Cổ phiếu ngân hàng vẫn là lựa chọn tốt trong thời gian tới

(BKTO) - Trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ số VN-Index tăng hơn 90%, nhưng riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng tới 150% và liên tục thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Gần đây, bất chấp thị trường chứng khoán giảm điểm, nhóm cổ phiếu này vẫn tiếp tục tăng điểm và thu hút mạnh mẽ dòng tiền.




Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư trong tương lai- Ảnh: THÁI ANH

Nhiều thay đổi tích cực trong cơ cấu tín dụng

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng đạt 13,9% - mức tăng thấp nhất trong vòng 5 năm và thấp hơn mục tiêu 17% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trước đó. Năm 2019, NHNN tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng thận trọng ở mức 14%. Giới hạn về tăng trưởng tín dụng cùng nhiều chính sách mới có hiệu lực, như hệ số rủi ro đối với các khoản vay mua bất động sản, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn từ mức 45% xuống 40% có hiệu lực từ tháng 01/2019... sẽ phần nào ảnh hưởng tới nguồn vốn cho vay của các ngân hàng.

Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng hiện nay chủ yếu đến từ cá nhân và các công ty tư nhân, bao gồm cả các DN nhỏ và vừa. Cho vay bán lẻ ở Việt Nam (bao gồm cả cho vay cá nhân và cho vay DN nhỏ và vừa) bắt đầu phát triển từ năm 2015. Trong giai đoạn mới hình thành, các ngân hàng đã xây dựng tên tuổi bằng cách cho ra mắt các sản phẩm phức tạp hơn, như quản lý tiền mặt và dòng tiền cho DN hay các sản phẩm quản lý tích hợp nhiều loại tài sản.

Theo đó, tăng trưởng tín dụng trong phân khúc DN tư nhân và tiêu dùng còn nhiều dư địa. Về phân khúc tiêu dùng, thời điểm tháng 12/2018, tỷ lệ thâm nhập tín dụng hộ gia đình ở mức 47,9% GDP, thấp hơn so với Thái Lan (78,6%) và Malaysia (82,1%), trong khi mức độ tín dụng/GDP của các nước này tương đương Việt Nam (lần lượt là 128% và 139% so với mức 130% của Việt Nam). Giai đoạn 2013 cho tới đầu năm 2018, lĩnh vực tài chính tiêu dùng tăng trưởng nhanh chóng với dư nợ tăng trưởng kép 41,8%. Tốc độ tăng này có được là do nhân khẩu học thuận lợi, quá trình đô thị hóa tăng nhanh, thu nhập cải thiện cùng với tỷ lệ sở hữu nhà và đồ gia dụng gia tăng. Còn đối với khách hàng DN tư nhân, lợi thế mạng lưới phân bố rộng, dịch vụ đa dạng, nhân sự tốt là những yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng chiếm lĩnh thị phần trong phân khúc này.

Hiện nay, trong bối cảnh tăng trưởng cho vay bị hạn chế (bởi thu nhập lãi chiếm đến 80% tổng thu nhập của ngân hàng), việc cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) rất quan trọng đối với hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam. Do đó, trong các năm gần đây, việc chuyển hướng cho vay sang các phân khúc có lợi suất cao hơn là xu hướng tích cực, thể hiện ở lợi suất tài sản cao hơn.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn nhiều dư địa để tăng trưởng

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2018 và 2 quý đầu năm 2019 cho thấy, nhiều ngân hàng tiếp tục hoạt động an toàn, hiệu quả với đà tăng trưởng tốt, lợi nhuận cao.

Theo báo cáo kinh doanh quý II/2019 của 25 ngân hàng lớn nhất, lợi nhuận của nhóm này hầu hết tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, tổng giá trị lợi nhuận của 25 ngân hàng này đạt hơn 53.076 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4% so với nửa đầu năm ngoái. Chỉ số giá cổ phiếu/lợi nhuận (P/E) ở mức khoảng 12 lần, thấp hơn so với thời kỳ cao là 17 - 18 lần và thấp hơn mức trung bình chung của thị trường. Đây được coi là điểm hỗ trợ, hấp dẫn dòng tiền đầu tư giá trị dài hạn tại nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn 2019-2020.

Bên cạnh đó, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2020, việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng. Những ngân hàng có các công cụ và phương pháp quản trị rủi ro đạt chuẩn Basel II sẽ giảm thiểu chi phí, tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới. Theo đó, các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng vẫn phải đối diện với những quy định chặt chẽ hơn từ NHNN, như: hệ số rủi ro một số lĩnh vực được nâng lên, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% xuống 40% từ đầu năm 2019… Điều này sẽ tạo áp lực lên lãi suất huy động, khiến chi phí vốn huy động của ngân hàng cao hơn và NIM năm 2019 chỉ tăng nhẹ, thậm chí đi ngang. Mặc dù vậy, xu hướng NIM sẽ không giống nhau giữa các ngân hàng, do mỗi ngân hàng có độ nhạy với lãi suất tiền gửi và nhu cầu vốn khác nhau. Khi cạnh tranh huy động gia tăng, ngân hàng có mảng huy động tốt hơn sẽ ít bị ảnh hưởng và khi chi phí vốn tăng, ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao sẽ ít chịu ảnh hưởng.

Nhìn chung, các ngân hàng vẫn có nhiều dư địa để duy trì lợi nhuận ổn định trong các năm tới. Với những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn và dài hạn thì cổ phiếu ngân hàng là một lựa chọn tốt trong giai đoạn thị trường chưa rõ xu hướng. Mặc dù vậy, mỗi ngân hàng vẫn đứng trước những cơ hội và thách thức riêng trước bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thận trọng, mặt bằng lãi suất huy động khó giảm và rủi ro từ những xáo trộn của thị trường tài chính toàn cầu. Những ngân hàng có vị thế, khả năng nắm bắt tốt các cơ hội từ hoạt động cho vay bán lẻ, các hoạt động thu nhập ngoài lãi, huy động không kỳ hạn cao để giảm chi phi vốn, chất lượng tài sản tốt để hạn chế rủi ro nợ xấu gia tăng… sẽ là những ngân hàng duy trì được tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận, tạo ra sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn đúng ngân hàng có các lợi thế sẽ quyết định sự thành công của nhà đầu tư trong tương lai.

PHẠM DŨNG - Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
(Theo Báo Kiểm toán số 36 ngày 5/9/2019)
Cùng chuyên mục
Cổ phiếu ngân hàng vẫn là lựa chọn tốt trong thời gian tới