Mỹ lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế

(BKTO)- Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 01/6 nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng vững chắc, ngay cả khi các công ty của nước này đối mặt với tình trạng thiếu nhân công, giá cả leo thang. Với tỷ lệ lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, Chính phủ Mỹ đang tìm mọi biện pháp để kiềm chế lạm phát nhưng cũng tránh để nền kinh tế rơi vào suy thoái.



                
   

   
   

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua - Nguồn: Reuters

   


Hoạt động sản xuất đã tăng trưởng nhanh hơn

Trong khảo sát Beige Book (Sách Be) mới nhất về điều kiện kinh doanh, FED chỉ ra có một số khu vực gia tăng quan ngại về suy thoái kinh tế. Toàn bộ 12 khu vực của FED đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó có 4 khu vực có tốc độ tăng trưởng chậm, 3 khu vực đặc biệt quan ngại về suy thoái.

Theo khảo sát, được tiến hành đến ngày 23/5, FED nhận thấy giá cả tại hầu hết khu vực đều tăng mạnh, đặc biệt là giá đầu vào. Trong khi đó, nhiều công ty vẫn dự định tăng giá đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực, lượng hàng mà người tiêu dùng mua ít hơn hoặc thay thế bằng hàng hóa có giá thành rẻ hơn.

FED đưa ra báo cáo Beige Book trước thềm cuộc họp chính sách của cơ quan này, dự kiến diễn ra vào ngày 14 và 15/6. Báo cáo cũng chỉ ra tác động từ các biện pháp chống lạm phát tích cực của ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lạm phát cao đang "phủ bóng đen" lên những cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden về nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới tăng trưởng sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua lần lượt là 8,5% và 8,3%, đều là những mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự kiến giá tiêu dùng trong năm nay sẽ tăng 4% so với năm 2021, nhưng sẽ giảm dần khi FED tăng lãi suất và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đầu tháng này, FED đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,5 điểm %, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2000. FED cũng nhấn mạnh "cam kết và quyết tâm mạnh mẽ" trong việc kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất. Cùng ngày, Viện quản lý cung ứng (ISM) của Mỹ đưa tin sản xuất của nước này đã chứng kiến mức tăng trưởng nhanh hơn trong tháng 5, dù chuỗi cung ứng vẫn đang bị gián đoạn.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ở mức 56,1%, tăng 0,7 điểm % so với tháng 4. Nếu chỉ số này trên 50%, có nghĩa lĩnh vực sản xuất nói chung đang mở rộng. Theo ISM, chỉ số đơn đặt hàng mới là 55,1%, cao hơn 1,6 điểm % so với mức của tháng 4, chỉ số đơn tồn đọng là 58,7%, cao hơn 2,7 điểm %. Chỉ số giao hàng của nhà cung cấp là 65,7%, thấp hơn 1,5 điểm % so với tháng 4. Điều này cho thấy việc giao hàng diễn ra nhanh hơn chút ít, và việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng cũng đã giảm bớt.

Kiềm chế lạm phát là thách thức kinh tế hàng đầu

                
   

   
   

Động thái tăng lãi suất của FED có thểảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng - Nguồn: Reuters

   


Với việc công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 2000 hồi đầu tháng 5, FED cho thấy quyết tâm kiềm chế lạm phát đang tăng vọt của Mỹ. Tuy nhiên, biện pháp này cũng làm dấy lên lo ngạilàm nhu cầu tiêu dùng tăng chậm lại khiến kinh tế rơi vào suy thoái.

Trong cuộc họp với Chủ tịch FED Jerome Powell và bà Yellen - Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 31/5 vừa qua, Tổng thống Biden đã lên tiếng ủng hộ FED chống lạm phát và kêu gọi tôn trọng sự độc lập của cơ quan này.

Do hậu quả của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2020 và FED đã hạ lãi suất xuống mức trên 0 để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất thấp kết hợp với các chương trình kích thích khác của chính phủ và tình trạng thiếu nguồn cung do đại dịch và chiến sự Ukraina khiến giá cả cao hơn, gây sức ép với ngân sách của nhiều người tiêu dùng Mỹ. Tháng 3 năm nay, FED bắt đầu tăng lãi suất và tiếp tục đợt tăng lãi suất khác vào đầu tháng 5. Với mức lãi suất “mục tiêu” hiện tại trong khoảng 0,75% đến 1%, FED đã ra tín hiệu cho thấy có thể sẽ tăng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay.

FED cũngtự tin với nhận định nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu đựng việc tăng lãi suất mà không rơi vào suy thoái. Bên cạnh đó, những yếu tố tích cực từ nền kinh tế cũng là cơ sở để một số nhà quản lý quỹ và các nhà chiến lược vẫn giữ vững quan điểm cho rằng lạm phát tại Mỹ sẽ sớm đạt đỉnh và nền kinh tế nước này sẽ không rơi vào suy thoái.

Theo một số chuyên gia về đầu tư và các nhà kinh tế, việc giá cả tại Mỹ tăng mạnh như hiện nay sẽ không nghiêm trọng như cú sốc kéo dài vào những năm 1970. Lạm phát là mối lo ngại, nhưng việc làm vẫn đảm bảo. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương vẫn tăng, dù không nhanh như giá cả. Những gián đoạn của chuỗi cung ứng có thể sẽ bắt đầu giảm đi, từ đó giảm đáng kể sức ép lên giá hàng hóa. Nhà chiến lược Kit Juckes tại Societe Generale nhận định lạm phát sẽ lên đến đỉnh điểm trong một, hai tháng tới và lạm phát lõi sẽ giảm xuống khoảng 3%.

Tuy nhiên, những nghiên cứu cũng cho thấy người tiêu dùng đang điều chỉnh hành vi. Các tập đoàn bán lẻ Walmart và Target gần đây đã công bố các dự báo kém khả quan khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors, Megan Horneman, cho rằng sức ép lạm phát hiện nay là đáng kể và là một trong những yếu tố gây rủi ro suy thoái. Bà cũng cho rằng lạm phát đã gần đạt đỉnh, nhưng các nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho việc lạm phát sẽ cao hơn so với thập niên qua. Theo bà, chuỗi cung ứng sẽ cần cải thiện và nhu cầu cần tăng chậm hơn./.

NAM SƠN (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
  • Giá xăng tăng và bài toán kiểm soát lạm phát
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Giá xăng dầu tăng cao kéo theo việc tăng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng. Phản ánh tình trạng này, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình, có chính sách can thiệp kịp thời, hiệu quả nhằm kiểm soát nguy cơ lạm phát tăng cao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
  • Đại biểu Quốc hội “hiến kế” đẩy nhanh tiến độ đầu tư công
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công chậm đã trở thành “căn bệnh trầm kha”, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và NSNN, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập này.
  • Cà Mau đôn đốc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành; Công an tỉnh; Công ty Điện lực Cà Mau; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Bưu điện tỉnh; Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau triển khai thực hiện Công văn 1832 ngày 16/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đôn đốc, thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
  • Chưa phát hiện gian lận về hóa đơn điện tử
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết tại Họp báo chuyên đề về hóa đơn điện tử do Bộ Tài chính tổ chức chiều nay, 01/6.
  • 5 tháng, ước tính cả nước xuất siêu 516 triệu USD
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 5 năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 62,69 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước (tương ứng giảm tới 3,09 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% (tương ứng giảm 2,84 tỷ USD) so với tháng trước và trị giá nhập khẩu đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% (tương ứng giảm 258 triệu USD) so với tháng trước.
Mỹ lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế