Cơn sốt Bitcoin và tương lai của tiền điện tử

(BKTO) - Ngày 7/1, đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin ghi nhận mức cao kỷ lục mới 37.386 USD, tăng 800% kể từ giữa tháng 3/2020. Trong bối cảnh các loại tài sản khác mang lại mức lợi suất thấp như hiện nay, Bitcoin đang trở thành 1 lựa chọn khá hấp dẫn.




Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

Lần đầu tiên ra mắt năm 2009, Bitcoin vẫn được coi là đồng tiền kỹ thuật số không có tính chính thống, chỉ mãi đứng ở bên lề của nền kinh tế. Tuy nhiên, đồng tiền này đã dần dần trở thành chính thống. Hiện nay gần như Bitcoin đã trở thành một dạng "vàng kỹ thuật số", hay nói cách khác là 1 tài sản kỹ thuật số khan hiếm như vàng.

Để đối phó với những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra, chính phủ các nước trên khắp thế giới đã ồ ạt in tiền, làm ngập thị trường với tiền giá rẻ nhằm thúc đẩy chi tiêu, từ đó giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái. Tuy nhiên tăng cung tiền cũng đồng nghĩa với tiền mất giá và dẫn đến việc mọi người đổ xô đi tìm những tài sản có thể bảo vệ họ trước rủi ro lạm phát.

Đặc biệt, trong bối cảnh các loại tài sản khác mang lại mức lợi suất thấp như hiện nay, Bitcoin trở thành 1 lựa chọn khá hấp dẫn.

Bitcoin là gì?

Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới hiện nay xét theo giá trị vốn hóa, có nguồn cung tối đa là 21 triệu đồng, và hiện đã có 18.590.300 đồng đang lưu hành. 21 triệu là con số không thể thay đổi, do đó tạo ra sự khan hiếm giả tạo – điều đảm bảo chắc chắn rằng giá trị của đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tăng lên theo thời gian.

Khác với việc các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể tùy ý điều chỉnh nguồn cung của các đồng tiền pháp định, nguồn cung Bitcoin là cố định và không thể bị tác động bởi các quyết định chính trị.

Bitcoin chủ yếu được giao dịch trên các sàn giao dịch tiền số trực tuyến, nhưng cũng có thể được gửi đi, nhận về và tích trữ trong các "ví kỹ thuật số" trên các ổ cứng chuyên dụng hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động.

Tuy nhiên có lẽ khía cạnh đặc biệt nhất của Bitcoin là công nghệ blockchain đằng sau nó. Đó là cơ sở dữ liệu "bất di bất dịch", khiến lịch sử giao dịch không thể thay đổi.

Bitcoin là đồng tiền "phi tập trung", hay nói cách khác, nó hoạt động dựa trên 1 mạng lưới giao dịch ngang hàng phân tán thay vì tập trung vào 1 mối đầu mối tại NHTW như các đồng tiền pháp định.

Và mạng lưới này hoạt động được là nhờ sự tham gia của các "thợ đào" Bitcoin. Thợ đào có thể là bất kỳ ai cài đặt vào máy tính của họ phần mềm xác nhận các giao dịch Bitcoin trên chuỗi khối (blockchain). Họ nhận được phần thưởng là những đồng Bitcoin, và phần thưởng đó sẽ giảm đi một nửa sau mỗi 4 năm.

Giảm dần phần thưởng cho thợ đào là một phần trong bộ quy tắc bất di bất dịch mà nhà sáng lập Bitcoin - Satoshi Nakamoto – đưa ra từ khi đồng tiền này ra đời. Đây cũng là đặc điểm khiến quá trình "đào" Bitcoin giống với quá trình khai thác vàng ngoài thực tế: ban đầu rất dễ dàng nhưng mức độ khó sẽ tăng dần theo thời gian.

Hiện nay các thợ đào Bitcoin kiếm được 6,25 đồng trên mỗi block đào được, giảm so với con số 50 Bitcoin của những năm đầu tiên. Do đó càng tham gia sớm thì sẽ càng có lợi vì độ khan hiếm sẽ tăng dần.

Bởi vì điều này, giá được cho là sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên vì mọi người đã biết trước mức độ khan hiếm trong tương lai, sự kiện cứ 4 năm phần thưởng lại giảm một nửa thường đã được phản ánh vào giá trước khi sự kiện diễn ra.

Do đó, mức biến động giá "điên rồ" của Bitcoin thường phản ánh sự thay đổi về nhu cầu, mà lần này là sự tham gia của một loạt các nhà đầu tư định chế mới quan tâm đến tiền số trong thời gian gần đây. Và cũng có ngày càng nhiều các công ty đại chúng đầu tư vào Bitcoin.

Bitcoin sẽ trở thành đồng tiền thanh toán chính thống?

Có ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 đã biến đồng Bitcoin trở thành một lựa chọn đầu tư thông thường và có khả năng là một phương tiện thanh toán chính thống.

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Stephen Bartholomeusz của tờ Sydney Morning Herald Australia cho rằng cả hai câu hỏi này hiện vẫn chưa có lời giải đáp song rõ ràng là tiền điện tử đang được chấp nhận rộng rãi hơn trên cả hai “mặt trận”.

Tiền điện tử đã chuyển từ vai trò là một món “đồ chơi” đầu cơ cho thế hệ trẻ thành một tài sản tài chính được các nhà đầu tư thông thường quan tâm.

Tác giả nhấn mạnh tác động của đại dịch đối với tất cả mọi thứ liên quan tới kỹ thuật số, đặc biệt là phương tiện thanh toán, trong giai đoạn thế giới bị kiềm tỏa bởi những lệnh hạn chế và phong tỏa trên diện rộng, đi kèm với đó là sự bùng nổ của thương mại và truyền thông trực tuyến, đã tạo ra sự quan tâm ngày càng tăng đối với tiền tệ kỹ thuật số hay còn gọi là tiền điện tử.

Đồng thời, xu hướng doanh nghiệp thua lỗ và nợ chính phủ gia tăng đã khiến các nhà đầu tư phải cân nhắc liệu đồng Bitcoin có trở thành một “nơi trú ẩn an toàn” thay thế cho các loại tài sản khác để lưu trữ hay không.

PayPal, "gã khổng lồ" thanh toán trực tuyến, hiện đã cho phép người dùng trên nền tảng của công ty được mua, bán, giữ hoặc sử dụng đồng Bitcoin làm phương tiện trao đổi. Theo tác giả, việc PayPal chấp nhận đồng Bitcoin cho thấy mọi việc có thể sẽ thay đổi, nhưng con đường để đồng Bitcoin được coi là một phương tiện thanh toán vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Đồng tiền ổn định mới

Trong bài viết do hãng tin Bloomberg vừa đăng tải, Giáo sư Tyler Cowen thuộc trường Đại học George Mason của Mỹ đã dẫn nhận định của chiến lược gia toàn cầu thuộc Tập đoàn tài chính Morgan Stanley Investment Management cho rằng đồng Bitcoin có thể sẽ thay thế đồng USD trở thành một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.

Tác giả viết tiền điện tử sở hữu một số chức năng hữu ích. Thế giới luôn có một nhu cầu về tài sản thanh toán trực tiếp, không qua trung gian và tiền điện tử đáp ứng được chức năng này.

Đó là lý do vì sao xuất hiện khái niệm đồng tiền ổn định (stablecoin), được hiểu là tài sản điện tử được gắn với đồng tiền chính danh vật lý, đã được minh chứng bởi các lợi ích dài hạn. Tuy nhiên, để tiền điện tử có được sự ổn định, điều đó có nghĩa là chúng cần phải có các lớp thể chế để bảo toàn giá trị.

Trong tương lai gần, các tổ chức chính danh sẽ tìm cách xây dựng loại tiền tệ stablecoin liên kết với đồng tiền chính danh để hạn chế rủi ro hơn và sự kém minh bạch hơn của tiền điện tử, trong khi giảm thiểu sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ chính danh và các ngân hàng trung gian.

Nhưng liệu stablecoin có phải là giải pháp an toàn? Nếu bạn nắm giữ hoặc giao dịch stablecoin, bạn phải chịu một số rủi ro. Đầu tiên, việc neo giá của stablecoin với đồng tiền chính danh một ngày nào đó có thể bị phá vỡ, một vấn đề liên quan tới tỷ giá hối đoái mà nhà kinh tế học Milton Friedman thường cảnh báo.

Thứ hai, trong phạm vi stablecoin và các tài sản tiền điện tử khác trở thành một phần chính của hệ thống tài chính, chúng sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của pháp luật hơn, dẫn tới việc các lợi thế của loại tiền tệ này bị hạn chế nhiều hơn so với khu vực ngân hàng truyền thống.

Chính phủ Mỹ sẽ không muốn một hệ thống tài chính phát triển ngoài tầm quan sát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) và các tổ chức quản lý khác. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ không bỏ qua một loại tiền tệ nằm ngoài tầm kiểm soát.

Thứ ba, khu vực ngân hàng sẽ cố gắng cải thiện để đạt được lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn bằng cách chuyển sang thanh toán bù trừ nhanh hơn hoặc bằng cách giới thiệu các loại tiền dự trữ điện tử của riêng mình.

Với cách làm đó, khách hàng có thể chuyển các tài sản điện tử hay đồng tiền điện tử chính danh trong hệ thống kế toán của ngân hàng trung ương và thực hiện chuyển khoản không qua trung gian, không cần sử dụng đến tiền điện tử.

Vì vậy, chặng đường để tiền điện tử nói chung, hay đồng Bitcoin nói riêng, trở thành một loại tiền tệ chính danh và là một loại tài sản đảm bảo an toàn vẫn sẽ là câu hỏi mở. Theo Giáo sư Tyler Cowen, tiền điện tử không hiển nhiên sẽ chiến thắng trên thị trường tài chính, một khi các tổ chức chính thống đã có được bài học từ chính sự thành công của tiền điện tử.

NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Cơn sốt Bitcoin và tương lai của tiền điện tử