Mưa lũ gây tê liệt nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc

(BKTO) - Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, tính đến chiều ngày 10/9, các trận mưa lớn kéo dài từ tối 9/9 đến ngày 10/9 tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu đã khiến 10 người thương vong và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản.



Cụ thể, tại Thái Nguyên, mưa lũ đã khiến 3 người chết, 1 người bị thương nhẹ tại phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên do bị tường rào của Nhà máy Cơ khí 19/5 đổ đè vào; 2 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập 1.097 hộ gia đình; 2 điểm trường bị ảnh hưởng; 43 ô tô bị hư hỏng; ngập 663 ha lúa, 1,8 ha ao cá... Đặc biệt, trạm biến áp 110kV Đán tại Thành phố Thái Nguyên bị ngập dẫn đến mất điện toàn bộ khu vực.
                
   

Mưa lũ tại các tỉnh miền núi Phía Bắc - Ảnh: dangcongsan.vn

   
Đến chiều tối 10/9, tình hình ngập úng tại Thành phố Thái Nguyên cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên mực nước trên các sông, suối vẫn đang tiếp tục dâng lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 1.

Tại Hà Giang, do tình hình mưa lớn kéo dài đã khiến 301 ngôi nhà bị ngập nước; thiệt hại 83,07 ha lúa; 12,77 ha hoa màu; gây ngập, sạt lở và ách tắc giao thông tại 43 điểm trên Quốc lộ 4C, tỉnh lộ 176, tỉnh lộ 181 và các tuyến đường giao thông liên huyện, giao thông nông thôn tại nhiều huyện; hư hỏng nhiều cầu dân sinh..

Đặc biệt, tại huyện Yên Minh- một trong những huyện chịu hậu quả nặng nề nhất của mưa bão, nhiều điểm trường bị ngập úng, trên 300 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn, nhiều tài sản của nhân dân bị cuốn trôi, gần 100 ha lúa bị ngập úng, nhiều tuyến đường bị sạt lở đất với tổng khối lượng hàng nghìn mét khối.
                
   

Mưa lớn gây ngập úng tại huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

   

Theo bà Phan Thị Minh- Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết, ngay sau khi nước rút, lãnh đạo Yên Minh đã chỉ đạo lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả; sử dụng máy móc san ủi các điểm sạt lở và dọn dẹp các tuyến đường để đảm bảo giao thông được thông suốt.

Bà Phan Thị Minh đánh giá, đây là trận mưa gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay tại huyện Yên Minh, dù nước đã rút nhưng trời vẫn tiếp tục mưa nên không thể chủ quan. UBND tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương di dời những hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn.

Tại Cao Bằng, mưa nhiều gây sạt lở 9 ngôi nhà; thiệt hại gần 100 ha lúa, 25 ha hoa màu; nhiều tuyến đường bị ngập và sạt lở đất, nhất là trên tuyến đường tỉnh 202 gây ách tắc về giao thông.

Tại Bắc Kạn, có 4 người bị thương do sét đánh tại huyện Chợ Đồn và Pác Nặm; sạt lở 3 ngôi nhà; thiệt hại hơn 90 ha lúa; hư hỏng cống trên đường tỉnh lộ 257B.

Tại Tuyên Quang, một gia đình 3 người đã bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tại huyện Hàm Yên. Hiện mới tìm thấy thi thể của 2 người, bé gái 7 tuổi vẫn đang mất tích.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, tất cả các huyện đã chỉ đạo các ngành, UBND xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả; sử dụng các phương tiện máy móc để san ủi các điểm sạt lở, thông các tuyến đường; sử dụng bè, mảng vận chuyển người đi qua các điểm ngập.

Trước tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chồng Thiên tại cũng đưa ra cảnh báo về mưa dông, lốc sét có thể xảy ra nhiều nơi, yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động ứng trực 24/24 giờ, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” khi có tình huống thiên tai xảy ra.

THÙY CHI(tổng hợp )
Cùng chuyên mục
Mưa lũ gây tê liệt nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc