INTOSAI và hướng dẫn của INTOSAI về hoạt động kiểm toán nhà nước

(BKTO) - Ngày 05/12, đoàn cán bộ cấp cao của KTNN Việt Nam đã đến thành phố Abu Dhabi, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất tham dự Đại hội Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) lần thứ 22.




INTOSAI cung cấp khung thể chế nhằm thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan KTNN thành viên.Ảnh: TS
Là thành viên chính thức của INTOSAI từ năm 1996 - sau 2 năm thành lập, KTNN Việt Nam ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chuyên môn của INTOSAI; triển khai xây dựng và thực hiện các chuẩn mực, phương pháp kiểm toán theo hướng tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAI). Nhân dịp này, Báo Kiểm toán xin giới thiệu một số nét khái quát về tổ chức và hoạt động của INTOSAI, sự tham gia của KTNN Việt Nam vào các hoạt động của tổ chức này.

Với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp phi chính phủ, độc lập và tự quản, INTOSAI đã và đang hoạt động thực sự hiệu quả. Hoạt động theo phương châm “Kinh nghiệm chung mang lại lợi ích cho tất cả”, INTOSAI cung cấp khung thể chế cho các thành viên nhằm thúc đẩy sự phát triển và chuyển giao kiến thức, nâng cao chất lượng hoạt động KTNN, tăng cường năng lực chuyên môn, vị thế và ảnh hưởng của các cơ quan KTNN thành viên mỗi quốc gia thông qua việc ban hành hệ thống chuẩn mực, hướng dẫn nghề nghiệp (ISSAI) và thông lệ tốt về hoạt động kiểm toán.

INTOSAI là một tổ chức tự chủ, bảo trợ cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trên thế giới, được thành lập năm 1953 tại Cuba. INTOSAI có 7 tổ chức kiểm toán tối cao khu vực, gồm: Khu vực Mỹ La tinh (OLACEFs), khu vực châu Phi (AFROSAI), khu vực các quốc gia Ả Rập (ARABOSAI), khu vực châu Á (ASOSAI), khu vực Thái Bình Dương (PASAI), khu vực Caribe (CAROSAI), khu vực châu Âu (EUROSAI), với 192 thành viên chính thức.

Ngoài ra, INTOSAI có 5 thành viên liên kết, gồm: Hiệp hội các Tổ chức kiểm toán tối cao cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (AISCCUF), Tòa kiểm toán các Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi (UEMOA), Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao cộng đồng các nước sử dụng tiếng Bồ Đào Nha (CPLP), Viện Kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA) và Ngân hàng Thế giới (WB).

INTOSAI có các nhóm làm việc, các ủy ban và nhóm nòng cốt theo lĩnh vực cụ thể và yêu cầu chuyên môn về kiểm toán công để xây dựng, phát triển, chuyển giao các chuẩn mực, thông lệ, hướng dẫn kiểm toán cho các thành viên INTOSAI. INTOSAI hoạt động thông qua cơ chế đại hội và Ban điều hành, Đại hội bầu ra Chủ tịch và Ban điều hành với nhiệm kỳ 3 năm để điều hành hoạt động của tổ chức giữa 2 kỳ đại hội; trực tiếp giúp việc cho Ban điều hành là Tổng Thư ký. Chủ tịch hiện tại (nhiệm kỳ 2013-2016) của INTOSAI là SAI Trung Quốc; Tổng Thư ký hiện tại (từ 1968 đến nay) của INTOSAI là Tòa thẩm kế Áo.

INTOSAI đã ban hành và đưa vào sử dụng hệ thống tài liệu nền tảng hướng dẫn về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức của cơ quan KTNN và hoạt động kiểm toán bao gồm:

Tuyên bố Lima hướng dẫn về các nguyên tắc kiểm toán (ISSAI 01)

Tuyên bố Lima về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán được thông qua tại Đại hội INTOSAI lần thứ IX tổ chức tháng 10/1977 tại Lima, Peru, được xem là tài liệu nền tảng cho hoạt động KTNN. Theo Tuyên bố Lima, sử dụng công quỹ hợp lý và hiệu quả là một trong các điều kiện tiên quyết để quản lý chặt chẽ nền tài chính công và quyết định hiệu lực của các cơ quan chức năng. Để đạt được mục tiêu này, mỗi quốc gia cần phải có một cơ quan kiểm toán tối cao độc lập được pháp luật đảm bảo.

Tuyên bố Mehico về sự độc lập của cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI 10)

Tuyên bố Mehico về sự độc lập của cơ quan kiểm toán tối cao ra đời tại Đại hội lần thứ XIX của INTOSAI trên cơ sở thực thi các nguyên tắc cốt lõi của Tuyên bố Lima về Hướng dẫn các quy tắc kiểm toán, theo đó, cơ quan kiểm toán tối cao phải có tính độc lập cần thiết về chức năng và tổ chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuyên bố quy định các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Cơ quan kiểm toán tối cao.

Giá trị và lợi ích của cơ quan kiểm toán tối cao (ISSAI 12)

Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI số 12 (ISSAI 12) quy định rằng ở mức độ nhất định, cơ quan kiểm toán tối cao có thể tạo ra sự khác biệt đối với đời sống của công chúng thông qua những giá trị và lợi ích mà hoạt động kiểm toán mang lại, cụ thể: Tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và liêm chính của Chính phủ và các cơ quan khu vực công; chứng tỏ sự tiếp thu và thích ứng liên tục trong mối quan hệ với công chúng, Quốc hội và các bên hữu quan, cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho Quốc hội.

Minh bạch và trách nhiệm giải trình (ISSAI 20)

Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI số 20 (ISSAI 20) quy định các nguyên tắc về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của KTNN như sau: Thực hiện nhiệm vụ theo một khung pháp lý đảm bảo thực thi trách nhiệm giải trình và tính minh bạch; công khai trước công chúng về chức năng, nhiệm vụ và chiến lược của tổ chức; đảm bảo sự khách quan, minh bạch trong việc áp dụng các chuẩn mực, quy trình và phương pháp kiểm toán; áp dụng các chuẩn mực cao về tính liêm chính, đạo đức nghề nghiệp đối với mọi nhân viên; đảm bảo rằng các nguyên tắc giải trình và minh bạch của tổ chức không có sự thỏa hiệp khi KTNN thuê các bên thứ ba cung cấp dịch vụ hoặc thực hiện hoạt động của mình; quản lý hoạt động của tổ chức một cách kinh tế, hiệu quả, hiệu lực; báo cáo công khai, thông tin kịp thời về các hoạt động, kết quả kiểm toán của tổ chức; tận dụng nguồn tư vấn độc lập bên ngoài để nâng cao chất lượng và độ tin cậy công việc của tổ chức.
Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp (ISSAI 30) và Chuẩn mực về kiểm soát chất lượng (ISSAI 40)

Những nội dung chủ yếu của “Bộ quy tắc nghề nghiệp” bao gồm các quy định, hướng dẫn về: Tính liêm chính, độc lập, khách quan và không thiên vị; trung lập về chính trị; xung đột lợi ích của kiểm toán viên; thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin; trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn. Chuẩn mực kiểm toán quốc tế của INTOSAI số 40 về kiểm soát chất lượng kiểm toán quy định các nội dung cơ bản về khái niệm và yêu cầu của kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với KTNN.

NGỌC QUỲNH
Cùng chuyên mục
INTOSAI và hướng dẫn của INTOSAI về hoạt động kiểm toán nhà nước