Cùng chung mục tiêu đảm bảo cho nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững

(BKTO) - Trò chuyện đầu xuân với ông ĐINH TIẾN DŨNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính



Thưa Bộ trưởng, vấn đề tái cơ cấu NSNN đã và đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính. Vậy, Bộ trưởng có thể cho biết, trong năm 2017, nhiệm vụ này đã được Bộ Tài chính tổ chức thực hiện như thế nào?

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, với gần 150 nhiệm vụ và giao chi tiết cho các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức thực hiện.

         

   Ông ĐINH TIẾN DŨNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính
   
Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng khung khổ pháp lý, chính sách, cơ chế về tài chính - ngân sách nhằm thực hiện các chủ trương nói trên. Cụ thể, Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn Luật NSNN 2015, trong đó có những nội dung quản lý ngân sách tiên tiến như: kế hoạch tài chính trung hạn; quản lý bội chi, vay nợ của các địa phương; tăng cường phân cấp đi đôi với yêu cầu giải trình, minh bạch ngân sách; siết chặt việc ứng trước, chuyển nguồn, bổ sung dự toán; xây dựng cơ chế đặc thù đối với một số địa phương trọng điểm... Việc này vừa tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý NSNN, vừa tạo động lực phát triển cho các địa phương trọng điểm, thực hiện các vai trò đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước...

Bộ đã trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), xác định rõ phạm vi nợ công; thống nhất đầu mối quản lý về nợ công; thu hẹp đối tượng và siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, đối tượng vay lại vốn vay nước ngoài; tăng cường quản lý, sử dụng vốn vay lại và vốn vay có bảo lãnh Chính phủ; tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý rủi ro, về báo cáo, công khai thông tin, kế toán - kiểm toán, về nợ công...; xây dựng và triển khai các công cụ quản lý nợ, chủ động thực hiện mục tiêu tổ chức huy động vốn với chi phí thấp gắn liền với mức độ rủi ro hợp lý, đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước; siết chặt quản lý bảo lãnh Chính phủ; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay trên cơ sở tăng cường trách nhiệm, tính chủ động và minh bạch hoạt động vay nợ của địa phương.

Bộ đã xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi 6 Luật thuế (thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu/thuế nhập khẩu) theo hướng khắc phục các bất cập hiện nay; giảm nghĩa vụ thuế thu nhập DN; tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng; thu hẹp diện ưu đãi... góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí thuế; cơ cấu lại thu NSNN...

Về quản lý, điều hành, Bộ đã chỉ đạo thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; giảm dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017, 2018 cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục, y tế; tăng tỷ trọng chi đầu tư... Việc tổ chức điều hành bám sát dự toán, hạn chế bổ sung ngoài dự toán; quản lý chặt chẽ nguồn dự phòng ngân sách, ưu tiên tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, các nhiệm vụ cấp bách của quốc phòng, an ninh...

Bộ cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, không thực hiện cấp mới bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn, không phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) kỳ hạn dưới 5 năm... Toàn bộ khối lượng TPCP phát hành năm 2017 đã thực hiện đấu thầu trên thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Năm 2017, lần đầu tiên Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (2018-2020) làm cơ sở để thảo luận, xác định dự toán NSNN năm 2018, tiếp tục thực hiện mục tiêu cơ cấu lại NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư, đảm bảo kiểm soát chi tiêu trong khả năng nguồn lực trung hạn, vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công theo các mục tiêu đã đề ra.

Xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả cụ thể của quá trình tái cơ cấu này?

Thực hiện các giải pháp trên, việc cơ cấu lại NSNN đã đạt được một số kết quả tích cực:

Thu cân đối NSNN trong 02 năm 2016-2017 đạt khoảng 24,6% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt trên 80% (tỷ trọng thu nội địa bình quân giai đoạn 2011-2015 là 68%).

Tổng chi ngân sách bám sát dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển trong 02 năm 2016-2017 bình quân chiếm 26-27% tổng chi NSNN (giai đoạn 2011-2015, dự toán chi cho lĩnh vực này chiếm 18,2%/tổng chi NSNN; thực hiện là 25%/tổng chi NSNN); tỷ trọng chi thường xuyên trong dự toán 02 năm 2016-2017 là 64-65% (giai đoạn 2011-2015 là 67,8%).

Về cân đối NSNN, tỷ lệ bội chi NSNN tính theo GDP thực tế bình quân 02 năm 2016-2017 là 4,27% (tính theo Luật NSNN năm 2015 và GDP thực tế), trong đó bội chi năm 2017 khoảng 3,48% GDP thực hiện.

Về nợ công, các biện pháp tái cơ cấu đã kéo dài kỳ hạn nợ, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2017 ước là 12,7 năm (trong khi đó kỳ hạn phát hành bình quân năm 2016 là 8,7 năm), nâng kỳ hạn danh mục TPCP đến cuối năm 2017 là 6,7 năm (cuối năm 2016 là 5,98 năm); lãi suất giảm; đảo ngược cơ cấu nợ trong nước và ngoài nước, từ cơ cấu nợ trong nước/ngoài nước là 39%/61% năm 2011, chuyển thành 60%/40% năm 2016; đa dạng hóa các nhà đầu tư (tỷ trọng nắm giữ trái phiếu của ngân hàng thương mại từ khoảng 78% cuối năm 2016 xuống còn 54%).

Ước tính đến ngày 31/12/2017, dư nợ công khoảng 61,3% GDP, trong đó nợ chính phủ khoảng 51,6% GDP, nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 9,1% GDP (trong giới hạn).

Năm 2017, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIV tiếp tục ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng tôi hy vọng rằng, việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết này sẽ là nền tảng để đạt được các mục tiêu về cơ cấu lại NSNN và nợ công.

Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại NSNN cũng còn nhiều thách thức. Chẳng hạn, việc cơ cấu lại thu NSNN mặc dù đã có bước phát triển mới song vẫn còn khó khăn do kinh tế thế giới chưa thực sự ổn định. Ở trong nước, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều rủi ro chưa lường trước được của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáp nhập và cổ phần hóa (CPH) DNNN...

Việc cơ cấu lại chi NSNN sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng điều chỉnh các chính sách chi cho con người, chi cho lĩnh vực sự nghiệp và phụ thuộc vào việc triển khai các Nghị quyết số 18, 19 nêu trên.

Năm 2017, một số văn bản pháp luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã được thông qua và ban hành, trong đó có những văn bản rất quan trọng như Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về CPH DNNN… Đây cũng là những văn bản có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động của KTNN. Xin Bộ trưởng đưa ra một vài đánh giá về sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và KTNN trong thời gian qua, đặc biệt là vấn đề đóng góp ý kiến để xây dựng, sửa đổi những chính sách do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo?

KTNN và Bộ Tài chính cùng thực hiện một mục tiêu nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý tài chính nhà nước. Thời gian qua, KTNN và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp công tác trên nhiều phương diện, từ công tác lập dự toán NSNN, phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán NSNN cũng như trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN cho đến khâu rà soát kết quả kiểm toán và xử lý các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Thông qua công tác kiểm toán, KTNN đã kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan tiếp tục hoàn thiện các văn bản, đặc biệt là những văn bản pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách như Luật NSNN (sửa đổi); Luật Quản lý vốn, tài sản nhà nước tại các DN; Luật Quản lý tài sản công, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về CPH DNNN...

Trong quá trình xây dựng Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Bộ Tài chính đã nhận được văn bản tham gia ý kiến của KTNN, trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong kiểm toán nợ công, về phạm vi điều chỉnh của Luật, về tổ chức quản lý nợ công và quy định về Quỹ tích lũy trả nợ... Nhiều nội dung tham gia của KTNN đã được Bộ Tài chính tiếp thu, chỉnh sửa và đưa vào Luật.
KTNN cũng đã tham gia góp ý kiến xây dựng Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về CPH DNNN. Cụ thể là, ý kiến về đối tượng áp dụng, về điều kiện, chi phí thực hiện CPH, về thực hiện công khai, minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán, về việc đầu tư vốn của DN CPH và DN khác, việc quản lý và sử dụng số tiền thu được từ CPH, về phương pháp xác định giá trị DN, về việc kiểm toán đối với DN CPH… Đặc biệt, các ý kiến tham gia của KTNN về trách nhiệm của KTNN trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá và xử lý tài chính DN CPH đã được Bộ Tài chính tiếp thu và đưa vào Nghị định.

Trên thực tế, kết quả việc kiểm toán kết quả tư vấn định giá DN và xử lý các vấn đề tài chính trước CPH đã trở thành cơ sở, căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố giá trị DNNN để phục vụ cho việc CPH. Ngoài việc xem xét báo cáo kết quả định giá DN có phản ánh trung thực, hợp lý tình hình của đơn vị hay không, KTNN còn xem xét việc tổ chức tư vấn định giá sử dụng các phương pháp định giá đã phù hợp với tình hình hoạt động và thực trạng của DN được xác định giá trị hay chưa. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện các vi phạm chính sách, chế độ về xác định giá trị DN và xử lý các vấn đề tài chính, các hiện tượng tiêu cực làm thất thoát tài sản nhà nước khi tiến hành CPH DNNN. Kết quả kiểm toán của KTNN cũng là nguồn thông tin tin cậy để các cơ quan dân cử thực hiện quyền giám sát hoạt động CPH DNNN.

Ngoài ra, KTNN còn tham gia nhiều kiến nghị có giá trị khi Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách của Nhà nước đối với hoạt động của đơn vị này.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với KTNN trong việc tham gia hoàn thiện các văn bản, khuôn khổ pháp luật liên quan đến KTNN, đặc biệt là tham gia quá trình soạn thảo, xây dựng Luật KTNN 2015 và hệ thống chuẩn mực KTNN...

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính mong tiếp tục phối hợp chặt chẽ với KTNN để cùng hoàn thành nhiệm vụ chung, tất cả vì một nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững!

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
LƯU HƯỜNG (thực hiện)
Theo Đặc san Kiểm toán số 68 ra tháng 02/2018
Cùng chuyên mục
Cùng chung mục tiêu đảm bảo cho nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững