Khủng hoảng bao trùm ngành du lịch thế giới

(BKTO) - Hơn 3 tỷ người trên thế giới bị yêu cầu ở nhà trong nỗ lực hạn chế lây lan của đại dịch Covid-19 gần như đã đóng băng ngành du lịch thế giới. Thiệt hại khủng khiếp được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) ước tính là khoảng 300-450 tỷ USD, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà ngành này thu được vào năm 2019.



                
   

Du khách thăm quan bên ngoài Hoàng cung Thái Lan ở Bangkok - Ảnh TTXVN

   

Lượng khách du lịch quốc tế ước tính giảm 20-30%

Du lịch Italia vốn mang lại gần 100 tỷ USD mỗi năm và giải quyết việc làm cho khoảng 6% số lao động của nước này. Tuy nhiên, “cơn lốc” của đại dịch COVID-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Trên phạm vi toàn quốc, số phòng khách sạn được đặt trước liên tục bị hủy. Các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát ở những khu vực dịch bệnh bùng phát buộc phải đóng cửa.

Trong khi đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan hạ dự báo lượng du khách nước ngoài tới "Xứ sở Chùa vàng" trong năm nay giảm xuống còn 33 triệu lượt, giảm ba triệu lượt so với chỉ tiêu mới nhất và thấp hơn khoảng 6 đến 7 triệu lượt so với mức kỷ lục 39,8 triệu lượt được ghi nhận năm 2019.

Theo UNWTO, lượng khách du lịch quốc tế ước tính sẽ giảm 20-30% vào năm 2020 do dịch COVID-19, qua đó đẩy hàng triệu người làm việc trong ngành này vào tình trạng rủi ro cao.

Con số ước tính trên đã được điều chỉnh giảm mạnh hơn dự báo được đưa ra vào đầu tháng này. Khi đó, UNWTO dự báo mức giảm chỉ từ 1-3%. Để so sánh, lượng khách du lịch quốc tế chỉ giảm 4% trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008-2009. Còn trong năm 2003 khi bùng phát Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) làm 774 người thiệt mạng, con số trên cũng chỉ lùi 0,4%.

Trong thông báo, UNWTO cho biết lượng khách du lịch giảm sẽ dẫn đến tổn thất ước tính 300-450 tỷ USD cho hoạt động du lịch quốc tế, tương đương gần 1/3 trong số 1.500 tỷ USD mà ngành này thu được vào năm 2019.

Tổng Thư ký UNWTO, ông Zurab Pololikashvili, cho biết du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch COVID-19 so với các lĩnh vực kinh tế khác. Ông nói thêm rằng hàng triệu việc làm trong ngành du lịch đang có nguy cơ bị mất đi.

Hãng tin Nikkei của Nhật Bản cũng đưa ra phân tích, dịch COVID-19 đang cho thấy "sự mong manh" của các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và gây không ít khó khăn cho các nền kinh tế Đông Nam Á.

Theo thống kê của Hội đồng Du lịch thế giới, khách du lịch đã đóng góp tới 13% GDP của khu vực Đông Nam Á vào năm 2018, cao thứ hai thế giới chỉ sau khu vực Caribe. Dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài đã tạo ra 220 tỷ USD doanh thu của khu vực Đông Nam Á trong năm 2018, cao hơn so với các con số tương ứng của công nghiệp ôtô và than đá.

Ngành du lịch đóng góp 18% GDP của Campuchia và gần 20% GDP của Thái Lan, trong khi con số trung bình của các thành viên ASEAN khác là 5%.

Cũng theo Nikkei, ước tính 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt với thâm hụt tổng ngân sách tới 40 tỷ USD, nếu lượng khách du lịch trong năm 2020 giảm 50% so với năm 2018 và có thể tăng lên tới 150 tỷ USD nếu số lượng khách giảm xuống còn 0%.
                
   

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vốn là nơi tập trung nhiều khách du lịch nay không một bóng người - Ảnh: TTXVN

   

98% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc

Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Nhưng ngay từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch, riêng quý I năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ có gần 3,7 triệu lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú, tổng thu từ khách du lịch đạt 143.600 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, hai thị trường khách trọng điểm là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng giảm tới trên 90%. Cụ thể, khách Trung Quốc đạt 33.200 lượt, giảm 91,5%; khách Hàn Quốc đạt 28.700 lượt, giảm 91,4%.

So với cùng kỳ năm 2019, khách quốc tế đến từ các châu lục đều giảm mạnh, trong đó khách đến từ châu Á giảm 77,2%, châu Âu giảm 27,5%, châu Mỹ giảm 67,9%, châu Úc giảm 49,9% và châu Phi giảm 37,8%. Những con số liên tục giảm là do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Có thể nói, bóng đen của dịch bệnh đã phủ lên toàn bộ nền kinh tế, mà chịu ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng nhất chính là ngành du lịch. Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho hay, lượng khách mua tour giảm mạnh, tình trạng hủy tour lớn chưa từng có. Công ty Lữ hành Saigontourist tháng 2 giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu sụt giảm 500 tỷ đồng/tháng; Vietravel tháng 2 giảm 40%, tháng 3 giảm 80%, tháng 4 giảm 90% tổng lượng khách; Hanoitourist giảm 70-80% khách…

Trong báo cáo của Chính phủ gửi Thường vụ Quốc hội cho thấy, 98% lao động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo thống kê ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD vì dịch bệnh gây ra.

Để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, giúp doanh nghiệp du lịch phục hồi, góp phần đưa ngành du lịch dần trở lại hoạt động bình thường sau dịch.

Theo đó, Bộ này đề xuất miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý I, II và III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong quý IV/2020 và quý I/2021…

Ngoài ra, nhà quản lý cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019-2020 đến hết tháng 6/2021; giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh…

Những giải pháp này nếu thực tế được triển khai đồng bộ, có thể giúp phá vỡ “tảng băng” khi dịch bệnh được đẩy lùi, để ngành du lịch sớm ấm áp trở lại.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Khủng hoảng bao trùm ngành du lịch thế giới