Ứng cử viên nào sẽ cán đích trong cuộc đua vào “ghế nóng” WTO?

(BKTO)- Ngày 31-8 tới, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo sẽ chính thức từ chức, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO thay thế ông Azevedo đang “nóng” lên. Hiện cuộc đua này đang nổi lên 8 ứng cử viên sáng giá.



                
   

Tổng số ứng cử viên tham gia tranh cử vị trí tổng giám đốc WTO đã lên tới 8 người - Nguồn sưu tầm.

   

Khoảng trống lãnh đạo

Ngày 14-5-2020, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo, người Brazil, đã đưa ra thông báo bất ngờ rằng, ông sẽ rời nhiệm sở sớm hơn một năm vì lý do cá nhân. Ông Azevedo, 62 tuổi, là nhà ngoại giao người Brazil, nhậm chức Tổng Giám đốc WTO kể từ tháng 9-2013. Theo đúng lịch trình thì phải đến tháng 8-2021, ông Azevedo mới kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình. Lý do từ nhiệm trước thời hạn được ông Azevedo đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho các thành viên lựa chọn người kế nhiệm trong những tháng tới, mà không phải tìm cách kéo dài thời gian, để tổ chức này tập trung hơn cho công tác chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào năm 2021.

Ngay sau khi rời vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 31-8 tới, ông Roberto Azevedo sẽ đầu quân cho PepsiCo trên cương vị Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của công ty này. PepsiCo kỳ vọng ông Azevedo với những kỹ năng chính trị và kiến thức uyên thâm về các vấn đề môi trường, xã hội, chính trị và lập pháp, sẽ mang lại bước đi đột phá cho công ty này.

Theo các chuyên gia, quyết định từ chức của ông Azevedo là một quyết định gây khá nhiều bất ngờ, tại thời điểm mà WTO đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Kể từ khi đi vào hoạt động ngày 1-1-1995, với sứ mệnh tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại tự do và công bằng, WTO đã thiết lập những tiêu chuẩn và quy tắc chi phối các hiệp định thương mại quốc tế và được coi là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng, qua đó thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung.

Sau 25 năm hoạt động, không thể phủ nhận là WTO đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên. Thế nhưng cũng có một thực tế là sau 25 năm, WTO đang vấp phải những lời chỉ trích khi hoạt động chưa thật sự hiệu quả, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại, chủ nghĩa đơn phương đang leo thang. Có thể kể đến như việc thời gian qua, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã liên tục bày tỏ sự thất vọng về WTO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi WTO. Mỹ còn ngăn chặn WTO bổ nhiệm thẩm phán mới (sau khi các thẩm phán cũ đã hết nhiệm kỳ) cho tòa phúc thẩm WTO đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng hiện tại của WTO. Kể từ ngày 11-12-2019, cơ quan phúc thẩm WTO-cơ quan có thẩm quyền xét xử cao nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu-đã rơi vào tình trạng tê liệt, vì chỉ còn một thẩm phán, trong khi quy định về tranh chấp thương mại cần tối thiểu 3 thẩm phán để duy trì hoạt động. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump cũng chỉ trích WTO vì cho rằng các quy định hiện hành của WTO đang cho phép Trung Quốc hưởng trạng thái đặc biệt như một quốc gia đang phát triển, mặc dù nước này hiện đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông Trump cho rằng đây là một điều bất công đối với Mỹ.

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, WTO hiện đang phải đối mặt với ba thách thức căn bản.
Thứ nhất là thể chế này đã không hoạt động hiệu quả để giải quyết các tranh chấp cũng như nỗ lực cải tổ. Kể từ khi thành lập năm 1995, WTO chưa có bất kỳ một vòng đàm phán thương mại toàn diện mới nào, một phần bởi các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận để thông qua các thỏa thuận. Ngoài ra, WTO cũng thất bại trong việc giải quyết các hành xử thương mại bất công.

Thứ hai, các quy tắc WTO không bao hàm các lĩnh vực thương mại số, các dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và nhiều dịch vụ như hàng không thương mại. Những quy tắc này đã không giải quyết được vấn đề trợ cấp của các nước đang phát triển.

Thứ ba là, từ thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush, Mỹ đã luôn cho rằng cơ quan phúc thẩm WTO đã hoạt động vượt quá thẩm quyền của mình. Đó là giải quyết các trường hợp cụ thể bằng cách sử dụng các quy tắc được thương lượng bởi các quốc gia thành viên. Cơ quan này thậm chí gần đây còn lên tiếng đòi hỏi quyền yêu cầu làm sáng tỏ khi các quốc gia được phép khẳng định lợi ích an ninh quốc gia để hạn chế đầu tư và thương mại.

Với nhiều thách thức trên nên dù ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO thay thế ông Roberto Azevedo thì chắc chắn con đường phía trước là không hề bằng phẳng.

Cuộc đua "bát mã"

Thời gian qua, sau khi ông Azevedo tuyên bố từ chức, WTO không thể chọn được một Quyền Tổng Giám đốc vì các nước thành viên không đạt đồng thuận. Thực tế, WTO là tổ chức khá độc đáo, bởi vì mọi quốc gia đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, trong số các ứng cử viên đang tranh cử, phải tìm được một người thực sự lọt được vào mắt xanh của tất cả 164 quốc gia. Đối với các nhà phân tích, điều quan trọng nhất nằm ở sự đồng thuận giữa những cường quốc hàng đầu trong thương mại quốc tế. Các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ , EU và Nhật Bản phải nhất trí với ứng cử viên mà họ sẽ làm việc cùng.

Tính đến nay, WTO xác nhận tổng số ứng cử viên tham gia tranh cử vị trí tổng giám đốc đã lên tới 8 người. Đó là:

Ứng cử viên Jesus Seade Kuri (người Mexico) là một nhà kinh tế học, làm việc cho Bộ Ngoại giao Mexico từ năm 2018. Ông Kuri được biết đến là nhà đàm phán chính đại diện Mexico trong đàm phán về Hiệp định Thương mại Mỹ, Mexico và Canada (USMCA).

Ứng cử viên Ngozi Okonjo-Iweala (người Nigeria) là một chuyên gia tài chính toàn cầu, từng làm Bộ trưởng Tài chính của Nigeria trong 2 nhiệm kỳ. Bà Okonjo-Iweala đã được vinh danh là một trong số 8 nữ “chiến binh” chống tham nhũng, người truyền cảm hứng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế bình chọn. Năm 2014, bà được Tạp chí Time bầu chọn là một trong số 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Ứng cử viên Abdel-Hamid Mamdouh (người Ai Cập) làm một nhà tư vấn từ năm 2017. Trước đó ông cũng đã làm việc tại WTO với vai trò là Giám đốc bộ phận thương mại dịch vụ và đầu tư của WTO từ năm 2001-2017.

Ứng cử viên Tudor Ulianovschi (người Moldova) từng là Bộ trưởng Ngoại giao Moldova từ giữa năm 2018 đến 2019. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm là một nhà ngoại giao.

Ứng cử viên Yoo Myung-hee (người Hàn Quốc) là một nhà đàm phán kỳ cựu trong các cuộc đàm phán thương mại của Hàn Quốc. Bà Yoo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc từ năm 2019. Bà nói giỏi tiếng Anh và từng giữ chức Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống liên quan đến vấn đề nước ngoài, dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye.

Ứng cử viên Amina Mohamed (người Kenya) từng là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại của Kenya từ năm 2013 đến 2018. Trong vai trò này, bà đã chủ trì hội nghị WTO năm 2015 ở Nairobi, trở thành người châu Phi đầu tiên chủ trì một diễn đàn cấp cao của WTO.

Ứng cử viên Mohammad Maziad Al-Tuwaijri (người Saudi Arabia) hiện là Bộ trưởng cố vấn cho Tòa án hoàng gia về các vấn đề chiến lược kinh tế quốc tế và địa phương ở Saudi Arabia. Trước khi trở thành bộ trưởng, ông đã làm việc trong ngành ngân hàng.

Ứng cử viên Liam Fox (Anh) từng là Ngoại trưởng Anh về thương mại quốc tế và hiện ông là nghị sỹ tại Quốc hội Anh. Hiện tại, ông đang đóng vai trò hỗ trợ, cập nhật và cải cách WTO.

Theo đánh giá của các chuyên gia, 8 ứng cử viên trên đều là những người dày dặn kinh nghiệm về thương mại toàn cầu, trong đó nhiều người từng đóng những vai trò quan trọng trong WTO. Theo kế hoạch, quá trình bầu chọn lãnh đạo mới của WTO sẽ chính thức bắt đầu ngày 7-9 và có thể kéo dài 2 tháng. Cho dù chưa thể tiên đoán chắc chắn được ai sẽ tiếp quản chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO nhưng bất kể ai ngồi vào “ghế nóng” của WTO tới đây cũng sẽ phải gánh vác trách nhiệm rất lớn để giúp tổ chức này lấy lại uy tín, như khôi phục các cuộc đàm phán thương mại đang gặp bế tắc, lên kế hoạch về hội nghị cấp bộ trưởng trong năm 2021, cải thiện quan hệ với Mỹ, cập nhật các quy tắc thương mại toàn cầu đã lỗi thời sau 25 năm tồn tại...
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
  • Những câu hỏi xung quanh bầu cử Mỹ
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới là sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm.
  • Căng thẳng thương mại Mỹ-EU bước đầu hạ nhiệt
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi EU quyết định miễn thuế cho mặt hàng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ vào EU. Đây được coi là kết quả đầu tiên trong nỗ lực giảm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, cho thấy thiện chí của cả hai bên trong bối cảnh vẫn còn đang tồn tại rất nhiều bất đồng thương mại.
  • Hiệp định EVFTA: Sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Để tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính căn cứ thông báo tại công thư số Ares (2020) 1982973 của Uỷ ban châu Âu (EC), chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có hướng dẫn cho các cơ quan hải quan địa phương và doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi.
  • Kinh tế Thái Lan sụt giảm mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) ngày 17/8 công bố báo cáo cho biết, kinh tế Thái Lan đã chứng kiến mức suy giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ qua trong quý 2/2020, do tác động của đại dịch COVID-19.
  • Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc tiếp tục tăng 3 con số, trong khi đó Australia ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất, còn Pháp phát hiện hơn 3.000 ca mắc mới ngày thứ hai liên tiếp.
Ứng cử viên nào sẽ cán đích trong cuộc đua vào “ghế nóng” WTO?