3 yếu tố cơ bản giúp thu ngân sách nhà nước liên tục vượt dự toán

(BKTO)- Vài năm gần đây, thu NSNN đều vượt kế hoạch. Đặc biệt, năm 2019, thu NSNN hoàn thành sớm và vượt 5% so với dự toán. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, kết quả này có được là nhờ sự hội tụ của 3 yếu tố cơ bản.



                
   

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - Ảnh: Thu Hường

   

Thu NSNN 4 năm liên tiếp hoàn thành vượt dự toán

Năm 2019, Quốc hội quyết định dự toán thu cân đối NSNN là 1.411,3 nghìn tỷ đồng. Việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách được thực hiện trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng từ những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và diễn biến bất thường của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Vượt qua những khó khăn, thách thức nêu trên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành tài chính đã đoàn kết, đồng lòng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Đến hết ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt xấp xỉ 9,8% (138,2 nghìn tỷ đồng) so dự toán, cao hơn mục tiêu phấn đấu (vượt 5%). Đây là năm thứ 4 liên tiếp hoàn thành vượt dự toán.

Kết quả trên có được là nhờ sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là sự tăng trưởng ở mức cao, bền vững của nền kinh tế.

Mặc dù điều kiện trong và ngoài nước không thuận lợi như nêu trên nhưng nước ta đã đạt được thành tựu toàn diện. Đây là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,02% (mục tiêu tăng 6,6-6,8%), chất lượng tăng trưởng được nâng lên, hiệu quả đầu tư được cải thiện, năng suất lao động tăng 6,2%, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 46,11%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79% (mục tiêu dưới 4%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt trên 517 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư gần 10 tỷ USD… Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, đạt được kết quả ấn tượng. Xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc, xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia tăng 3 bậc.... Đây chính là nền móng vững chắc cho việc thực hiện thu NSNN năm 2019.
         
Cùng với con số ấn tượng về tổng thu NSNN, năm 2019, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7% GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1% GDP, cao hơn mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 (tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP). Cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều thu vượt dự toán, trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 4% (32 nghìn tỷ đồng), thu ngân sách địa phương vượt 17,7% (trên 106,2 nghìn tỷ đồng); l00% địa phương hoàn thành và vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn.
   Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến, ngày càng bền vững hơn. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019. Tỷ trọng thu dầu thô và xuất nhập khẩu giảm dần, từ mức bình quân khoảng 31,2% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 17,5% năm 2019.

Yếu tố quan trọng thứ hai là nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; sự đồng thuận và quyết tâm phấn đấu của các Bộ, ngành, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương và sự đóng góp to lớn, trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đối với công tác quản lý thu NSNN .

Năm 2019, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành NSNN theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế, nhằm đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi dự toán trong mọi tình huống.

Bộ cũng đã tập trung chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan làm tốt công tác quản lý thu NSNN; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và xử lý thuế nợ đọng. Toàn ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng vốn đầu tư... Năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện gần 100 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; qua đó kiến nghị xử lý tài chính gần 72 nghìn tỷ đồng, riêng kiến nghị thu vào NSNN 25 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong năm, các lực lượng chức năng đã chủ trì bắt giữ 17,3 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 481 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 51 vụ án hình sự và chuyển các cơ quan khác kiến nghị khởi tố 164 vụ.

Một yếu tố quan trọng tiếp theo là việc tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thu ngân sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.
Năm 2019, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 23 thủ tục và ban hành mới 38 thủ tục trong các lĩnh vực thuộc Bộ quản lý để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và DN. Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; triển khai trực tuyến 982 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính.

Trong lĩnh vực thuế, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai đến 63 chi cục thuế địa phương, với 99,86% số DN tham gia, tiếp nhận khoảng 12 triệu hồ sơ khai thuế; số DN đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99,5% và hoàn thuế theo phương thức điện tử đạt 93,3%...

Thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại các đơn vị hải quan thông qua các hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại các cục hải quan. Mở rộng kết nối thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công qua Cơ chế một cửa quốc gia với 13/14 Bộ, ngành, 173 thủ tục hành chính; trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 5 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 24/10/2019, Chỉ số Nộp thuế và bảo hiểm xã hội của Việt Nam tăng 22 bậc, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá; vượt chỉ tiêu của Chính phủ đề ra.

Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm...

Bên cạnh những kết quả nêu trên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng công tác điều hành tài chính – NSNN năm 2019 vẫn còn hạn chế cần khắc phục.

Đối với thu ngân sách, chúng ta không được chủ quan, cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý thu, chống thất thu, chống nợ đọng và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN; phấn đấu cải thiện thứ hạng nộp thuế và bảo hiểm xã hội trên bảng xếp hạng thế giới (hiện đang là 109/190 quốc gia).

Đối với chi ngân sách, phải kiên quyết điều hành chi ngân sách theo dự toán đã được Quốc hội, HĐND thông qua. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục tình trạng triển khai và giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN chậm. Đây là nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư công thấp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và kể cả thu NSNN ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục đẩy nhanh việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN và tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính. Thực tiễn năm 2019 cho thấy công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN chuyển biến rất chậm do một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa quyết liệt triển khai kế hoạch cổ phần hóa; còn xảy ra nhiều sai phạm trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, đấu thầu mua sắm ở nhiều ngành, nhiều cấp; tình trạng chi tiêu sai chế độ, vượt định mức, thất thoát, lãng phí còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ...

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, đề ra giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên cả trong dài hạn và cho năm 2020./.

THÙY ANH (ghi)
Cùng chuyên mục
3 yếu tố cơ bản giúp thu ngân sách nhà nước liên tục vượt dự toán