Cần có cơ chế quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử

(BKTO) - Tại Việt Nam, trong khi thương mại điện tử đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu và mạnh mẽ thì thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thông qua thương mại điện tử vẫn chưa được ban hành. Để xây dựng khung pháp lý cho hoạt động này, Tổng cục Hải quan đang tích cực hoàn thiện Dự thảo Đề án Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK.



Hàng hoá XNK qua thương mại điện tử vẫn được xử lý như hàng hóa thông thường

Hiện nay, ở nước ta, các sàn thương mại điện tử của người Việt đã xuất hiện khá nhiều, như: Lazada, Tiki, Shopee, Adayroi… Ngoài ra, tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… người dân đã có thói quen mua hàng từ các sàn giao dịch thương mại điện tử trên thế giới như: Ebay, Amazon… Điều này cho thấy, việc mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK đóng góp 21% tổng doanh thu thương mại điện tử toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018, có 1,6 tỷ người trên toàn cầu mua sắm trực tuyến, theo dự đoán, năm 2019, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu ước tính sẽ đạt 3.400 tỷ USD và con số này sẽ là trên 4.000 tỷ USD vào năm 2020.

Kết quả khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho thấy: Năm 2018, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt 2,269 triệu USD. Còn theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2018 của lĩnh vực này ở nước ta là từ 25 - 30%. Nếu vẫn duy trì được đà tăng trưởng như vậy thì đến năm 2025, Việt Nam sẽ đứng thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan.

Mặc dù vậy, về mặt pháp lý, cho tới thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có quy định quản lý nhà nước về thương mại điện tử đối với hàng hoá XNK. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hoá XNK giống như với hàng hoá thông thường. Do đó, thông tin về hàng hóa được gửi đến cơ quan quản lý muộn hơn rất nhiều so với thời điểm giao dịch thương mại điện tử được xác lập và cơ quan quản lý không biết thời điểm thực tế phát sinh các giao dịch.

Đặc biệt, theo Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), sự khó khăn khi đấu tranh và xử lý vi phạm liên quan đến giao dịch điện tử thương mại còn do chính sách mở của Nhà nước trong việc đăng ký, thành lập DN cũng như chính sách hải quan điện tử thông thoáng đối với việc phân luồng kiểm tra tờ khai hàng hóa XNK. Bên cạnh đó, đối tượng buôn lậu sử dụng việc liên lạc, trao đổi, thỏa thuận thông qua “giao dịch thương mại điện tử” đã gây khó khăn cho ngành hải quan khi điều tra, xác minh vi phạm. Ngoài ra, việc các bên thỏa thuận với nhau thông qua hình thức giao dịch điện tử cũng gây khó khăn cho công tác giám định, đánh giá chứng cứ trước khi đưa ra quyết định xử lý.

Trước những bất cập nêu trên, đại diện một số công ty thương mại đề nghị Tổng cục Hải quan sớm ban hành quy định riêng về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK thông qua thương mại điện tử...

Cần có cơ chế quản lý riêng

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan - cho rằng: Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo nên thách thức trong hoạt động quản lý hải quan ở cả những quốc gia có nền kinh tế đã phát triển và đang phát triển. Cơ quan hải quan của mỗi quốc gia đều phải nghiên cứu và ban hành cách tiếp cận mới để đảm bảo hoạt động quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho việc giao thương. Một vài quốc gia phát triển có chính sách hỗ trợ thông quan nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử và kiểm soát chặt chẽ hàng hoá giao dịch điện tử xuyên biên giới.

Để đảm bảo quản lý tốt các hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK, Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống quản lý đối với toàn bộ giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, tại Dự thảo Đề án Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK, Tổng cục Hải quan đã đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể với mục đích quản lý các đối tượng tham gia thương mại điện tử, đồng thời tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động này phát triển tại Việt Nam.

Đối với nhóm giải pháp liên quan đến việc thông quan hàng hóa, Dự thảo đưa ra 2 nhiệm vụ cần phải thực hiện. Một là, xây dựng các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm kiểm soát được hàng hóa nhưng giảm thời gian, thủ tục cho người khai hải quan. Để triển khai được nhiệm vụ này, Việt Nam phải xây dựng một nghị định về quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa qua biên giới. Hai là, xây dựng hệ thống nhằm quản lý hoạt động thương mại điện tử phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với nhóm giải pháp liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành, hiện tại, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử không chỉ gửi về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính mà còn được gửi qua các DN vận chuyển bằng đường biển, đường sắt, đường bộ. Vì vậy, Việt Nam cũng cần có quy định về việc miễn kiểm tra chuyên ngành cũng như việc cấp giấy phép đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trong từng trường hợp cụ thể; cùng với đó là quy định về việc giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành.

Đối với trường hợp khách hàng mua được hàng giảm giá qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, do chưa có hệ thống tiếp nhận, lưu giữ, xử lý dữ liệu liên quan đến các giao dịch này, khi hàng về đến Việt Nam, cơ quan hải quan cũng không có căn cứ để tính thuế trên trị giá hàng hóa đã giảm mà vẫn tính nguyên giá hàng hóa ban đầu. Điều này khiến giá trị giao dịch của hàng hóa không được phản ánh đúng. Chính vì vậy, theo Tổng cục Hải quan, Nhà nước cần đưa ra quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua thương mại điện tử là trị giá thực của giao dịch để tính thuế, với điều kiện các thông tin về giao dịch thương mại điện tử được gửi đến hệ thống quản lý các giao dịch này...

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 38 ra ngày 19-9-2019
Cùng chuyên mục
Cần có cơ chế quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử