Công nghệ tài chính thúc đẩy số hóa ngân hàng

(BKTO) - Sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech) đang có những tác động mạnh mẽ tới ngành tài chính - ngân hàng. Cùng với xu thế chung trên thế giới, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng đang đẩy mạnh hợp tác với các công ty Fintech nhằm chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số.



94% ngân hàng triển khaingân hàng số

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu, giúp ngành ngân hàng vượt lên thách thức của kỷ nguyên số bởi hiện nay, công nghệ đang được ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định công nghệ là giải pháp hàng đầu đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng số có thể coi là “đích” và chuyển đổi số là một quá trình với nhiều cấp độ hướng tới ngân hàng số đích thực.

Đặc biệt, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho phát triển ngân hàng số với 96,5 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ (người trưởng thành chiếm khoảng 70%), đồng thời 72% dân số sở hữu smartphone, 130 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng internet (chiếm 67% dân số). Thế hệ Z (sinh năm 1995+) hiện chiếm 4% khách hàng của ngân hàng và trong 10 năm nữa, họ sẽ là nhóm khách hàng chủ lực khi chiếm tới 40% dân số và sẽ sử dụng toàn bộ các dịch vụ ngân hàng số - ông Dũng cho biết.

Theo số liệu của NHNN, tại Việt Nam hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó, 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế. Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về kênh giao tiếp và quy trình, chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được nghiên cứu, triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.

Trong xu thế đó, lĩnh vực Fintech cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các DN, nhất là các DN khởi nghiệp sáng tạo. Chỉ trong gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 như hiện nay. Những thương vụ hợp tác giữa các công ty Fintech với ngân hàng ngày càng tăng về số lượng và quy mô. Điển hình như Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ký Thỏa thuận hợp tác với Công ty Opportunity Network (ON) về cung ứng dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường cho các DN trong nước với các đối tác nước ngoài; Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã phát triển mô hình ngân hàng số dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, các công ty Fintech đã mang lại “làn gió” đổi mới với nhiều lợi ích cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng thời góp phần giúp Chính phủ các quốc gia đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.

Hoàn thiện cơ chế quản lý

Các chuyên gia nhìn nhận, hướng đến ngân hàng số, các ngân hàng đang dần thay đổi tư duy, lấy khách hàng làm trọng tâm, ứng dụng công nghệ 4.0 làm nền tảng, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cùng với việc thay đổi văn hóa kinh doanh, phương thức quản trị, đầu tư công nghệ, tích hợp kênh phân phối... nhằm đa dạng hóa và tối ưu các sản phẩm - dịch vụ, tiết giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội, Fintech cũng đặt ra không ít thách thức cho các ngân hàng và cơ quan quản lý. Với các ngân hàng, vấn đề đặt ra là làm sao đáp ứng được kỳ vọng của người tiêu dùng, tận dụng những công nghệ mới nhưng đồng hành với đó là sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao đòi hỏi phải có biện pháp phòng, chống nguy cơ tấn công mạng. Đối với cơ quan quản lý, đó là thách thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, quyền cá nhân bảo vệ dữ liệu, đồng thời cân bằng giữa mục tiêu quản lý với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh.

Để giải quyết những thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, các Bộ, ngành cần chung tay phối hợp, đẩy nhanh hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm; đồng thời xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số; hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng, cũng như hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Công nghệ tài chính thúc đẩy số hóa ngân hàng