nhà... của khách hàng. Việc này giúp ngân hàng có khả năng nhìn xa hơn những điều hiển nhiên trước mắt và cải thiện hiệu quả trải nghiệm khách hàng.

Đồng thời, khi bắt đầu lắng nghe và kết hợp với công nghệ, các ngân hàng sẽ hiểu nhu cầu của khách hàng và xác định cách thức, thời gian tốt nhất để tương tác với từng khách hàng, ngay cả trước khi khách hàng biết họ muốn gì. Tiếp thị tự chủ có thể giúp các ngân hàng tạo phân khúc khách hàng, tự động hóa việc ra quyết định và quản lý trải nghiệm phù hợp cho từng phân khúc.

Năm 2021 và xa hơn nữa, sự cạnh tranh sẽ rất gay gắt buộc các ngân hàng phải điều chỉnh chiến lược của mình, ưu tiên cho kỹ thuật số và trải nghiệm của khách hàng. “Chỉ bằng cách hiểu thêm về khách hàng thông qua dữ liệu và chuẩn bị sẵn sàng hành động dựa trên thông tin chi tiết, các ngân hàng mới có thể tạo sự khác biệt một cách bền vững” - các chuyên gia của Deloitte nhận định.

THÙY LÊ
Cùng chuyên mục
Để dữ liệu trở thành “tài sản chiến lược” của các ngân hàng