(BKTO)- Đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế của 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ. Nhiều chuyên gia dự báo chặng đường khôi phục kinh tế của 2 quốc gia này sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm

   

Kinh tế ảm đạm

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và cũng là khởi đầu cho sự bùng phát của đại dịch Covid-19 - Trung Quốc đã rơi vào tình trạng gần như ngưng trệ trong tháng 1 và tháng 2. Trong hai tháng này, do phải thực hiện những yêu cầu chống dịch hết sức quyết liệt, các DN Trung Quốc cơ bản đều ngừng hoạt động, các trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà hàng đều phải đóng cửa.

Hậu quả là, đại dịch đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại các địa phương tăng lên mức cao nhất trong những năm gần đây. Số liệu do Tổng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2020, tình hình việc làm rất ảm đạm. Trong tháng 2, tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố trên toàn Trung Quốc đã đạt mức cao mới, tăng 1% so với tháng 12/2019 lên 6,2%.

Do ảnh hưởng của đại dịch, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 30 năm. Trong tháng 1 và tháng 2, chỉ số này giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn trong hai tháng đầu năm chỉ đạt tổng cộng 410,7 tỷ nhân dân tệ, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không tránh khỏi tác động tiêu cực tương tự, một loạt chỉ số kinh tế quan trọng khác cũng đều sụt giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số bán lẻ hàng tiêu dùng, chỉ số chính thể hiện tăng trưởng tiêu dùng, đã giảm 19% trong 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, con số này phần nào đỡ hơn mức giảm tới 20,5% trong 2 tháng đầu. Riêng doanh số bán lẻ giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong nhiều thập niên; Chỉ số Quản lý sức mua (PMI) trong tháng 2/2020 giảm mạnh 14,3% so với tháng 1, xuống 35,7 - mức thấp nhất trong lịch sử; Lĩnh vực đầu tư tài sản cố định giảm 24,5%, trái ngược mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Kim ngạch xuất-nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt 4.120 tỷ Nhân dân tệ, giảm 9,6%, trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 15,9% và kim ngạch nhập khẩu giảm 2,4%; Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I đạt 216,19 tỷ Nhân dân tệ, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Những sự sụt giảm đồng loạt nói trên đã dẫn đến bức tranh kinh tế tổng thể hết sức tiêu cực, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2020 ở mức 20.650 tỷ Nhân dân tệ (2.910 tỷ USD), giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là sự suy giảm tăng trưởng GDP theo quý lần đầu tiên kể từ năm 1992, thời điểm Trung Quốc bắt đầu thống kê chỉ số này.

Còn tại cường quốc số 1 thế giới - Mỹ, hoạt động sản xuất tại các nhà máy cũng đã giảm xuống mức thấp nhất 11 năm qua trong tháng Tư, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang gây ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng, qua đó cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang trượt sâu hơn vào một đợt suy thoái.

Chỉ số hoạt động sản xuất toàn quốc của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) đã giảm từ 49,1 điểm trong tháng Ba xuống 41,5 điểm trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Đây cũng là mức giảm theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 10/2008. Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy sự sa sút trong lĩnh vực sản xuất, vốn chiếm 11% nền kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó, chỉ số phụ về số đơn hàng mới đã giảm từ 42,2 điểm trong tháng Ba xuống 27,1 điểm trong tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Đây cũng là mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 4/1951.

Trong 18 ngành, chỉ có các nhà sản xuất giấy và thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm thuốc lá ghi nhận số đơn đặt hàng gia tăng. Điều này phù hợp với tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng thực phẩm và các sản phẩm giấy, như giấy vệ sinh.

Với số đơn đặt hàng sụt giảm như vậy, các nhà máy đã cắt giảm nhân sự trong tháng trước. Chỉ số phụ về việc làm đã giảm từ 43,8 điểm trong tháng Ba xuống 27,5 điểm trong tháng Tư, mức thấp nhất kể từ tháng 2/1949, và cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1948.

Điều này càng củng cố những đồn đoán của giới chuyên gia rằng báo cáo việc làm của chính phủ Mỹ sẽ được công bố vào ngày 8/5 tới sẽ cho thấy con số kỷ lục hơn 20 triệu người mất việc làm trong tháng trước, và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt cả mức cao kỷ lục gần 11% ghi nhận trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai hồi tháng 11/1982. Trong tháng Ba, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0,9 điểm phần trăm, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1975, lên 4,4%.

Những biện pháp mạnh mẽ và chưa từng có tiền lệ

Nhằm cứu vãn nền kinh tế, 2 cường quốc này vẫn đang liên tục đưa ra những giải pháp và những gói cứu trợ khổng lồ.

Giới chức Trung Quốc đã tuyên bố ổn định thị trường việc làm là ưu tiên hàng đầu trong công tác kinh tế năm nay. Tại Hội nghị Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện ngày 10/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã yêu cầu dốc sức ổn định việc làm.

Để hỗ trợ các DN, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng trung ương) ngày 30/3 đã giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược (repo) từ 2,4% xuống còn 2,2%.

Bên cạnh đó, PBoC quyết định “bơm” 50 tỷ Nhân dân tệ (7 tỷ USD) vào các thị trường tiền tệ thông qua các thỏa thuận repo kỳ hạn 7 ngày. PBoC cũng phân bổ hạn mức cho vay lại đặc biệt trị giá 300 tỷ Nhân dân tệ (42,58 tỷ USD), qua đó hỗ trợ hơn 7.000 DN hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đối phó đại dịch.

Tiếp đó, đầu tháng 4, PBoC cũng công bố một loạt quyết định hỗ trợ nền kinh tế, theo đó giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa xuống còn 6%. PBoC cũng quyết định "bơm" 400 tỷ Nhân dân tệ để ổn định thanh khoản tiền mặt nhằm kích thích tăng trưởng.

Ngoài ra, PBoC còn điều chỉnh giảm tỷ lệ lãi suất đối với lượng dự trữ vượt mức của các tổ chức tài chính từ 0,72% còn 0,35%. Quyết liệt hơn, ngày 20/4, PBoC đã giảm lãi suất cho vay cơ bản 1 năm (LPR) nhằm thúc đẩy kinh tế và ngăn chặn sự suy sụp của thị trường tài chính, theo đó hạ LPR từ 4,05% còn 3,85%.

Bên cạnh đó, nhiều thể chế tài chính của Trung Quốc cũng tăng cường phát hành trái phiếu để bổ sung vốn, đồng thời cung cấp nhiều khoản vay hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Trong tháng 3, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc (ADBC) đã phát hành tới 486,4 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu, trong đó có những trái phiếu đặc biệt nhắm tới các lĩnh vực liên quan đến việc ngăn chặn dịch bệnh và phát triển kinh tế. Chẳng hạn, ADBC đã phát hành trái phiếu cho những mục đích như kiểm soát dịch bệnh, giảm nghèo, phát triển nông thôn, nối lại hoạt động làm việc và sản xuất thịt lợn.

Để phục hồi tiêu dùng, giới chức các địa phương, DN và các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc cung cấp các phiếu/mã mua hàng giảm giá trị giá hàng tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ các nhà bán lẻ chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Citic Securities dự đoán số phiếu giảm giá có tổng giá trị 34,9 tỷ Nhân dân tệ sẽ giúp thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng tăng thêm 62,9 tỷ Nhân dân tệ.

Tương tự Trung Quốc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng vừa có cuộc họp chính sách đầu tiên kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng nổ tại Mỹ. Tuyên bố nổi bật nhất trong cuộc họp là nước Mỹ sẽ chịu tác động nặng nề và Fed cam kết giữ nguyên mức lãi suất gần 0% cho đến khi việc làm và lạm phát hoàn toàn phục hồi.

Theo đó, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu lãi suất hiện tại ở mức từ 0%-0,25% cho đến khi tin tưởng rằng nền kinh tế đã vượt qua được những biến cố gần đây và trên đà đạt được mục tiêu bình ổn việc làm và giá cả tối đa.

Ông Jerome Powell - chủ tịch Fed trong cuộc họp báo trực tuyến ngay sau cuộc họp của Fed cho biết cơ quan này sẽ triển khai “tất cả các công cụ” và Fed sẽ có thêm các hành động cụ thể để hỗ trợ cho kinh tế Mỹ hồi phục mạnh mẽ.

Người đàn ông quyền lực số 1 trong hệ thống tài chính nước Mỹ cũng cho biết, Fed còn dư địa để có thể hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới bởi các chính sách tín dụng của cơ quan này “không chịu giới hạn cụ thể nào”. Fed có thể mở rộng chính sách tín dụng nếu cần và thậm chí đưa ra các chính sách mới.

Như vậy, đây là cam kết chính sách mạnh mẽ chưa từng có của Cục dự trữ liên bang Mỹ và nó có thể phá vỡ những quy tắc trăm năm tuổi và viết lại khái niệm của ngân hàng trung ương nước Mỹ. Fed có thể phá vỡ tiền lệ để mở rộng cho vay với các DN, các bang và thành phố trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Mỹ. Câu chuyện về điều kiện vay khắt khe, sự cân nhắc kỹ lưỡng rủi ro cũng như kế hoạch thu hồi lại tiền… có thể sẽ khác trước rất nhiều khi mà Fed thực hiện chương trình nới lỏng định lượng không giới hạn.

Theo đánh giá của Fed, cuộc khủng hoảng y tế công Covid-19 sẽ tác động nặng nề lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, và gây ra những rủi ro đáng kể đối với triển vọng kinh tế trong trung hạn.

Nhận định về chặng đường phục hồi của kinh tế Mỹ Chủ tịch Fed - Jerome Powell cho rằng: "Con đường này rất bất ổn, nhưng chúng ta sẽ đến đích với những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và giúp kinh tế phục hồi".
NAM SƠN (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Châu Âu- đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ kinh tế khổng lồ
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Châu Âu hiện là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Từ những tác động to lớn của các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội và phải dồn trọng tâm chi tiêu cho hệ thống y tế, "bóng ma" suy thoái đang bao trùm khắp châu lục và đòi hỏi những kế hoạch hỗ trợ quy mô khổng lồ để phục hồi kinh tế.
  • Truy tìm “tổ tiên” của Covid-19
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Peter Daszak - người đứng đầu EcoHealth Alliance, tổ chức phi chính phủ của Mỹ chuyên đi tìm virus mới để ngăn chặn đại dịch xảy ra và là người được mệnh danh là “Thợ săn virus” vừa có chuyến đi vào trong hang động tại Vân Nam (Trung Quốc) để tìm kiếm các mầm bệnh từ loài dơi-“tổ tiên” của virus Corona.
  • Kinh tế thế giới trong đại dịch
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Các quốc gia trên thế giới tiếp tục tung ra các biện pháp tài chính và gói cứu trợ khổng lồ nhằm cứu nền kinh tế trước đại dịch Covid-19.
  • Covid-19: Cơ hội để Trái đất hồi sinh
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã mang đến vô vàn ảnh hưởng tiêu cực tới nhân loại cả về tính mạng và kinh tế. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, Đại dịch cũng mang đến những tia sáng cho thiên nhiên và bầu khí quyển. Trong lúc chúng ta bị kẹt ở nhà, thiên nhiên đã có một khoảng thời gian hiếm hoi để "nghỉ ngơi" và phục hồi.
  • Giá dầu thế giới tiếp tục đà phục hồi ổn định
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Ngày 22/4 (theo giờ Mỹ), giá dầu đã tăng gần 20%, một dấu hiệu cho thấy thị trường đang dần ổn định trở lại sau khi giá dầu rớt xuống ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử hồi đầu tuần.
Con đường bất ổn