Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo

(BKTO) - Khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có điểm xuất phát thuận lợi với nhiều nguồn vốn và tài trợ của quốc tế. Tuy nhiên, việc các bên liên quan còn thiếu thông tin và gặp trở ngại trong khâu đánh giá dữ liệu đã khiến cho các DN khởi nghiệp sáng tạo (startup) gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.



Nguồn vốn nhiều nhưng khó tiếp cận

Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) - một trong những tạp chí lớn về khởi nghiệp ở Đông Nam Á - Việt Nam hiện có khoảng 3.000 startup, tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Bên cạnh đó, hiện nay, sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế ở Việt Nam là rất lớn với số lượng giao dịch chiếm tới hơn 1/3, giá trị đầu tư từ quốc tế cũng gấp hơn 5 lần so với đầu tư trong nước; các khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 vừa qua cũng đều đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí đã có một số nhà đầu tư nước ngoài còn có ý định sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Mặc dù có nhiều thuận lợi, song hệ sinh thái và các điều kiện cho khởi nghiệp, gồm hệ thống khung pháp luật, các chính sách hỗ trợ, quỹ đầu tư mạo hiểm… vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Chuyên gia quốc tế của Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan Jouko Ahvenainen cho rằng, thị trường tài chính dành cho giai đoạn đầu khởi nghiệp sáng tạo rất đa dạng với nhiều loại hình như: khoản vay tài trợ xuất khẩu, hỗ trợ nguồn cung, các mô hình công cụ chuyển đổi tài chính, tài trợ cá nhân, các công ty đầu tư mạo hiểm, công ty quản lý quỹ.... Rõ ràng, nguồn tiền không thiếu, nhưng startup và các đơn vị hỗ trợ tài chính chưa có tiếng nói chung, vì nhà tài trợ chưa thể đánh giá mức độ rủi ro, tiềm năng của các dự án hay ý tưởng khởi nghiệp do họ thiếu thông tin.

Bà Phan Hoàng Lan - Cục Phát triển thị trường DN Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - chia sẻ, đặc thù nhất khi các nhà đầu tư “rót” vốn cho startup là dễ gặp rủi ro. Bởi trong 10 DN được đầu tư thì có thể 9 DN sẽ “chết” mà không ai đoán được DN nào sẽ thành công. Một “nút thắt” khác là các đơn vị hỗ trợ tài chính còn thiếu thông tin về DN và khó đánh giá để giải ngân. Về chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp, hiện có các quỹ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính... nhưng DN vẫn khó tiếp cận vì theo quy định, người quản lý quỹ, quản lý các trung tâm khởi nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu làm thất thoát quỹ, tùy theo mức độ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, đầu tư cho khởi nghiệp lại rất rủi ro.

Sớm hoạch định chính sách,cơ chế hỗ trợ

Trước tình hình trên, bà Phan Hoàng Lan đề xuất, Nhà nước nên dành nguồn vốn hỗ trợ cho DN. Việc hỗ trợ này phải ở giai đoạn đầu của hoạt động khởi nghiệp, đây là giai đoạn startup chưa có được sản phẩm hoặc tài sản để thế chấp với nguồn tín dụng ngân hàng hoặc các loại quỹ, nhà đầu tư tư nhân. Vốn của Nhà nước nên đóng vai trò như “vốn mồi”. Một đồng vốn của Nhà nước sẽ góp phần kêu gọi được 10 đồng vốn từ các nguồn tài chính khác.

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, bà Phan Hoàng Lan cho biết, để “hái được trái ngọt”, Chính phủ cần tham gia hỗ trợ ngay từ giai đoạn đầu của hoạt động khởi nghiệp và biết chấp nhận rủi ro. Các nhà đầu tư đầy kinh nghiệm cũng khó có thể biết được dự án nào thành công, nên họ thường phải đầu tư cho nhiều startup cùng một lúc. Thậm chí ở Nhật Bản, người khởi nghiệp thất bại còn được cộng điểm ưu tiên trong hồ sơ xin tài trợ của Nhà nước. Tại nhiều nước trên thế giới, khi startup không thể chi trả nguồn vốn đầu tư ban đầu, Chính phủ sẽ chuyển số tiền vay ban đầu thành tiền tài trợ để đơn giản hóa thủ tục.

Trong khi đó, ông Jouko Ahvenainen khuyến cáo, Chính phủ cần sớm hoạch định chính sách, cơ chế hỗ trợ startup một cách rõ ràng, minh bạch và dễ tiếp cận, cũng như cung cấp các dữ liệu đáng tin cậy và có tính dự báo cho các nhà đầu tư để họ có thể giải ngân cho DN.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, tại Công văn số 1128/TTg-ĐMDN về thu hút đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các nguồn trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN nghiên cứu, xây dựng ban hành cơ chế tài chính thực hiện “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các startup hoạt động và phát triển. Cụ thể, cơ chế tài chính thực hiện Đề án 844 gồm các nội dung chi phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo như: chi cho đại diện các startup tiêu biểu tham gia các vườn ươm/khu làm việc chung nổi tiếng trên thế giới; chi cho các hoạt động của đại diện khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tại một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tài trợ trực tiếp cho startup đối với các nội dung quan trọng như tìm hiểu thị trường, thuê chuyên gia, trả công lao động và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới.

Đồng thời, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng cơ chế tài chính cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, trình Chính phủ ban hành trong năm 2019. Theo đó, đối với các hoạt động hỗ trợ cho startup cần quy định cụ thể về các hình thức hỗ trợ, hạn mức hỗ trợ cho các nhóm dự án; xây dựng các nội dung chi và định mức chi phù hợp với hoạt động đặc thù của startup; xây dựng quy trình đánh giá, thẩm định các dự án để đảm bảo việc hỗ trợ có hiệu quả.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số Đặc biệt ra ngày 13-9-2018
Cùng chuyên mục
Cơ chế tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo