Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp: Tăng trưởng tốt nhưng cần đổi mới để tận dụng cơ hội

(BKTO) - Để duy trì được đà tăng trưởng trong các năm tới, các DN bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN) cần nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế có trình độ phát triển cao.



Từ đầu năm 2019, thị trường chứng khoán có nhiều biến động mạnh, chỉ số VnIndex trồi sụt, tăng giảm trong biên độ lớn. Những thông tin bất lợi từ bên ngoài khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất an, việc lựa chọn các cơ hội đầu tư để có thể thu lợi nhuận là không dễ dàng. Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu BĐS KCN nổi lên như một điểm nhấn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Cổ phiếu BĐS KCNtăng trưởng tốt trong6 tháng đầu năm

Trong hơn 7 tháng đầu năm, giá của nhiều cổ phiếu nhóm ngành BĐS KCN tăng trưởng mạnh. Cá biệt, có những cổ phiếu đã tăng hơn 100%, như: cổ phiếu TIP của Công ty Cổ phần (CTCP) Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa tăng tới 143%, hay cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức tăng 130%. Xét trên diện rộng, các cổ phiếu BĐS KCN niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HSX) tăng cao hơn nhiều so với mức tăng trên 9% của chỉ số VnIndex.

Kết quả kinh doanh tốt là nguyên nhân khiến nhóm cổ phiếu BĐS KCN có sự tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nay. Cụ thể, doanh thu của những cổ phiếu này niêm yết tại HSX đạt 3.815 tỷ đồng, tăng 44% so với giá trị 2.655 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2018. Mức tăng ấn tượng về doanh thu có thể kể đến các DN như: TIP tăng 66%, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) tăng 56%, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) tăng 52%.

Các DN BĐS KCN cũng có mức tăng lợi nhuận sau thuế khá ấn tượng. Sau 6 tháng đầu năm, tổng giá trị lợi nhuận sau thuế của các DN này niêm yết tại HSX là 802 tỷ đồng, tăng 25% so với mức 641 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng mạnh nhất về lợi nhuận vẫn thuộc về các DN nêu trên, cụ thể là ITA, TIP và KBC với mức tăng lần lượt là 137%, 125% và 44%.

Sở dĩ, nhóm cổ phiếu này có sự tăng trưởng mạnh là do kỳ vọng từ việc các DN BĐS sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, với xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất trên thế giới sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam liên tục ký kết hàng loạt hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU; giá nhân công thấp có khả năng cạnh tranh thu hút các ngành thâm dụng lao động (dệt may, giày da); tỷ lệ lấp đầy và giá cho thuê trung bình tại các KCN tăng… đã hỗ trợ cho các DN có sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Còn dư địa tăng trưởngnhưng phải nâng cấp,đổi mới

Dòng vốn FDI là nhân tố quan trọng tạo ra triển vọng của các DN BĐS KCN. Trong một vài năm tới, dòng vốn này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chúng ta chưa thấy mức tăng mạnh mẽ.

Trên thực tế, để dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam như kỳ vọng cần phải có nhiều thời gian. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 7 tháng đầu năm, số vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước ngoài là 20,22 tỷ USD, giảm 13,45% so với cùng kỳ. Trong đó, có 2.064 dự án đăng ký mới với tổng số vốn gần 8,27 tỷ USD và 791 dự án đăng ký tăng thêm vốn với 3,42 tỷ USD. Lượng góp vốn, mua cổ phần tại 4.387 dự án đạt trị giá hơn 8,52 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, vốn đăng ký mới và tăng thêm đều giảm; lượng góp vốn, mua cổ phần tăng gấp 2,5 lần. Vốn FDI giải ngân trong 7 tháng đầu năm đạt 10,55 tỷ đồng, tăng 6,63% so với cùng kỳ. Nguồn vốn FDI đầu tư nhiều nhất vào một số lĩnh vực như: công nghiệp chế biến chế tạo (14,46 tỷ USD), bất động sản (1,47 tỷ USD), bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy (1,09 tỷ USD).

Dù diễn biến nguồn vốn FDI trong 7 tháng đầu năm chưa tăng trưởng mạnh, tuy nhiên thời gian tới, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để thu hút nguồn vốn này, khi định hướng xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu, như: thành lập các khu công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam; tham gia tích cực các hiệp định thương mại tự do; kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ; lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp…

Do điều kiện hạ tầng kết nối chưa tốt, chi phí logistic cao, thời gian vận chuyển kéo dài, các DN cần nhiều nhà kho ở nhiều khu vực khác nhau. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng đang phát triển rất mạnh mẽ… Điều này cho thấy, BĐS KCN vẫn sẽ có cơ hội lớn để duy trì được đà tăng trưởng trong các năm tới.

Tuy vậy, để tận dụng được cơ hội này, các DN BĐS KCN cũng cần nâng cấp để đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế có trình độ phát triển cao. Hiện tại, mô hình KCN của nhiều DN vẫn ở dạng mô hình cũ, cần có chiến lược để nâng cấp lên mô hình kiểu mới. Khi chuyển mình để đáp ứng được những yêu cầu mới, cao hơn, các DN BĐS KCN sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong các năm tới.

DŨNG PHẠM - Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt
Theo Báo Kiểm toán số 34 ra ngày 22/8/2019
Cùng chuyên mục
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp: Tăng trưởng tốt nhưng cần đổi mới để tận dụng cơ hội