Đàm phán Anh-EU: Khó khăn chồng chất, triển vọng mờ mịt

(BKTO)- Từ ngày 7 đến 11-9, các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục bước vào một vòng đàm phán mới, vòng đàm phán thứ 8, nhằm bàn thảo về thỏa thuận cho mối quan hệ trong tương lai giữa hai bên hậu Brexit. Cũng giống như những vòng đàm phán trước, vòng đàm phán lần này được nhận định là rất quan trọng song cũng không được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều tiến triển, đột phá.



                
   

Vòng đàm phán thứ 8 giữa Anh và EU không được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều tiến triển, đột phá - Nguồn: sưu tầm.

   

Còn nhiều bất đồng

Anh đã chính thức rời EU vào ngày 31-1-2020, gần 4 năm sau cuộc trưng cầu ý dân lịch sử đặt dấu chấm hết cho gần 50 năm quốc gia này hội nhập châu Âu. Sau sự kiện lịch sử này, Anh và EU bước vào giai đoạn mới, giai đoạn chuyển tiếp (dự kiến kéo dài 11 tháng, đến hết năm 2020), đàm phán để hướng tới một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai. Trong thời gian chuyển tiếp hậu Brexit, hai bên vẫn duy trì mô hình trao đổi thương mại như khi Anh còn là thành viên EU.

Trong thời gian chuyển tiếp, hai bên cần đạt được thỏa thuận mới về mối quan hệ thương mại, cũng như nhiều lĩnh vực khác, muộn nhất là vào mùa Thu tới để Nghị viện hai bên có đủ thời gian xem xét và phê chuẩn. Nếu không đạt thỏa thuận, mối quan hệ thương mại song phương sẽ được định hình dựa theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những mức thuế quan cao hơn hiện nay. Các doanh nghiệp hai bên cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thủ tục phiền hà hơn hiện nay, có thể ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại và đầu tư ở hai bờ eo biển Manche, gây ra nguy cơ thương mại bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này chắc chắn gây thiệt hại kinh tế cho cả hai bên và thậm chí là đối với cả thế giới. Vì vậy đây là một kịch bản mà cả hai bên đều muốn tránh.

Bởi vậy, Anh và EU đã tăng cường các cuộc đàm phán (bắt đầu từ đầu tháng 3-2020) nhằm tìm kiếm một thỏa thuận tự do thương mại, thay thế cho các mối quan hệ đã thay đổi giữa hai bên do Brexit. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp vào ngày 31-12 ngày càng gần mà hai bên vẫn đang mắc kẹt trong những bất đồng chưa thể tháo gỡ.

Trên thực tế, giai đoạn chuyển tiếp có thể được kéo dài thêm từ một đến hai năm trong trường hợp Anh có đề xuất trước ngày 1-7-2020. Tuy nhiên, hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã khẳng định sẽ không đề nghị gia hạn giai đoạn chuyển tiếp đến sau ngày 31-12-2020, bởi vì kéo dài giai đoạn này đồng nghĩa với việc London tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ tài chính cho EU.

Sau 7 vòng đàm phán, hiện tiến trình đàm phán vẫn đang bị cản trở do các vấn đề then chốt như quyền tiếp cận đánh bắt cá của EU tại vùng lãnh hải của Anh, sự tuân thủ của Anh đối với các quy định của EU nhằm tạo ra một sân chơi công bằng, và các chính sách về hải quan cho vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.

Phía EU cho rằng trở ngại chính nằm ở việc London không chấp nhận một số nguyên tắc mang tính nền tảng của Brussels, trong đó mấu chốt là các nông dân EU đã đánh bắt cá tại khu vực trên trong một thời gian dài trước khi Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của EU, vào năm 1973. Ông Barnier cho hay EU không chấp nhận việc sinh kế của các ngư dân được sử dụng như một sự mặc cả trong các cuộc đàm phán về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit giữa EU và Anh.
Trong khi đó, nước Anh cũng có lập luận riêng của mình khi cho rằng chính sự không khoan nhượng của EU trong các vấn đề về trợ cấp nhà nước và nghề cá đã chặn đứng con đường dẫn tới những cuộc thảo luận tiếp theo giữa các bên. Trước đó, Anh từng bày tỏ quan điểm EU chưa thực sự công nhận sự độc lập về kinh tế và chính trị của Anh.

Việc hai bên giữ quan điểm cứng rắn khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.

Anh đặt thời hạn chót đạt thỏa thuận với EU

Bước vào vòng đàm phán thứ 8 lần này, hai bên vẫn đang giữ quan điểm cứng rắn. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định rằng nước Anh sẵn sàng đối mặt với mọi kết quả đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về mối quan hệ giữa hai bên sau Brexit. Ngày 6-9, ông Boris Johnson đã đặt thời hạn chót để đạt một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 15-10 tới, nhằm phần nào xoa dịu những quan ngại về sự hỗn loạn "không thỏa thuận" nếu đàm phán giữa hai bên thất bại.

Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết nếu hai bên không đạt thỏa thuận thương mại tự do song phương, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, hoặc tương tự như với Canada và các nước khác. Hiện Australia đang giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).

Trưởng đoàn đàm phán của Anh David Frost ngày 6-9 cũng đã bày tỏ không kỳ vọng nhiều về khả năng tạo ra đột phá, cam kết sẽ không thỏa hiệp "giới hạn đỏ" của London. Ông David Frost tuyên bố Anh sẽ không trở thành một "quốc gia lệ thuộc" theo bất kỳ điều khoản nào của một thỏa thuận thương mại hậu Brexit ký với Liên minh châu Âu (EU). Ông Frost cho rằng, Anh đã đàm phán trên tinh thần xây dựng, nhưng lập trường cứng rắn và thiếu linh hoạt của EU đã cản trở tiến triển có thể đạt được trong tuần tới.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michel Barnier, thì cáo buộc Anh không đàm phán nghiêm túc. Theo ông Barnier, đàm phán thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc có đạt được nhất trí về việc EU tiếp cận với vùng biển đánh cá của Anh cũng như quy định về cứu trợ nhà nước hay không, tuy nhiên London hiện không nhượng bộ. EU cũng đã bày tỏ quan điểm giữa tháng 10 là thời điểm muộn nhất để đạt thỏa thuận với Anh, do cần thời gian chuyển ngữ cũng như để Nghị viện châu Âu thông qua.

Ngay trước thềm đàm phán lần này, ông Michel Barnier được cho là đang cương quyết yêu cầu London phải chấp nhận không thực hiện bất cứ thay đổi nào đối với luật pháp của Anh, vốn có thể làm sai lệch thỏa thuận thương mại với EU mà trước tiên không tham vấn Brussels. Trước đó, các nhà ngoại giao EU cho biết ông Barnier đã đến London hôm 1-9 để trao đổi với người đồng cấp Frost rằng Anh phải tiếp tục các kế hoạch trợ cấp quốc gia, hoặc sẽ không có một thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost đã bác bỏ cách tiếp cận này.

Sự cương quyết từ phía Anh khi cho rằng Anh hoàn toàn tự quyết đối với các kế hoạch trợ cấp quốc gia đang khiến dư luận lo ngại sẽ làm ảnh hưởng đến những cuộc đàm phán song phương sắp tới giữa Anh và EU. Khả năng Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận thương mại vì vậy đã tăng mạnh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel ngày 4-9 vừa qua cũng tỏ ý hoài nghi về khả năng London và Brussels có thể đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ mới sau Brexit. Ông hối thúc London thể hiện quan điểm rõ ràng để tháo gỡ bế tắc trong đàm phán. Ông cho rằng Anh không thể rời khỏi EU mà vẫn muốn giữ mọi quyền lợi.

Một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU thì nhận định cho rằng khả năng đạt và không đạt thỏa thuận đến nay vẫn là 50/50. Tuy nhiên ông này cũng cho rằng Anh hiện không có động thái nào trong quá trình đàm phán và nếu cách tiếp cận này không thay đổi nhanh chóng sẽ không thể kịp đàm phán một thỏa thuận.

Có thể thấy rõ, thời gian đàm phán ngày càng ngắn đang tạo sức ép lớn cho cả Anh và EU khi cả hai bên còn đang dốc sức trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 cũng như tìm cách chấn hưng nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Thực tế trong bối cảnh đàm phán hậu Brexit không tiến triển, đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới khiến hoạt động thương mại ngưng trệ, nước Anh đã đón nhận thêm tin xấu khi kinh tế Anh rơi vào suy thoái lần đầu tiên sau 11 năm. Hãng BBC dẫn nguồn từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, GDP quý II của nước này đã giảm 20,4% so với quý trước. Trong khi đó, GDP đã Đức giảm khoảng 10%, Italy mất 12%, Pháp 14% và Tây Ban Nha 19%. Dữ liệu công bố mới nhất cho thấy chi tiêu của các hộ gia đình Anh đã giảm 23,1% trong quý II so với quý đầu tiên, trong khi đầu tư kinh doanh giảm gần 1/3. Sản lượng sản xuất và dịch vụ đều giảm do các nhà máy ngừng hoạt động và doanh nghiệp đóng cửa…

COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến cả nền kinh tế Anh và EU thì đã rõ. Bởi vậy vòng đàm phán lần thứ 8 này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hai bên cần phải đưa ra thỏa thuận vào giữa tháng 10 để kịp phê chuẩn trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc. Từ đó tạo điều kiện để các nội dung trong thỏa thuận này bắt đầu được khởi động từ năm 2021.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
  • Ứng cử viên nào sẽ cán đích trong cuộc đua vào “ghế nóng” WTO?
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Ngày 31-8 tới, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo sẽ chính thức từ chức, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Giám đốc WTO thay thế ông Azevedo đang “nóng” lên. Hiện cuộc đua này đang nổi lên 8 ứng cử viên sáng giá.
  • Những câu hỏi xung quanh bầu cử Mỹ
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Cuộc đối đầu giữa đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới là sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm.
  • Căng thẳng thương mại Mỹ-EU bước đầu hạ nhiệt
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi EU quyết định miễn thuế cho mặt hàng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ vào EU. Đây được coi là kết quả đầu tiên trong nỗ lực giảm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, cho thấy thiện chí của cả hai bên trong bối cảnh vẫn còn đang tồn tại rất nhiều bất đồng thương mại.
  • Hiệp định EVFTA: Sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Để tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính căn cứ thông báo tại công thư số Ares (2020) 1982973 của Uỷ ban châu Âu (EC), chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có hướng dẫn cho các cơ quan hải quan địa phương và doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi.
  • Kinh tế Thái Lan sụt giảm mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) ngày 17/8 công bố báo cáo cho biết, kinh tế Thái Lan đã chứng kiến mức suy giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ qua trong quý 2/2020, do tác động của đại dịch COVID-19.
Đàm phán Anh-EU: Khó khăn chồng chất, triển vọng mờ mịt