Căng thẳng thương mại Mỹ-EU bước đầu hạ nhiệt

(BKTO)- Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi EU quyết định miễn thuế cho mặt hàng tôm hùm xuất khẩu của Mỹ vào EU. Đây được coi là kết quả đầu tiên trong nỗ lực giảm căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương, cho thấy thiện chí của cả hai bên trong bối cảnh vẫn còn đang tồn tại rất nhiều bất đồng thương mại.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Ăn miếng trả miếng

Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) vốn tồn tại suốt 70 năm qua đã bị sứt mẻ nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và thực thi chính sách đối ngoại khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm. Tổng thống Donald Trump đã thực hiện cam kết khi tranh cử là thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới, không ngoại trừ đối tác lâu đời là EU.

Mấu chốt gây nên căng thẳng giữa Mỹ và EU là những tranh cãi trong nhiều thập niên qua về việc trợ cấp chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing khiến hai bên tăng cường áp thuế trả đũa lẫn nhau. Cùng với đó là những đả kích và chỉ trích giữa hai bên cứ chực chờ bùng nổ và liên tục leo thang.

Căng thẳng thương mại Mỹ và EU bắt đầu nổ ra kể từ sau khi Mỹ đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm, và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU từ ngày 1-6-2018. Chưa hết, Tổng thống Trump còn đe dọa áp mức thuế 25% đối với mọi xe ô tô lắp ráp tại EU. Đây được xem là "cú đánh hiểm" của Mỹ đối với EU, khi mà năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ô tô của Mỹ từ EU lên tới 43,6 tỷ USD. Tuy nhiên việc áp thuế ô tô nhập khẩu từ châu Âu đến nay vẫn nhiều lần bị trì hoãn do kế hoạch này vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ trong nước Mỹ.

Đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với mặt hàng nhôm và thép của EU, từ ngày 22-6-2018, EU cũng đã chính thức đánh thuế nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Mỹ trị giá hơn 3 tỷ USD, trong đó có quần bò, xe mô tô hạng nhẹ và rượu whiskey…

Từ giữa tháng 10-2019, Mỹ đã áp thuế lên 7,5 tỷ USD hàng hóa của EU, bao gồm mức thuế với máy bay Airbus sản xuất tại châu Âu là 10%, còn rượu vang Pháp, rượu whisky, các loại phô mai, dầu olive và nhiều sản phẩm khác bị đánh thuế 25%. Đây là một lệnh trừng phạt được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép trong khuôn khổ cuộc tranh chấp kéo dài 15 năm về trợ cấp cho 2 nhà sản xuất máy bay Boeing và Airbus. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2019, Mỹ cho biết sẽ xem xét áp hàng rào thuế quan lên đến 100% đối với các hàng hóa châu Âu mà Chính phủ Donald Trump đã miễn trừ thuế trước đó.

Đáp lại, EU cũng nhiều lần đe dọa sẽ đáp trả bằng việc áp thuế với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ. Chiến lược áp thuế cho các dịch vụ kỹ thuật số (thuế GAFA) của các nước châu Âu đối với các tập đoàn công nghệ của Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon, cũng đã gây căng thẳng và dẫn tới việc Tổng thống Donald Trump dọa sẽ áp thuế lên ô tô của châu Âu, nhất là ô tô của Đức, nền kinh tế lớn nhất EU. Bên cạnh đó, Washington còn đe dọa đánh thuế xuất khẩu vào hàng hóa từ bất cứ các quốc gia nào dự định áp dụng thuế GAFA đối với Mỹ.

Một thực tế là, khi dịch COVID-19 gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu kể từ đầu năm đến nay, các biện pháp áp thuế giữa Mỹ và EU đều đã gây ra những tổn thất rất lớn cho cả hai bên. Giới quan sát cảnh báo rằng, các biện pháp ăn miếng trả miếng nói trên sẽ gây thiệt hại không đáng có đối với các doanh nghiệp ở hai bờ Đại Tây Dương, vốn đang vất vả đối phó với đại dịch. Với Mỹ, đối đầu thương mại Mỹ-EU có thể làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, thu hẹp quy mô thị trường khiến các công ty này phải bán tài sản ở nước ngoài, kéo theo cạnh tranh quốc tế tăng cao. Với EU, việc đẩy cao căng thẳng sẽ làm cản trở tiến trình tháo gỡ tranh chấp thương mại vốn kéo dài hơn 15 năm qua giữa hai bên đẩy các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ và EU đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ.

Trong khi đó, việc cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc chưa biết đến khi nào sẽ kết thúc, thì việc Mỹ chuyển sự quan tâm vào các cuộc đàm phán với đối tác EU đã được cho là rất cần thiết với cả hai phía.

Hạ nhiệt bước đầu

Hồi tháng 7-2018, trong một nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng thương mại song phương, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã đạt được nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động… Ngoài ra, hai bên thỏa thuận tăng cường thương mại trong một loạt lĩnh vực như dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh đàm phán các vấn đề thương mại và thuế quan trong năm 2019, nhằm giải quyết các vướng mắc và tháo gỡ xung đột; nhất trí tránh áp đặt bất kỳ biện pháp thuế quan mới nào trong giai đoạn các cuộc đàm phán chi tiết diễn ra. Thế nhưng, tiến trình đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ không hề dễ dàng. Đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU ngày càng bế tắc do bất đồng về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus của chính phủ hai bên, cũng như việc đánh thuế đối với các công ty kỹ thuật số và lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong một thông báo chung đưa ra vào tối ngày 21-8 vừa qua, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Ủy viên Thương mại EU Phil Hogan đã gây bất ngờ khi cho biết EU đã đồng ý loại bỏ thuế quan đối với mặt hàng tôm hùm của Mỹ. Mặt hàng này trước đó đang bị áp thuế từ 8-12%, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ sang EU vào khoảng 111 triệu USD/năm. Đổi lại, phía Mỹ sẽ giảm một nửa mức thuế với một loạt mặt hàng nhập khẩu từ EU có trị giá 160 triệu USD/năm như ly pha lê, bật lửa dùng một lần hay thực phẩm chế biến sẵn.

Bản thông cáo chung giữa Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Phil Hogan và nhà đàm phán của Mỹ Lighthizer cho biết việc tự do hóa buôn bán tôm hùm và bật lửa là bước khởi đầu của một quá trình sẽ dẫn đến các thỏa thuận nhằm thúc đẩy môi trường thương mại xuyên Đại Tây Dương tự do và công bằng hơn. Dù thỏa thuận chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng theo thông tin từ Ủy ban châu Âu thì đây là lần đầu tiên trong hơn 2 thập niên, Mỹ và EU đàm phán về cắt giảm thuế quan.
Theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chính sách cắt giảm thuế sẽ được áp dụng cho mọi thành viên của tổ chức này, và các sản phẩm nói trên đã được lựa chọn để tối đa hóa lợi ích chung giữa hai bên.

Giới quan sát cho rằng, việc hai bên đạt được thỏa thuận miễn giảm thuế đối với mặt hàng tôm hùm và một số mặt hàng khác đã cho thấy những nỗ lực giảm căng thẳng và thiện chí của hai bên. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Cao ủy EU phụ trách thương mại Phil Hogan thì cho biết, thoả thuận cắt giảm thuế lần này đánh dấu khởi đầu của một quá trình nhằm đạt được các thỏa thuận khác, từ đó làm cho quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương tự do hơn, công bằng hơn và tác động qua lại lẫn nhau. Còn đối với Mỹ, bước tiến này đạt được ngay trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 có thể giúp Tổng thống Donald Trump ghi điểm trước cử tri.
Theo TTXVN
Cùng chuyên mục
  • Hiệp định EVFTA: Sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế quan
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Để tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực từ ngày 1/8, Bộ Công Thương tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính căn cứ thông báo tại công thư số Ares (2020) 1982973 của Uỷ ban châu Âu (EC), chỉ đạo Tổng cục Hải quan sớm có hướng dẫn cho các cơ quan hải quan địa phương và doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu và chứng từ tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa nhập khẩu từ EU về Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi.
  • Kinh tế Thái Lan sụt giảm mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan (NESDC) ngày 17/8 công bố báo cáo cho biết, kinh tế Thái Lan đã chứng kiến mức suy giảm sâu nhất trong hơn hai thập kỷ qua trong quý 2/2020, do tác động của đại dịch COVID-19.
  • Đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Số ca nhiễm mới COVID-19 ở Hàn Quốc tiếp tục tăng 3 con số, trong khi đó Australia ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất, còn Pháp phát hiện hơn 3.000 ca mắc mới ngày thứ hai liên tiếp.
  • Bắc Kinh hy vọng Mỹ ngừng phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Ngày 13/8, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Nhậm Hồng Bân cho biết Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ chấm dứt "hành động hạn chế và phân biệt đối xử" với các công ty của Trung Quốc, đồng thời tạo điều kiện thực thi thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1.
  • Vaccine - vũ khí được mong chờ nhất trong cuộc chiến chống COVID-19
    3 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại, cuộc chạy đua để có được vaccine lại càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Trong cuộc đua này, Nga đã trở thành nước “về đích” sớm nhất khi chiều ngày 11-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố vaccine của nước này đã nhận được giấy phép của Bộ Y tế Nga. Sự kiện này đã đưa Nga là nước đầu tiên trên trên thế giới có vaccine phòng bệnh COVID-19.
Căng thẳng thương mại Mỹ-EU bước đầu hạ nhiệt