Cải tổ Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn

(BKTO) - Trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng hiện nay, nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa đã tìm đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD). Tuy nhiên, thực tế, không ít Quỹ BLTD hoạt động kém hiệu quả thời gian qua đã đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý cần nhìn lại hoạt động của Quỹ này để có sự cải tổ cho phù hợp nhằm phát huy khả năng hỗ trợ DN.




Cần có sự cải tổ Quỹ BLTD cho phù hợp nhằm phát huy khả năng hỗ trợ DN. Ảnh minh họa

Nhiều Quỹ chưa phát huyđược vai trò hỗ trợdoanh nghiệp

Quỹ BLTD là quỹ tài chính nhà nước do UBND tỉnh, thành phố thành lập và được cấp vốn điều lệ từ ngân sách tỉnh; hoạt động trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, đảm bảo an toàn vốn. Quỹ này ra đời từ năm 2001 theo Quyết định số 193/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, cả nước có gần 30 Quỹ BLTD được thành lập và đi vào hoạt động với tổng vốn điều lệ thực có khoảng trên 1.400 tỷ đồng. Trong đó, có đến hơn 1.300 tỷ đồng là vốn ngân sách. Doanh số bảo lãnh lũy kế các quỹ ước đạt khoảng 4.346 tỷ đồng, dư nợ cam kết bảo lãnh ước đạt 228 tỷ đồng, số trả nợ thay ước khoảng 36 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho DN nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các Quỹ BLTD vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế như: vốn điều lệ ít do địa phương chưa có nguồn lực để bố trí; năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế; quy trình nghiệp vụ trong thẩm định hồ sơ, kiểm tra, giám sát, thu hồi các khoản nhận nợ bắt buộc còn chưa hoàn thiện. Thực tế vẫn còn không ít Quỹ BLTD có năng lực bảo lãnh không cao, chưa phát huy được vai trò hỗ trợ DN, thậm chí có Quỹ nhiều năm liền hoạt động lay lắt, kém hiệu quả dẫn đến phải giải thể.

“Một trong những nguyên nhân khiến nhiều Quỹ BLTD không phát triển được là do năng lực, quy trình, trách nhiệm không được quy định rõ ràng, sự phối hợp giữa tổ chức tín dụng với các Quỹ này chưa tốt”, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - nhận định.

Nhìn từ góc độ tài chính, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, hiện Quỹ BLTD ở các địa phương có quy mô vốn rất nhỏ, trong khi số lượng DN nhỏ và vừa tại Việt Nam rất lớn nên các Quỹ này không thể đáp ứng được nhu cầu BLTD. Chưa hết, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng, sự hạn chế của các Quỹ, từ vốn điều lệ, nguyên tắc hoạt động, điều kiện để được cấp BLTD cho đến phạm vi và giới hạn cấp BLTD… khiến các DN không được hỗ trợ như mong muốn.

Nâng cấp, mở rộng quy môQuỹ Bảo lãnh tín dụng

Khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khiến nhiều DN cần một tổ chức bảo lãnh. Tuy nhiên, thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải cải tổ, nâng cấp Quỹ BLTD để Quỹ này hoạt động hiệu quả, từ đó hỗ trợ DN tốt hơn trong thời gian tới.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing Nguyễn Văn Hiến, để có thể thực hiện đúng tiêu chí, mục tiêu đặt ra, bản thân các Quỹ BLTD phải đủ mạnh, đủ nguồn vốn. Vốn NSNN một phần, nguồn vốn từ xã hội hóa cũng là phần quan trọng.

Cũng liên quan đến vấn đề nguồn vốn của Quỹ BLTD, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng khuyến nghị: Quỹ nên có chính sách hợp tác kinh doanh, mời gọi đối tác để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, gia tăng năng lực tài chính.

Nhận định tổng nguồn vốn của các Quỹ BLTD hiện nay còn quá nhỏ so với nhu cầu của DN, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, đã đến lúc, Chính phủ cần mở rộng Quỹ này, phải có Quỹ BLTD ở T.Ư để bảo lãnh cho DN.

Còn ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - đề xuất bổ sung quy định trích lập dự phòng rủi ro cho Quỹ BLTD. Bởi lẽ, một trong những điểm yếu lớn trong hoạt động bảo lãnh của các Quỹ BLTD đối với DN nhỏ và vừa là có thể hủy ngang. Theo đó, Quỹ có quyền từ chối một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ bảo lãnh và điều đó tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp với các tổ chức tín dụng. Hơn nữa, bảo lãnh cho vay là hoạt động có rủi ro nhưng hiện cũng chưa có hướng dẫn về việc trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động bảo lãnh áp dụng cho Quỹ BLTD. Do đó, việc bổ sung quy định này là cần thiết.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, để thúc đẩy hoạt động của Quỹ BLTD tại địa phương, chính quyền địa phương cần có sự chỉ đạo, quan tâm về nguồn lực tài chính; phát triển, nâng cao công tác kế toán, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro cho Quỹ BLTD. Công tác bảo lãnh cũng phải phát huy sự phối hợp đồng bộ trong quy trình cho vay giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng; có sự giám sát việc sử dụng nguồn vốn vay, theo dõi dòng tiền trả nợ. Mặt khác, phải có chương trình đào tạo, nâng cấp hệ thống đội ngũ cán bộ, nhân sự trực tiếp để nhận hồ sơ, thẩm định cho vay và kể cả khi thu hồi nợ, đây là điều kiện quan trọng giúp cho Quỹ BLTD phát huy vai trò hỗ trợ DN, thúc đẩy kinh tế phát triển.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Cải tổ Quỹ Bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn