70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên kênh số vào năm 2025

(BKTO) - Sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng” được tổ chức nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, các nhiệm vụ trong Kế hoạch chuyển đổi số (CĐS) ngành ngân hàng, góp phần thực hiện Chương trình CĐS quốc gia.



                
   

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm. Ảnh: NHNN

   

Ngày 04/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức sự kiện “CĐS ngành ngân hàng”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự sự kiện.

Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số trong ngành ngân hàng

Sự kiện “CĐS ngành ngân hàng” nhằm đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, các nhiệm vụ trong Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng, góp phần thực hiện Chương trình CĐS quốc gia, lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS trong hoạt động ngân hàng.
         
Sự kiện “CĐS ngành ngân hàng” bao gồm chuỗi các hoạt động: Công bố “Ngày CĐS” hằng năm của ngành ngân hàng và ra mắt Ban Chỉ đạo CĐS ngành ngân hàng; trình diễn Demo công nghệ với sự tham gia của các ngân hàng và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS); Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy CĐS ngân hàng”; Triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS của ngành ngân hàng gồm 13 gian hàng của 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, 8 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và Công ty VNPay.

Tại sự kiện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược CĐS quốc gia xác định ngân hàng là một trong số các ngành, lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao, có ảnh hưởng hằng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Điều này thể hiện sự tin tưởng và cũng là trọng trách lớn lao mà Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành ngân hàng.

Để triển khai định hướng, chỉ đạo và nhiệm vụ được giao một cách thống nhất, xuyên suốt, NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS ngành ngân hàng do Thống đốc là Trưởng ban.
                
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công cuộc CĐS. Ảnh: NHNN

   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Thời gian qua, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trong công cuộc CĐS trên các mặt: Kiến tạo thể chế, xây dựng hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và đảm bảo an ninh an toàn; công tác truyền thông, giáo dục tài chính được đẩy mạnh.

Ngày 11/5/2021, NHNN đã ban hành Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thống nhất ý chí, hành động toàn ngành để tạo sức mạnh cộng hưởng to lớn giúp ngành ngân hàng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, tiếp tục tiên phong trong triển khai Chương trình CĐS quốc gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam.

Để triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ, Kế hoạch CĐS ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động...

Để ghi dấu ấn cho hoạt động CĐS của ngành, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong Chương trình CĐS quốc gia, ngày 11/5 được chọn là Ngày CĐS ngành ngân hàng.

Xây dựng lộ trình chuyển đổi số với giải pháp và nguồn lực phù hợp

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Toàn ngành ngân hàng đã nhận thức rõ và chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhằm chuyển đổi nhiều hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ sang môi trường số, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc CĐS quốc gia.
                
   

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành ngân hàng xây dựng chương trình CĐS với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể. Ảnh: NHNN

   

Nêu rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong CĐS; đánh giá kỹ kết quả, nguyên nhân, hạn chế, bất cập, các bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo tình hình sắp tới, xây dựng chương trình CĐS toàn ngành với lộ trình, giải pháp và nguồn lực phù hợp, cụ thể.
         
CĐS ngành ngân hànglà sự kiện quan trọng, khẳng định nỗ lực lớn, quyết tâm cao của ngành ngân hàng trong tiến trình đẩy mạnh CĐS quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số” – Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, trước hết, cần tiếp tục chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng để rà soát, ban hành, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp lý phù hợp với thực tiễn và bối cảnh CĐS, tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo sự hài lòng, gắn bó của khách hàng.
                
   

Các đại biểu lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: NHNN

   

Hai là, CĐS triển khai một cách tổng thể đảm bảo hiệu quả, không được lãng phí nguồn lực; có trọng tâm, trọng điểm; tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; phân định rõ ứng dụng công nghệ và trung gian tài chính, tránh tình trạng doanh nghiệp công nghệ lấn sân sang hoạt động trung gian tài chính.

NHNN cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển các hạ tầng dùng chung của ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để tích hợp, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm từng bước xây dựng hệ sinh thái công dân số mang lại giá trị mới và lợi ích mới thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến ngành ngân hàng trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ba là, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin khách hàng, dữ liệu cá nhân; cơ sở dữ liệu, thông tin dữ liệu, kết nối theo chuẩn; tăng cường kiểm tra, giám sát; phân tích dữ liệu để bảo đảm an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống cũng như phòng chống tội phạm, rửa tiền.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của CĐS trong lĩnh vực ngân hàng, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả.

Năm là, quan tâm hơn nữa công tác đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là về nhân lực công nghệ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và đạo đức nghề nghiệp để phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của người lao động ngành ngân hàng nhằm phục vụ tốt hơn nữa người dân và doanh nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CĐS để phát triển, tiếp nhận các công nghệ mới vào các hoạt động ngân hàng./.
THÀNH ĐỨC


Cùng chuyên mục
70% giao dịch khách hàng được thực hiện trên kênh số vào năm 2025