Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi

(BKTO) - Việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay ODA đang diễn ra với tiến độ rất chậm. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần nhận diện thẳng thắn, khách quan về các nguyên nhân để tìm giải pháp thực hiện giải ngân ở mức cao nhất.



Quá nhiều lý do dẫn đến chậm giải ngân

Bộ Tài chính cho biết: Vài năm gần đây, việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có tiến độ rất chậm. Tính cả 3 năm từ 2016 đến 2018, tổng số vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được Quốc hội giao là 184.033 tỷ đồng, trong đó, Chính phủ đã giao 175.188 tỷ đồng; tổng vốn đã thực hiện mới đạt 137.176 tỷ đồng, bằng 74,53% dự toán được Quốc hội giao. Ước từ đầu năm nay đến ngày 31/8/2019, việc giải ngân mới chỉ thực hiện được 6.480 tỷ đồng trong tổng số 60.000 tỷ đồng được Quốc hội giao, chỉ đạt 10,7% kế hoạch. Trên thực tế, có 35 Bộ, ngành, địa phương chưa giải ngân; nhiều Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Bộ Y tế với 4,8%, tỉnh Quảng Ninh với 0,5%, Quảng Nam 2,3%, Hưng Yên 8,3%...

Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết: Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này của Bộ mới đạt 25% kế hoạch là do thiếu vốn đối ứng. Tình trạng giải ngân chậm còn do việc giao vốn triển khai rất chậm, từ tháng 01 đến tháng 3 hằng năm chỉ làm kế hoạch, đến quý III mới giải ngân vốn ODA. Hơn nữa, thủ tục thẩm định thiết kế dự án cơ sở và thiết kế dự án thi công cũng mất hơn 1 năm mới xong, dự án nào nhanh cũng phải mất 8 tháng. Có gói thầu thiết bị từ khi mời thầu đến khi giải ngân mất cả năm.

Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết: Theo kế hoạch năm 2019, Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được giao 3.274 tỷ đồng, tuy nhiên, đến cuối tháng 8 mới giao được 1.104 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch. Năm 2019, Dự án Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được giao 393 tỷ đồng nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được 18,4 tỷ đồng, đạt 5% kế hoạch...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân chủ yếu của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm là do: việc giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm và thiếu so với nhu cầu; việc phân bổ vốn chưa sát với thực tế; quá trình điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thêm: Hiện còn nhiều dự án cần điều chỉnh kế hoạch vốn, tăng tổng mức đầu tư nhưng gặp vướng mắc liên quan đến trình tự thủ tục, thẩm quyền, đặc biệt là những dự án lớn thuộc cấp cao quyết định. Nhiều dự án khi được điều chỉnh đã hết thời gian giải ngân và phải xin gia hạn dự án, gia hạn giải ngân, kéo theo nhiều thủ tục rất phức tạp.

Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu và tổ chức thực hiện các gói thầu tại nhiều dự án cũng triển khai chậm. Có dự án đã được ghi kế hoạch, được giao vốn nhưng lại không đủ điều kiện thực hiện giải ngân rút vốn. Ngược lại, có dự án, chương trình không được ghi đủ kế hoạch vốn dẫn tới thiếu vốn nên không đủ điều kiện để giải ngân. Một số chương trình, dự án gặp khó khăn trong việc giải ngân rút vốn, đặc biệt là thủ tục xác nhận không phản đối của nhà tài trợ, làm kéo dài thời gian giải ngân.

Đối với giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch của năm 2019, Quốc hội đã có Nghị quyết bổ sung 60.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn, tuy nhiên, việc phân bổ số vốn này tới các Bộ, ngành, địa phương còn chậm và có trường hợp thừa, thiếu vốn. Do kế hoạch đầu tư công hạn chậm nên việc giao vốn năm 2019 cũng chậm theo...

Thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, ông Ngô Văn Quý kiến nghị: Cơ chế giải ngân đối với các dự án ODA cần được áp dụng theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ. Trước mắt, Hà Nội đề xuất được ứng trước ngân sách địa phương để thực hiện.

Ông Trần Tú Khánh cho rằng: Cơ quan quản lý nên giao cụ thể vốn đối ứng đối với các dự án sử dụng vốn ODA trong kế hoạch, qua đó thấy được tiến độ, trách nhiệm, lý do chậm giải ngân. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có ý kiến với các nhà tài trợ để đẩy nhanh tiến độ làm thủ tục, làm rõ khâu nào thì cần đến thư không phản đối, khâu nào thì không cần.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) - cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nhóm biện pháp tháo gỡ vướng mắc. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao đủ kế hoạch 60.000 tỷ đồng vốn nước ngoài bổ sung năm 2019. Trên cơ sở đó, các Bộ chủ quản, cơ quan tài chính các cấp hoàn thành việc giao, nhập và phê duyệt trên hệ thống Tabmis để các dự án có cơ sở giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2019. Các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch trong năm 2019 được đưa phần vốn chưa sử dụng hết vào kế hoạch năm 2020 để hoàn thành dứt điểm các dự án đang triển khai.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát để báo cáo ngay các cấp có thẩm quyền điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án cho phù hợp với nhu cầu giải ngân thực tế, đặc biệt là các dự án điều chuyển, điều chỉnh nội bộ tại Bộ, 7 ngành, địa phương đã được bố trí vốn.

Các Bộ chủ quản và địa phương cần chủ động giải quyết vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; đôn đốc các chủ dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn khi có khối lượng hoàn thành để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; theo dõi sát tiến độ từng dự án, kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp...

LƯU HƯỜNG
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019
Cùng chuyên mục
  • Gỡ vướng tín dụng cho dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước trong giai đoạn tới rất lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách dự kiến chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%. Một trong những giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư vào lĩnh vực này là hình thức hợp tác công - tư (PPP). Tuy nhiên hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang “quay lưng” với các dự án giao thông vì những rủi ro hiện hữu.
  • Đề xuất chính sách điện mặt trời một giá
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO)- Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này vừa hoàn thiện Dự thảo về Cơ chế khuyến khích điện mặt trời mới, thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã hết hiệu lực từ tháng 6/2019. Theo Dự thảo này, chính sách giá điện mặt trời sẽ chỉ còn một mức cho tất cả các vùng bức xạ, thay vì kịch bản chia làm 4 vùng hoặc 2 vùng như đề xuất trước đây.
  • Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc trong khâu định giá doanh nghiệp cổ phần hóa
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Một trong những nút thắt khiến cho việc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN chậm tiến độ là do khâu định giá DN. Những vướng mắc này sẽ được cơ quan quản lý xem xét, tháo gỡ trong thời gian tới.
  • Từ ngày 16/9, Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt các lãi suất điều hành
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
  • Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
    4 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO)- Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đối với vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi