Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank: Tạo động lực cho phát triển kinh tế

(BKTO) - Chính phủ vừa có Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), với mức vốn đề xuất bổ sung năm 2020 tối đa không quá 3.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2019.




Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế. Ảnh minh họa

Tốc độ tăng vốn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản

Báo cáo Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, Agribank là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng bị suy giảm. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II (được hướng dẫn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016), thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng này chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).

Theo Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2019-2021 của Agribank, mức vốn tự có thiếu hụt của Ngân hàng giai đoạn 2019-2021 để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II là rất lớn. Do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II nên Agribank hiện đang được NHNN cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Song đến thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22 chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%). Để đáp ứng quy định tại Thông tư 22, Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.

Nếu không tăng vốn điều lệ cho Agribank ngay trong năm 2020 thì sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là hiện hữu. Khi đó, Agribank sẽ không đảm bảo được vai trò chủ lực trong việc thực thi chính sách của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn khi Ngân hàng này cung ứng đến 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam - Thống đốc Lê Minh Hưng nêu rõ.

Tăng cường vai trò và đóng gópcho nền kinh tế

Để nâng cao năng lực tài chính của Agribank, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán chi NSNN năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp NSNN năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, nếu được cấp bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng trong quý III/2020, quy mô vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ đạt mức trên 34.000 tỷ đồng. Nhờ đó, năm 2020, dư nợ tín dụng của Agribank dự kiến có thể tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng, tương ứng với tổng tài sản tăng thêm khoảng 60.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận năm 2020 khả năng tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng; đóng góp cho NSNN tăng thêm 500 tỷ đồng; vốn nhà nước tại Agribank tăng thêm khoảng 380 tỷ đồng từ trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế. Đồng thời, trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Agribank có điều kiện tăng quy mô trái phiếu phát hành để tăng vốn cấp 2, tạo điều kiện tăng dư nợ cho vay, doanh thu tăng thêm từ 4.500 tỷ đồng đến 5.000 tỷ đồng. Theo đó, Agribank sẽ tăng nộp NSNN tương ứng 900 - 1.000 tỷ đồng thuế Thu nhập DN, lợi nhuận còn lại khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank. Theo đó, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế, phù hợp với quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ có tính lan tỏa cao, tăng dư nợ tín dụng cho khách hàng, nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần hỗ trợ kịp thời hệ thống ngân hàng trong việc giảm tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 đối với các đối tượng yếu thế, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, đa số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc tăng vốn cho Agribank không chỉ giúp gia tăng giá trị DN mà còn tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa cũng như gia tăng giá trị thặng dư của DN, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế. Các đại biểu cũng khẳng định có đủ cơ sở để tăng vốn điều lệ cho Agribank. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là ngân hàng 100% vốn nhà nước, là DNNN. Theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước sản xuất kinh doanh tại DN thì việc cấp bổ sung vốn cho Ngân hàng này thuộc quyền của Thủ tướng. Tuy nhiên, do nghị quyết của Quốc hội đã quy định không sử dụng NSNN cấp vốn cho các ngân hàng thương mại và việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không nằm trong dự toán chi ngân sách Quốc hội đã thông qua cho nên phải báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Quảng Ninh) nhận định, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tối đa không quá 3.500 tỷ đồng không ảnh hưởng nhiều đến nộp thuế và ngân sách của ngân hàng thương mại. Việc tăng vốn không phải là để ngân hàng hưởng lợi mà sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Đ.KHOA
Cùng chuyên mục
Bổ sung vốn điều lệ cho Agribank: Tạo động lực cho phát triển kinh tế