Kinh tế thế giới trong đại dịch

(BKTO)- Các quốc gia trên thế giới tiếp tục tung ra các biện pháp tài chính và gói cứu trợ khổng lồ nhằm cứu nền kinh tế trước đại dịch Covid-19.



                
   

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19

   

Thổ Nhĩ Kỳ chi 28,7 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế

Bộ trưởng Ngân khố và Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ - Berat Albayrak, vừa cho biết chính phủ nước này đã chi 200 tỷ lira (28,7 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo đó, gói kích thích của chính phủ sẽ bao gồm hoãn thuế, trợ cấp việc làm trong thời gian ngắn, hỗ trợ lương tối thiểu và các biện pháp khác để duy trì thương mại.

Ông Albayrak lưu ý rằng những biện pháp này đã hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nhân và các công ty, đồng thời bảo vệ hoạt động sản xuất và việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Albayrak cho biết thêm gần 4,4 triệu hộ gia đình đã được hỗ trợ tiền mặt 1.000 lira/người. Chính phủ cũng sẽ cấp 1.000 lira/người cho những đối tượng không hưởng được gói hỗ trợ nhưng mất thu nhập và việc làm trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Trung Quốc phát hành gần 750 tỷ USD trái phiếu trong tháng Ba

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa công bố số liệu cho thấy tổng giá trị trái phiếu được phát hành tại Trung Quốc đạt 5.300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 748,6 tỷ USD) trong tháng Ba vừa qua.

Giá trị trái phiếu chính phủ đạt 370 tỷ nhân dân tệ, trong khi giá trị trái phiếu do chính quyền các địa phương phát hành là 387,5 tỷ nhân dân tệ. Tính đến cuối tháng Ba vừa qua, quy mô thị trường trái phiếu của Trung Quốc đã ở mức 103.000 tỷ nhân dân tệ.

Trung Quốc đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu của chính quyền các địa phương trong năm nay nhằm hỗ trợ các dự án được triển khai với mục tiêu giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng Ba vừa qua, dự nợ của chính quyền các địa phương đứng ở mức 22.500 tỷ nhân dân tệ.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tài chính Trung Quốc mới đây cho biết, thu ngân sách của nước này trong quý I vừa qua đã giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4.600 tỷ nhân dân tệ (khoảng 650,4 tỷ USD).

Theo bộ này, thu ngân sách sụt giảm mạnh là do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và những yếu tố khác như các biện pháp cắt giảm thuế và phí khổng lồ của nước này.

Do tác động của dịch Covid-19, Trung Quốc đã cắt giảm cơ sở thuế và đưa ra nhiều biện pháp như miễn, giảm và hoãn trả thuế để hỗ trợ cho công tác phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ tăng thu ngân sách quốc gia đã giảm khoảng 10 điểm phần trăm.

Cũng trong quý I vừa qua, chi ngân sách của Trung Quốc giảm 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 5.530 tỷ nhân dân tệ. Trong đó, đáng chú ý, chi cho y tế tăng 4,8% lên 497,6 tỷ nhân dân tệ.

Các cơ quan tài chính ở các cấp đã phân bổ 145,2 tỷ nhân dân tệ cho công tác phòng chống và kiếm soát dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chính phủ đã chi 156 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Sang quý II này, thu ngân sách của Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục giảm. Nhưng một quan chức của Bộ Tài chính Trung Quốc cho rằng cùng với quá trình nối lại hoạt động sản xuất và đưa cuộc sống trở lại bình thường, đà giảm thu ngân sách sẽ thu hẹp dần.

Chính phủ Nhật trình Quốc hội dự thảo sửa đổi ngân sách bổ sung

Cũng trong ngày 27/4, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên Quốc hội dự thảo sửa đổi ngân sách bổ sung có tổng trị giá 25.690 tỷ yen (khoảng 240 tỷ USD) để tài trợ cho gói biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với nền kinh tế.

So với dự thảo mà nội các Nhật Bản thông qua hôm 20/4, dự thảo ngân sách này tăng hơn 8.880 tỷ yen, chủ yếu do sự thay đổi về chính sách trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân. Ban đầu, Thủ tướng Shinzo Abe dự định sẽ trợ cấp 300.000 yen cho mỗi hộ gia đình bị giảm thu nhập do dịch Covid-19. Tuy nhiên, hôm 17/4, ông đã quyết định trợ cấp 100.000 yen/người bằng tiền mặt cho tất cả người dân, kể cả người nước ngoài đang cư trú từ 3 tháng trở lên ở nước này.

Dự kiến, dự thảo ngân sách mới sẽ được Hạ viện xem xét thông qua vào ngày 29/4 - ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản - và tại Thượng viện một ngày sau đó. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Nhật Bản nhóm họp vào ngày nghỉ lễ trong vòng 9 năm qua.

Lần cuối cùng cơ quan lập pháp này họp vào ngày nghỉ lễ là khi thảo luận về dự thảo ngân sách bổ sung sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 ở khu vực Đông Bắc nước này.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao do chịu tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo đó, Hội đồng Chính sách BOJ đã nhất trí “mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu chính phủ mà không áp đặt mức trần.” Bên cạnh đó, BOJ sẽ tăng gấp gần 3 lần số lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), BOJ đã nới lỏng quy định về thế chấp, cho phép các ngân hàng thương mại tiếp cận chương trình hỗ trợ thanh khoản của mình với mục đích tăng dư nợ tín dụng cho các SME.

Để khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng dư nợ tín dụng cho các SME, BOJ sẽ hỗ trợ lãi suất 0,1% cho các ngân hàng này.

Mặt khác, BOJ cũng hạ thấp dự báo về nền kinh tế khi dự báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này có thể sẽ tăng trưởng âm 3% đến 5% trong tài khóa 2020 (bắt đầu từ đầu tháng 4/2020), trong khi tỷ lệ lạm phát có thể sẽ rơi xuống mức từ 0,3% đến 0,7% trong năm nay.

Mặc dù vậy, BOJ vẫn không thay đổi các công cụ khác của chính sách tiền tệ khi giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và dài hạn ở mức khoảng 0%. BOJ sẽ tiếp tục nâng khối lượng trái phiếu Chính phủ Nhật Bản mà họ nắm giữ thêm 80.000 tỷ yen/năm.
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Kinh tế thế giới trong đại dịch